Gian nan bảo vệ lưới điện miền núi

  • 07:20 | Thứ Sáu, 18/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để dòng điện lên các xã miền núi, biên giới vận hành thông suốt, nhiều cán bộ, công nhân Công ty Điện lực Quảng Bình (PC Quảng Bình) đã phải xuyên rừng để bảo vệ hàng trăm km lưới điện. Mặc dù công việc hết sức khó khăn, vất vả nhưng với trách nhiệm nghề nghiệp, những cán bộ, nhân viên điện lực sẵn sàng bám trụ để hoàn thành nhiệm vụ.
 
PC Quảng Bình đang quản lý, vận hành đường dây cao áp hơn 313km, trung áp 2.168km và 3.468km hạ áp; 12 trạm biến áp 110kV và 1.731 trạm biến áp phân phối phục vụ cho hơn 280.000 khách hàng trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, có khoảng 450km đường dây trung áp xuyên qua núi rừng và các nơi đặc biệt khó khăn tại huyện Quảng Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy…
 
Tổng chiều dài đường dây băng qua rừng khá dài, địa hình hiểm trở, phức tạp lại là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên công tác tuyên truyền, bảo vệ lưới điện gặp nhiều khó khăn. Tình trạng sạt lở, cây gãy đổ gây ảnh hưởng cho tuyến điện cũng thường xảy ra trong mùa mưa bão…
 
Ông Vũ Thanh Phong, Phó Giám đốc PC Quảng Bình cho biết: “Để bảo vệ những tuyến điện xuyên rừng, đơn vị đã phối hợp với các cấp ủy, chính quyền tuyên truyền cho người dân không trồng cây, làm nhà trong phạm vi hành lang lưới điện. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên giải phóng hành lang, thu dọn thực bì những nơi lưới điện đi qua; kiểm tra, tu sửa lại các đường dây, lèo, xà, nâng cột những nơi địa hình phức tạp; bọc cách điện tại những điểm đầu dây để chống chim, chuột, rắn có thể gây ra sự cố; nắm chắc tình hình dự báo thời tiết để lên kế hoạch ứng phó linh hoạt…".

Đội quản lý điện thị trấn Nông trường Việt Trung-Trường Sơn (thuộc Điện lực Đồng Hới) đang quản lý, vận hành trên 90km đường dây trung thế từ thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) lên xã Trường Sơn (Quảng Ninh).

“Đây chính là một trong những tuyến điện băng qua rừng dài nhất trên địa bàn tỉnh với 503 vị trí cột. Tuyến mở trước khi Quốc lộ 9E được nâng cấp, mở rộng nên có tới 70% cột, dây đều ở trên rừng và đồi núi cao. Có những vị trí cột cách đường giao thông hàng trăm mét, có cột nằm chênh vênh bên vực sâu và cách nhau trên 500m nên công tác vận hành vô cùng khó khăn, vất vả”, anh Nguyễn Văn Sơn, Đội trưởng Đội quản lý điện thị trấn Nông trường Việt Trung-Trường Sơn chia sẻ.

Công nhân Đội quản lý điện thị trấn Nông trường Việt Trung-Trường Sơn xử lý thực bì trong hành lang lưới điện giữa rừng.
Công nhân Đội quản lý điện thị trấn Nông trường Việt Trung-Trường Sơn xử lý thực bì trong hành lang lưới điện.

Để thấy những khó khăn đó, chúng tôi theo chân công nhân Đội quản lý điện thị trấn Nông trường Việt Trung-Trường Sơn lên rừng làm nhiệm vụ. Từ nơi làm việc của đội, chúng tôi men theo Quốc lộ 9E xuyên qua những khu rừng nguyên sinh. Nhiều nơi cột điện và đường dây đi qua có đường hành lang rộng gần 15m đều được phát quang sạch sẽ.

Có mặt tại tiểu khu 315 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh, nơi có 3 cột điện và đường dây đi qua với chiều dài chừng 300m, cách mặt đường khoảng 100m có 3 công nhân của đội đang phát quang. Để tiếp cận với các anh, chúng tôi phải đu dây lên một vách đá tai mèo lởm chởm chừng 10m, đi xuyên quãng đường rừng nguyên sinh, dốc cao thẳng đứng gần 150m. Tại hiện trường, tuyến hành lang dài hàng chục mét đã được các công nhân dùng rựa, máy cưa, liềm chuyên dụng… chặt tỉa gọn gàng, thông thoáng.
 
Anh Hoàng Minh Cường, công nhân quản lý vận hành tuyến điện thị trấn Nông trường Việt Trung-Trường Sơn chia sẻ: “Cây cối ở đây phát triển nhanh lắm. Trung bình mỗi năm, chúng tôi phải xuyên rừng, vượt suối để phát quang, dọn thực bì mất gần 6 tháng. Có những nơi vừa phát xong thì khoảng 1 tháng sau, cây cối đã mọc lên um tùm. Mùa này, tre nứa từ ngoài hành lang mọc đâm ra làm ảnh hưởng đến lưới điện nên chúng tôi phải kiểm tra và xử lý thường xuyên. Mỗi khi làm việc trên rừng, chúng tôi phải mang theo nước uống, thức ăn khô, võng để ngủ lại. Đến tối thì vào trạm bảo vệ rừng hoặc nhà dân xin ngủ nhờ”.
 
Để quản lý, vận hành tuyến điện trung thế từ xã Quảng Hợp (Quảng Trạch) đi xã Ngư Hóa (Tuyên Hóa), Đội quản lý tổng hợp khu vực Roòn (thuộc Điện lực Quảng Trạch) phải thường xuyên ăn ở trong rừng. Tuyến điện này dài khoảng 40km, trong đó có 20km băng qua những cánh rừng trồng và rừng tự nhiên trên địa bàn 2 huyện. Anh Dương Tiến Bình, Đội trưởng Đội quản lý tổng hợp khu vực Roòn cho biết: “Hàng tuần, chúng tôi phải bố trí lực lượng kiểm tra, nắm tình hình dọc tuyến. Còn hàng quý, anh em trong đội phải ăn ở trong rừng, ngủ lán để phát dọn thực bì, chặt tỉa cây cối để tránh những sự cố. Ngoài ra, chúng tôi phải kiểm tra kỹ thuật, lắp đặt thiết bị đóng cắt tự động, thiết bị cảnh báo trên đường dây, xử lý tiếp địa, bọc cách điện để chống rắn, chuột, chim…”.
 
Trận bão năm 2017 làm hàng chục cột điện, cây cối đổ gãy, nhiều vị trí dây bị đứt khiến xã Ngư Hóa mất điện kéo dài. Ông Nguyễn Thọ Vinh, Phó Giám đốc Điện lực Quảng Trạch cho biết: “Thời điểm đó, lực lượng của chúng tôi và các đơn vị khác tăng cường về hàng trăm người, kết hợp với các phương tiện, thuê trâu kéo cột lên rừng để xử lý sự cố. Qua 10 ngày ăn ở, làm việc trong rừng, chúng tôi cũng đã cơ bản thông xong tuyến. Còn những hạng mục khác và các tuyến hạ thế, điện vào các hộ gia đình cũng được anh em trong đơn vị xử lý nhanh chóng”.
 
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, bảo vệ nên dòng điện từ miền xuôi lên miền núi được vận hành liên tục, an toàn, ổn định. Hơn một năm qua, các sự cố, thời gian mất điện của khách hàng khu vực miền núi, biên giới đã giảm nhiều so với trước…
 
Ông Vũ Thanh Phong cho biết: Thời gian tới, PC Quảng Bình sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân miền núi, biên giới chung tay bảo vệ hành lang lưới điện; triển khai các dự án thay thế dây trần bằng dây bọc, lắp đặt các thiết bị đóng cắt tự động, thiết bị cảnh báo sự cố và phân lập sự cố. Trước mùa mưa bão, yêu cầu các đơn vị tiếp tục phát quang hành lang, tổng kiểm tra toàn bộ lưới điện qua rừng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra.

Xuân Vương

 

tin liên quan

Lệ Thủy: Có 119 trang trại đạt tiêu chí

(QBĐT) - Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, theo kết quả rà soát, đến nay, trên địa bàn huyện Lệ Thủy có 119 trang trại đạt tiêu chí theo quy định của Thông tư 02/2020/BNN-PTNT ngày 28/2/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. 

Họp báo về Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2022 tại TP. Hồ Chí Minh

(QBĐT) - Chiều nay, 17/3, UBND tỉnh đã tổ chức họp báo tuyên truyền về Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2022 tại TP. Hồ Chí Minh. Đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì họp báo. Tham dự có đại diện các sở, ngành liên quan, các cơ quan báo chí và đông đảo phóng viên thường trú các báo trung ương hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Quyết tâm làm giàu

(QBĐT) - Bằng nghị lực vươn lên, anh Trần Chính Phong (SN 1978), ở thôn 2 Thanh Mỹ, Thanh Thủy (Lệ Thủy) đã trở thành điển hình về phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi, trồng trọt và làm dịch vụ.