Quảng Ninh: Chăn nuôi "cầm cự" vượt qua khó khăn

  • 08:38 | Thứ Năm, 18/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau ảnh hưởng của trận lũ lịch sử tháng 10-2020, kế tiếp là dịch Covid-19, sản xuất nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng của xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) gặp rất nhiều khó khăn. Các trang trại chăn nuôi lớn thu hẹp quy mô, cố gắng “cầm cự” để vượt khó.
 
Tổng đàn sụt giảm
 
Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh Nguyễn Hữu Lương cho biết: “Mặc dù có dấu hiệu phục hồi sau lũ lụt tháng 10-2020, nhưng vì đại dịch Covid-19 xảy ra, tình hình chăn nuôi trên địa bàn có dấu hiệu chững lại. Tổng đàn gia súc, gia cầm sụt giảm, đàn trâu, bò 1.042 con, bằng 85% kế hoạch năm; đàn lợn 7.456 con, đạt 71,29%; gia cầm, thủy cầm 48.500 con, đạt 43%. Tổng sản lượng gia súc xuất chuồng 1.279 tấn, bằng 75% kế hoạch; sản lượng gia cầm, thủy cầm 145 tấn, đạt 43% kế hoạch. Diện tích ao hồ nuôi cá nước ngọt bảo đảm 100% chỉ tiêu đề ra với 525ha, tuy nhiên, sản lượng vẫn giảm sút, đạt hơn 331 tấn, bằng 84% kế hoạch”.
 
Số lượng gà giống của anh Trần Thanh Ngọc cố gắng duy trì, vượt qua thời điểm khó khăn.
Anh Trần Thanh Ngọc cố gắng duy trì số lượng gà giống để vượt qua thời điểm khó khăn.
Theo những người chăn nuôi tại xã Vạn Ninh, nguyên nhân tổng đàn sụt giảm là do nguồn con giống sau lũ lụt, thiên tai khan hiếm, giá cả thức ăn chăn nuôi tăng đột biến... Tình hình đại dịch Covid-19 kéo dài khiến quá trình lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bị gián đoạn…
 
Để từng bước phục hồi, phát triển chăn nuôi sau khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, UBND xã Vạn Ninh khuyến khích các hộ chăn nuôi sắp xếp lại quy mô, vệ sinh hệ thống chuồng trại, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó chú ý đến bệnh lở mồm long móng trên gia súc, dịch tả lợn thường hay xảy ra vào dịp cuối năm. Trước mắt, cần chú trọng bảo đảm duy trì số lượng đàn trâu, bò, đàn lợn; phát triển gia cầm, thủy cầm thêm 5% để đến cuối năm tăng lên 50.925 con, cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán.
 
“Cầm cự”… vượt khó
Ông Nguyễn Hữu Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh khẳng định: “Mặc dù bị ảnh hưởng nặng vì thiên tai, dịch bệnh nhưng chăn nuôi vẫn được Đảng ủy, HĐND, UBND xã xác định là hướng đột phá trong phát triển kinh tế của xã. Về lâu dài, xã sẽ mở rộng vùng chăn nuôi tập trung tại vùng Cồn Chặt lên 41ha, trong đó 5ha đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa tất cả các hộ chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, vừa bảo đảm yếu tố môi trường, vừa hình thành nên khu vực chăn nuôi quy mô khép kín, thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm”.

Trong tất cả các địa phương tại huyện Quảng Ninh, chăn nuôi ở xã Vạn Ninh được đánh giá phát triển khá “bài bản” nhờ vào những tiềm năng, lợi thế. Xã Vạn Ninh cũng đã và đang tiên phong trong việc dịch chuyển chăn nuôi gia súc, gia cầm khỏi khu dân cư, hình thành nên vùng chăn nuôi tập trung tại khu vực Cồn Chặt thuộc thôn Đồn. Đến thời điểm này, vùng Cồn Chặt có 12 trang trại quy mô trong tổng số 18 trang trại lớn của xã Vạn Ninh chủ yếu nuôi trâu, bò, lợn, dê, thỏ và gia cầm, thủy cầm.

Chúng tôi có dịp theo chân ông Hoàng Thế Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh đi thăm một số trang trại tại vùng Cồn Chặt. Nhiều chủ trang trại ở đây chia sẻ, trong thời điểm khó khăn vì ảnh hưởng đại dịch Covid-19, phần lớn người nuôi chỉ tập trung phát triển đàn gia cầm, thủy cầm, nuôi trồng thủy sản, duy trì đàn lợn hiện có chứ không tăng đàn, theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.

Trang trại gia đình chị Lý Thị Thùy (SN 1987) với diện tích gần 1ha, hình thành với mô hình chăn nuôi kết hợp ao-chuồng. Chị Thùy cho biết: “Năm 2020, thu nhập từ chăn nuôi của gia đình khoảng 300 triệu đồng từ bò, lợn, vịt, cá…, nhờ thế đã trả hết tiền vay ngân hàng đầu tư cho trang trại. Bình thường, trang trại duy trì đàn lợn từ 80-100 con, 2.000 con vịt và thả các loại cá…Năm nay, quy mô thu hẹp lại, trong chuồng chỉ còn 15 lợn thịt, 5 lợn nái, 200 con vịt, ước tính bị lỗ khoảng 50 triệu đồng”.

 
Ngọc “gà” là tên người dân xã Vạn Ninh thường gọi anh Trần Thanh Ngọc (SN 1979), chủ trang trại chuyên về gà giống ở vùng Cồn Chặt. Trang trại của anh Trần Thanh Ngọc thành lập năm 2012 có diện tích hơn 1ha, vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng. Ngoài nuôi 5.000 gà đẻ giống, anh Ngọc còn có thêm 1 lò ấp công suất 6 vạn trứng/lần. Những năm trước, trang trại gà của anh Trần Thanh Ngọc thu lãi bình quân khoảng 200 triệu đồng/năm.
 
“Gia đình chuyên cung cấp giống gà cho các hộ chăn nuôi trong xã, toàn tỉnh và cung ứng cho hai thị trường chủ yếu là Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch khiến giao thông đi lại khó khăn, con giống không tiêu thụ được, bắt buộc phải thu hẹp quy mô, số lượng trứng ấp. Chăn nuôi khó khăn vì dịch, trong lúc đó chi phí tăng cao, mỗi tháng mất 40 triệu đồng trả công cho 8 lao động; tiền điện 20 triệu đồng; thức ăn cho gà tăng 70 nghìn đồng/bao… xem như thu đủ bù chi là may mắn rồi. Cố gắng lắm mới cầm cự được như gia đình tôi, chứ nhiều hộ chăn nuôi khác phải đóng cửa bỏ hoang”, anh Trần Thanh Ngọc cho biết.
 
Mặc dù ảnh hưởng vì dịch, thị trường tiêu thụ đóng băng, nhưng anh Trần Thanh Ngọc vẫn quyết tâm duy trì hoạt động của lò ấp trứng với số lượng 4.000 trứng/lần; kiên cố hóa hệ thống trang trại hiện đại theo hướng tự động hóa hoàn toàn. Ngoài nuôi gà giống, anh đầu tư nuôi thêm gà thương phẩm để cung cấp cho thị trường vào dịp cuối năm.
 
“Trước những khó khăn của các hộ trang trại, sau khi khảo sát thực tế, UBND xã đã vận động người dân tìm hướng chăn nuôi mới, như: khuyến khích bà con mở rộng chăn nuôi bò nhốt chuồng, nuôi bò theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp; chăn nuôi dê, thỏ… là các loại con nuôi ít bị tổn thương do dịch bệnh”, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh Hoàng Thế Lâm chia sẻ.
 
Thanh Long

tin liên quan

Bố Trạch: Nhiều chỉ tiêu về nông nghiệp đạt và vượt so với kế hoạch

(QBĐT) - Sáng nay, 17-11, huyện Bố Trạch tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 và công tác phòng, chống thiên tai.

Phú Quốc đón đoàn khách 'hộ chiếu vaccine' đầu tiên đến Việt Nam

209 du khách Hàn Quốc đến Phú Quốc sẽ mở đầu cho chương trình thí điểm "hộ chiếu vaccine" nhằm đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch quốc gia.
 

Phụ nữ Bru-Vân Kiều làm kinh tế giỏi

(QBĐT) - Đến bản K-Định, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa hỏi chị Hồ Thị Bun (SN 1981), không ai là không biết. Bởi chị là một điển hình làm kinh tế giỏi, thoát nghèo nhờ phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt.