Ổn định thị trường hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán

  • 08:02 | Thứ Bảy, 15/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Giáp Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và bình ổn thị trường giá cả; đồng thời ứng phó linh hoạt với dịch Covid-19, Sở Công thương đã triển khai các giải pháp đồng bộ, phối hợp với các ngành, địa phương dự trữ, đa dạng nguồn hàng nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.
 
Xung quanh vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương.
 
PV: Trước hết, xin ông cho biết ngành Công thương đã có kế hoạch cụ thể như thế nào để chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp?
 
Ông Phan Hoài Nam: Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, giá cả hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết, cung ứng đầy đủ hàng hóa nhu yếu phẩm cho người dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trong điều kiện thích ứng linh hoạt, an toàn kiểm soát tốt dịch Covid-19, Sở Công thương đã chủ động xây dựng Kế hoạch số 1950/SCT-TM, ngày 8/12/2021 về việc bảo đảm lưu thông, cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và Kế hoạch số 1840/KH-SCT, ngày 25/11/2021 về bảo đảm các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường, phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
 
Ngay sau khi ban hành các kế hoạch, Sở Công thương đã hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp thương mại đầu mối, phát luồng hàng hóa trên địa bàn tỉnh xây dựng các phương án bảo đảm dự trữ nguồn hàng để cung ứng phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân theo từng cấp độ phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của UBND tỉnh và các hướng dẫn của ngành Y tế.
 
PV: Do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao nên một số mặt hàng thiết yếu có thể bị “thổi” giá. Ngành Công thương đã có những giải pháp gì để bình ổn giá cả thị trường, thưa ông?
 
Ông Phan Hoài Nam: Để bình ổn thị trường, nhất là nhóm các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sắp tới, Sở Công thương có những giải pháp sau:
 
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT-TH Quảng Bình, Báo Quảng Bình đẩy mạnh tuyên truyền về các nội dung cung cầu hàng hóa, thị trường giá cả, phương án bảo đảm dự trữ và cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu đến người dân trên địa bàn tỉnh để người tiêu dùng trong tỉnh yên tâm “mua đúng, mua đủ nhu cầu” tránh tình trạng gom hàng, tích trữ cục bộ.
Thị trường hàng hóa Tết đã bắt đầu sôi động, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Thị trường hàng hóa Tết đã bắt đầu sôi động, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Mặt khác, sở sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa; đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn tỉnh để có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
 
Vận động, khuyến khích doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, chương trình kích cầu tiêu dùng, đưa các chuyến hàng lưu động đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, khu vực cách ly, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
 
Sẵn sàng kích hoạt kịch bản lưu thông hàng hóa theo từng cấp độ diễn biến của dịch Covid-19, cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân trong các khu vực cách ly được đón Tết vui tươi, an toàn. Bên cạnh đó, sở chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết tại các chợ, cửa hàng bách hóa tổng hợp; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 để duy trì hoạt động của các chợ nhằm bảo đảm cung ứng, trao đổi hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, qua đó, giảm áp lực cung ứng cho các loại hình kinh doanh khác, hạn chế tình trạng tăng giá.
 
PV: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Vậy ngành Công Thương đã triển khai nhiệm vụ này như thế nào, thưa ông?
 
Ông Phan Hoài Nam: Càng gần Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh càng sôi động. Đây cũng là thời điểm tình trạng buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng gia tăng. Nhằm ngăn ngừa tình trạng trên và bảo đảm bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Sở Công thương phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và Cục Quản lý thị trường đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
 
Mặt khác, nắm bắt giá cả thị trường hàng ngày để phối hợp xử lý các thông tin về vi phạm trong vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại; chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, không qua kiểm dịch, gian lận về đo lường; kiểm tra, kiểm soát về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh tại các chợ, tuyên truyền thương nhân không kinh doanh buôn bán hàng hóa vi phạm pháp luật.
 
Sở Công thương đã xây dựng Kế hoạch số 06/KH-SCT, ngày 4/1/2022 về triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội xuân 2022. Theo đó, đơn vị tổ chức đoàn kiểm tra việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội xuân năm 2022 tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn từ ngày 10/1-12/3/2022. Thời điểm sát Tết Nguyên đán, Sở Công thương sẽ kiểm tra, khảo sát thực tế một số địa phương, đơn vị trong tỉnh để nắm bắt tình hình thị trường, hoạt động kinh doanh hàng hóa và công tác phòng, chống dịch Covid 19 trên địa bàn.
 
PV: Với tư cách Phó Giám đốc Sở Công Thương, ông có điều gì nhắn nhủ với các doanh nghiệp, người dân về hoạt động sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thiết yếu dịp Tết Nguyên đán trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp?
 
Ông Phan Hoài Nam: Doanh nghiệp hãy tiếp tục nắm bắt nhu cầu thị trường để có kế hoạch dự trữ, sản xuất, kinh doanh cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân đón tết đầy đủ, an toàn không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Sở Công thương sẽ đồng hành với các doanh nghiệp để vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch covid-19, vừa bảo đảm việc lưu thông hàng hóa, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn của tỉnh.
 
Mỗi một người dân hãy là người tiêu dùng thông thái. Sở Công thương sẽ thường xuyên theo dõi sát diễn biến thị trường, sẵn sàng lắng nghe thông tin phản hồi của người dân về những bất ổn thị trường, như: Tung tin thất thiệt, đầu cơ, găm hàng, tăng giá tùy tiện, hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị lượng hàng hóa dự trữ gấp 2-3 lần so với bình thường và có thể cung ứng ngay cho thị trường trong vòng 1-2 ngày nếu xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ. Vì vậy, người dân nên tỉnh táo, nắm bắt thông tin để không xảy ra tình trạng đổ xô đi mua hàng gây mất trật tự an ninh và nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng.
 
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!
 
Nguyễn Hoàng
(thực hiện)

tin liên quan

Trekking… mùa mưa

(QBĐT) - Trekking-du lịch khám phá bằng hình thức đi bộ-tưởng chỉ có thể được tổ chức vào ngày nắng ráo. Vậy nhưng, mùa đông với mưa và gió rét vẫn là thời điểm lý tưởng cho những chuyến ngược vào rừng, khám phá các cung đường rừng ẩm ướt và cả những bí ẩn bên trong các hang động hoang sơ.

Thu ngân sách nhà nước toàn ngành thuế năm 2021 đạt hơn 6.200 tỷ đồng

(QBĐT) - Sáng 14/1, Cục Thuế tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. 

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kê khai và kế toán thuế

(QBĐT) - Cục Thuế tỉnh đã tập trung đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả công tác kê khai, kế toán thuế, góp phần tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.