Hiệu quả từ nuôi cá vụ ba

  • 16:12 | Thứ Hai, 01/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè-thu, người dân xã Tân Thủy (Lệ Thủy) không trồng màu như trước mà tiến hành đắp bờ, giăng lưới, cho nước vào và mua cá giống về thả vụ ba. Nuôi cá vụ ba không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân mà còn góp phần cải tạo đất nông nghiệp, tạo nguồn thu cho địa phương từ tiền cho thuê đất.
 
Xã Tân Thủy có trên 460ha đất trồng lúa, trong đó có 144ha đất có thể nuôi cá vụ ba. Trước đây, nghề nuôi cá trên đất trồng lúa ở xã Tân Thủy còn mang tính tự phát, manh mún nên hiệu quả kinh tế chưa cao, công tác quản lý còn gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, khoảng 8 năm trở lại đây, nghề nuôi cá trên đất trồng lúa ở xã Tân Thủy bắt đầu phát triển mạnh. Đến nay, cả xã có khoảng 200 hộ dân nuôi cá vụ ba. Diện tích mặt nước nuôi cá chủ yếu ở các thôn: Tân Hòa, Tân Ninh, Tân Lạc, Tân Hạ...
 
Ông Lê Thuận Quynh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thủy cho biết: “Để nuôi cá vụ ba, sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè-thu, người dân không trồng màu như trước mà tiến hành đắp bờ, giăng lưới, cho nước vào và mua cá giống về thả. Các loại cá được nuôi chủ yếu là cá trắm, cá chép, cá lóc, cá rô phi. Nghề nuôi cá vụ ba tuy không đầu tư lớn về vốn, công sức nhưng mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng màu, lại cải tạo được đất trồng lúa, tạo nguồn thu cho địa phương”.
 
Hàng trăm ha đất ruộng ở xã Tân Thủy được chuyển sang nuôi cá vụ ba hiệu quả.
Đất ruộng ở xã Tân Thủy được chuyển sang nuôi cá vụ ba hiệu quả.
Điểm nổi bật của mô hình này là nông dân không phải đầu tư thức ăn cho cá mà tận dụng cỏ, lúa và các loại phù du trong ruộng cho cá ăn. Trung bình mỗi ha đầu tư khoảng 20 triệu đồng cho việc thuê đất, giống, lưới và nhân công. Cá nuôi trên ruộng phát triển rất nhanh nhờ lượng thức ăn tự nhiên dồi dào. Sau hơn 2 tháng nuôi, mỗi con cá giống bằng ngón tay cái có thể đạt trọng lượng từ 0,3kg đến 0,5kg, mang lại thu nhập khoảng 50 triệu đồng/ha, lãi ròng khoảng 30 triệu đồng.
 
Anh Dương Công Dân, ở thôn Tân Lạc, xã Tân Thủy chia sẻ: “Nuôi cá vụ ba cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với trồng cây màu. Bởi thời gian nuôi ngắn, ít đầu tư vốn và công sức, vừa cải tạo được đất để trồng lúa vụ đông-xuân, vừa tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên trên đồng ruộng”. Anh Dân nuôi gần 10ha cá vụ ba trên đất trồng lúa. Mỗi lần nuôi, anh trả tiền thuê đất khoảng 35 triệu đồng, tiền mua lưới vây quanh ruộng khoảng 50 triệu đồng nhưng vẫn lãi ròng khoảng trên 200 triệu đồng trong hơn 2 tháng.
 
Theo nhiều người dân nuôi cá vụ ba ở xã Tân Thủy, mỗi ha ruộng có thể thả 4 tạ cá giống gồm: Cá trắm cỏ, cá chép, cá mè và cá lóc. Mỗi cân cá giống khoảng 10 con, sau hơn 2 tháng nuôi, trung bình mỗi con đạt trọng lượng từ 0,3kg, có những ruộng thả thưa cá đạt gần 1kg. Với giá bán từ 50.000-120.000 đồng/kg, trung bình mỗi ha thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Anh Dương Đệ Toản, ở thôn Tân Ninh, xã Tân Thủy cho hay: “Cá nuôi ở ruộng lớn nhanh và được thương lái rất ưa chuộng. Mỗi lần chúng tôi xả ruộng bắt cá là các thương lái khắp nơi đánh xe ô tô về mua hết”. Gia đình anh Toản nuôi 3,5ha cá vụ ba, mỗi vụ cho lãi ròng khoảng 100 triệu đồng.
 
Ông Lê Thuận Quynh cho biết thêm: “Nhờ nuôi cá vụ ba nên đời sống nhiều hộ dân trong xã ngày càng khấm khá. Ngoài ra, trên địa bàn còn 70ha đất ruộng sâu cũng được cho thuê để đón cá tự nhiên trong mùa lũ vào rồi vây lưới bảo vệ, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân. Toàn bộ tiền cho thuê đất sẽ được nhập vào quỹ các thôn để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi trên địa bàn. Qua đó, góp phần giúp địa phương trong lộ trình xây dựng nông thôn mới.
 
Hiện xã Tân Thủy đang tập trung chỉ đạo bà con chăm sóc cá vụ ba, bảo vệ các ruộng cá trước mùa mưa lũ, tập trung nghiên cứu những vùng đất trồng lúa có khả năng tích nước để nuôi cá vụ ba và đón cá tự nhiên vào bảo vệ, chăm sóc và thu hoạch”…
 
Việt Hà

tin liên quan

Mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa VN và các tập đoàn kinh tế nước ngoài

Chính phủ Việt Nam đã thể hiện thái độ cầu thị và sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp để tháo gỡ từng khó khăn, thách thức, giúp gây dựng được sự tin tưởng và yên tâm cho các nhà đầu tư.
 

Người trẻ khởi nghiệp

(QBĐT) - Nuôi lươn không bùn là mô hình phát triển kinh tế khá mới mẻ ở Quảng Bình. Nhiều người cũng đã thử nghiệm và chấp nhận thất bại nhưng đó lại là hướng khởi nghiệp được đôi vợ chồng trẻ Lê Thị Bảy (SN 1993) và Phạm Ngọc Tú (SN 1993), thôn Phú Lộc 2, xã Quảng Phú (Quảng Trạch) lựa chọn và thành công. Câu chuyện khởi nghiệp của họ thể hiện tư duy đột phá của người trẻ trong cách nghĩ, cách làm để vươn lên trên chính mảnh đất quê hương.

"Nuôi dưỡng" nguồn thu ngân sách

(QBĐT) - Sớm hiện thực hóa các kịch bản, phương án nhằm hỗ trợ, phục hồi, "vực dậy" nền sản xuất, kinh doanh sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang là vấn đề được các doanh nghiệp (DN), người dân quan tâm hiện nay. Bởi, đây không chỉ là câu chuyện sống còn của DN, mà còn để "nuôi dưỡng" nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).