Tuyên Hóa: Nỗ lực đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng

  • 12:49 | Thứ Năm, 06/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thời gian qua, các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã có nhiều hoạt động thiết thực, qua đó, giúp người dân thay đổi nhận thức, thói quen lựa chọn hàng hóa, ngày càng tin tưởng và ưu tiên sử dụng hàng Việt.
 
CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã lan tỏa khắp địa bàn tỉnh, Tuyên Hóa cũng không ngoại lệ. Ủy ban MTTQVN huyện và các tổ chức thành viên phối hợp với chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của CVĐ tới cán bộ, đảng viên và nhân dân.
 
Nội dung tuyên truyền được các đoàn thể, tổ chức thành viên lồng ghép vào các phong trào, cuộc vận động, như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng…
 
Qua đó, nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước để mua sắm tài sản công cũng như tiêu dùng cá nhân.
 
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Tuyên Hóa cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường phân phối hàng Việt khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
 
Trong đó, huyện đã triển khai thực hiện các quyết sách của Quốc hội và Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, như: Cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm; kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2025; hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng. 
Hàng Việt Nam chiếm trên 80% số lượng hàng hóa đang lưu thông trên địa bàn huyện Tuyên Hóa.
Hàng Việt Nam chiếm trên 80% số lượng hàng hóa đang lưu thông trên địa bàn huyện Tuyên Hóa.
Ngoài ra, huyện tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng thực thi của hệ thống chính quyền cấp cơ sở, thúc đẩy cải cách hành chính, cắt giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra và chi phí không chính thức cho doanh nghiệp…
 
Huyện Tuyên Hóa cũng đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển; phối hợp với các địa phương chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP, nhãn hiệu tập thể, góp phần giới thiệu và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Đến nay, huyện có 6 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, gồm: Mật ong Tuyên Hóa, mật ong Thanh Hóa, mật ong Quyết Thắng, đồ thủ công mỹ nghệ trang trí (mây tre đan Vân Sơn), măng khô Mã Liềng, lạc rang sả ớt Cao Quảng.
 
Với những giải pháp thiết thực, CVĐ đã và đang làm thay đổi nhận thức và thói quen của người tiêu dùng theo chiều hướng tích cực. Trên thị trường huyện Tuyên Hóa, số lượng hàng Việt được tiêu thụtăng lên rõ rệt, chiếm trên 80% số lượng hàng hóa đang lưu thông trên địa bàn. Các mặt hàng không rõ nguồn gốc, nhãn mác, hàng Trung Quốc kém chất lượng ngày càng được hạn chế, nhất là tại các khu vực nông thôn.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn huyện Tuyên Hóa vẫn còn nhiều khó khăn, cần tháo gỡ. Ngoài sự cạnh tranh về giá, khó khăn lớn nhất của người dân là chưa biết cách, hoặc chưa đủ thông tin để nhận diện hàng thật, hàng chất lượng; các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn vẫn ít, một số địa phương không có địa điểm tổ chức hội chợ. Công tác tuyên truyền vận động vẫn chưa được thường xuyên; hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái trên thị trường vẫn khó kiểm soát; hàng hóa Trung Quốc kém chất lượng vẫn còn được bày bán nhiều ở các chợ truyền thống, như: Quần áo, chăn màn, đồ chơi trẻ em…
 
Ông Nguyễn Hữu Quỳnh, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tuyên Hóa cho biết: Thời gian tới, huyện Tuyên Hóa sẽ tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong thực hiện CVĐ. Trong đó, huyện tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tổ chức đưa hàng Việt về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhân dân, khuyến khích giảm giá thành sản phẩm để kích thích tiêu dùng; tiếp tục tuyên truyền nhận biết về nhãn hiệu hàng hóa trong nước, phát hiện hàng nhái, hàng giả để trình báo cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra và xử lý nhằm lành mạnh hóa thị trường…
 
Năm 2021, tổ kiểm tra liên ngành tuyến huyện do Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tuyên Hóa chủ trì đã tổ chức 2 đợt cao điểm kiểm tra 37 cơ sở, trong đó phát hiện 13 cơ sở vi phạm về điều kiện kinh doanh, chất lượng, nhãn hàng hóa… Các tổ liên ngành tuyến xã cũng tổ chức kiểm tra 432 cơ sở, trong đó phát hiện 115 cơ sở chưa chấp hành tốt quy định sản xuất, kinh doanh. Việc tăng cường công tác kiểm tra giám sát đã làm tăng lòng tin của nhân dân đối với các sản phẩm hàng Việt Nam.
Thanh Hoa
 

tin liên quan

Bước chuyển mình của nông nghiệp Quảng Bình

(QBĐT) - Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn gia súc ngày càng diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng ngày càng cao, việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hướng hữu cơ là một trong những giải pháp mà ngành Nông nghiệp, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang hướng tới để phát triển chăn nuôi bền vững.

Kinh tế toàn cầu: Những mảng màu đan xen

Làn sóng mới của dịch Covid-19 làm chậm đà tăng trưởng của kinh tế thế giới, song các dự báo vẫn chỉ ra những tín hiệu khả quan. Theo báo cáo thường niên của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR), sản lượng kinh tế thế giới sẽ lần đầu tiên đạt mốc 100 nghìn tỷ USD vào năm 2022. GDP toàn cầu cũng sẽ cao hơn mức trước đại dịch.

 

Bố Trạch: Giảm chi phí đầu vào trong sản xuất vụ đông-xuân 2021-2022

(QBĐT) - Vượt lên những khó khăn do đại dịch Covid-19, bà con nông dân huyện Bố Trạch sẵn sàng bước vào sản xuất vụ đông-xuân 2021-2022. Huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn và địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm bớt chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích.