Phụ nữ Bru-Vân Kiều làm kinh tế giỏi

  • 10:31 | Thứ Tư, 17/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đến bản K-Định, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa hỏi chị Hồ Thị Bun (SN 1981), không ai là không biết. Bởi chị là một điển hình làm kinh tế giỏi, thoát nghèo nhờ phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt.
 
Như nhiều gia đình đồng bào Bru-Vân Kiều khác ở xã Dân Hóa, chị Hồ Thị Bun đã sớm quen với công việc nương rẫy, nhưng cuộc sống vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt từ sau khi chị lập gia đình, mưu sinh lại khó khăn hơn, tài sản của gia đình chỉ có vài sào nương rẫy trồng ngô nên thu nhập hàng năm không đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Vì thế, chị luôn trăn trở suy nghĩ phải làm thế nào để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình, tạo điều kiện cho các con được đến trường.
 
Nghĩ là làm, chị tranh thủ thời gian tham gia các lớp tập huấn của xã, huyện về trồng trọt, chăn nuôi để tích lũy kinh nghiệm. Năm 2011, sau khi nắm vững nhiều kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi thông qua các lớp tập huấn, cùng với sự hướng dẫn của Bộ đội Biên phòng, chị bàn với chồng vay vốn để phát triển chăn nuôi, trồng rừng. Ban đầu, chị cũng chỉ nuôi một vài con lợn nái, lợn thịt và trồng 1ha keo. Tuy nhiên, mới chỉ có kiến thức trên sách vở mà chưa có kinh nghiệm thực tế nên đàn lợn của chị phát triển kém.
 
Không khuất phục khó khăn, với bản tính chịu thương, chịu khó, luôn học hỏi, rút kinh nghiệm từ những mô hình trong xã, trong huyện, chị Bun tập trung chăm sóc, phát triển tốt đàn lợn. Nhờ đó, ngày càng nhiều người dân tìm mua lợn, mang lại nguồn thu quan trọng cho gia đình. Khi có nguồn vốn, chị tăng đàn, tăng số lượng và chăn nuôi thêm bò, dê.
 
Chị Hồ Thị Bun nỗ lực phát triển mô hình kinh tế tổng hợp mang lại thu nhập ổn định.
Chị Hồ Thị Bun nỗ lực phát triển mô hình kinh tế tổng hợp mang lại thu nhập ổn định.
Chị Bun cho biết: "Trong quá trình chăn nuôi, bên cạnh những kiến thức đã học được qua các lớp tập huấn, tôi cũng tích cực học hỏi thêm kinh nghiệm của những người làm kinh tế giỏi trong bản, trong xã, để ý kinh nghiệm qua những lần thất bại. Đồng thời, vấn đề vệ sinh môi trường được xem là khâu then chốt để lợn không bị bệnh, sinh trưởng nhanh".  
 
Nhờ biết phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương và sự quyết tâm chịu khó lao động, chị Bun đã vượt qua khó khăn vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Đến nay, gia đình chị duy trì đàn gia súc, gia cầm và 3ha cây keo, cho thu nhập từ 100-150 triệu đồng/năm.
 
Chị Hồ Thị Bun cho biết: “Nhờ cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, các đoàn thể tạo điều kiện, hỗ trợ nguồn giống, nên gia đình tôi có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên có của ăn của để, chăm lo cho các con ăn học. Giờ 2 đứa con đầu của tôi đã có công ăn việc làm, đứa út đang học lớp 12”.
 
Không chỉ siêng năng lao động, làm kinh tế giỏi, chị Bun còn tích cực tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho các chị em phụ nữ và bà con trong bản phát triển kinh tế. Chị và gia đình luôn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động và các phong trào do Hội Phụ nữ và chính quyền địa phương tổ chức.
 
Chị Hồ Thị Thươi, Chủ tịch Hội LHPN xã Dân Hóa chia sẻ, chị Hồ Thị Bun là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, từ một hộ khó khăn của xã, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Mô hình kinh tế của chị không những mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn là tấm gương cho những hội viên khác noi theo.
 
Thành công của chị Hồ Thị Bun cho thấy sự thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là chị em phụ nữ, từ chỗ trông chờ ỷ lại, đến tự lực vươn lên về kinh tế để thoát nghèo bền vững.
 
Phạm Hà

tin liên quan

Vận tải hành khách và hàng hóa: Nhiều khó khăn, vướng mắc

(QBĐT) - Vận tải hành khách và hàng hóa trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh đang nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, việc khôi phục hoạt động này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đang gặp rất nhiều khó khăn.

Hỗ trợ xây dựng vườn mẫu nông thôn mới

(QBĐT) - Thực hiện chủ trương xây dựng khu dân cư nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, những năm qua, huyện Minh Hóa tích cực hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, hình thành những mô hình vườn mẫu cho hiệu quả kinh tế cao.

Giá vàng SJC tiếp tục đi lên, tiến sát ngưỡng 61 triệu đồng

Giá vàng trong nước phiên sáng 16-11 tiếp tục tăng, theo đó thương hiệu SJC tại Công ty vàng bạc đá quý lên sát 61 triệu đồng mỗi lượng.