Hành trình xây dựng thương hiệu cà gai leo Thủy Mai

  • 07:44 | Thứ Tư, 24/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương cũng như nhận thấy nhu cầu sử dụng các loại thảo dược hỗ trợ chăm sóc sức khỏe của người dân, gia đình chị Nguyễn Mai Thủy (ở thị trấn Đồng Lê, Tuyên Hóa) đã mạnh dạn trồng và đưa sản phẩm cao cà gai leo ra thị trường. Sau hơn ba năm nỗ lực xây dựng thương hiệu, sản phẩm cao cà gai leo của Hợp tác xã (HTX) dược liệu sạch Thủy Mai đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận.
 
Nỗ lực xây dựng thương hiệu
 
Chị Nguyễn Mai Thủy, giáo viên tiếng Anh và chồng là anh Phan Thanh Luyện, bác sĩ khoa cận lâm sàng, vốn từ lâu đã có đam mê tìm hiểu về các loại cây thảo dược. Để bảo vệ sức khỏe, gia đình chị thường xuyên mua cây cà gai leo về sử dụng.
 
“Nhiều đêm hai vợ chồng cứ trăn trở, quê mình có khí hậu, thổ nhưỡng đều phù hợp để trồng cà gai leo, tại sao mình phải đi mua cà gai leo ở những địa phương khác về để sử dụng. Từ đó, hai vợ chồng quyết tâm tìm tòi, học hỏi đưa cây cà gai leo về trồng và tạo ra sản phẩm ngay trên chính mảnh đất quê hương”, chị Thủy kể.
 
Năm đầu tiên (năm 2018) là hành trình khá vất vả đối với gia đình chị Thủy. Từ 1ha đất vườn, chị học hỏi tự mua giống về ươm cây. Quá trình ban đầu chỉ thành công được 60% nên ngoài thời gian giảng dạy tại trường chị tranh thủ học hỏi từ các nhóm trồng cây cà gai leo trên mạng và đi tìm hiểu thực tế tại các mô hình trồng cây cà gai leo ở các huyện lân cận. Không phụ công của gia đình, sau một thời gian, chị đã thành công trong việc ươm giống, trồng và chăm sóc cây. Cây cà gai leo phát triển tốt, cho ra sản phẩm cao đạt chất lượng.
 
Ban đầu, gia đình chị dùng cây cà gai leo để nấu cao và bán cây khô cho các cơ sở ở TP. Hà Nội. Sản phẩm cà gai leo của gia đình chị rất được người dân tin dùng, có thời điểm không đủ để bán. Chị Thủy bắt đầu thu mua nguyên liệu của các địa phương trong toàn huyện và các huyện lân cận. Từ đó, chị vay thêm vốn mua sắm các loại máy móc, hệ thống nấu, hệ thống tưới nước, vườn ươm… để mở rộng mô hình. Với kinh phí đầu tư ban đầu hơn 300 triệu đồng và chỉ trong năm đầu tiên sau khi bán sản phẩm chị đã thu hồi được vốn và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
 
Sản phẩm cao cà gai leo Thủy Mai ngày càng được người dân trong và ngoài tỉnh tin dùng.
Sản phẩm cao cà gai leo Thủy Mai ngày càng được người dân trong và ngoài tỉnh tin dùng.
Theo chị Thủy, cà gai leo là cây dược tính cao, có nhiều công dụng, như: Giải độc gan, hạ men gan, giải rượu, hỗ trợ điều trị viêm gan B, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, hỗ trợ điều trị xơ gan... Cây cà gai leo được trồng và chăm sóc đủ 8 tháng mới thu hoạch để có nhiều dược tính và chất lượng cao nhất. Đây là cây dược liệu quý nên rất nhiều cơ sở làm thuốc, dược ở Hà Nội có nhu cầu mua sản phẩm lâu dài với số lượng lớn.
 
Từ nhu cầu của thị trường, chị Thủy quyết định thành lập HTX dược liệu sạch Thủy Mai với 7 thành viên. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định, HTX trồng hơn 2ha cây cà gai leo, ngoài ra còn liên kết thu mua với người dân trên địa bàn. Hiện tại, chị không chỉ thu mua cây cà gai leo ở các địa phương trong tỉnh mà đã vươn ra thu mua ở Hà Tĩnh. Một năm, chị thu mua hơn 10 tấn cây cà gai leo với những yêu cầu khắt khe về chất lượng và quy trình trồng.
 
Chị Thủy chia sẻ, để sản xuất bền vững và hiệu quả, HTX luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu nhằm bảo đảm thương hiệu và uy tín của sản phẩm. Toàn bộ diện tích trồng cây cà gai leo của HTX đều được áp dụng quy trình trồng và chăm sóc cây nguyên liệu sạch, sản phẩm cao 100% nguyên chất từ cây cà gai leo, không sử dụng chất bảo vệ thực vật và chất bảo quản. Hiện tại, sản phẩm cao cà gai leo của HTX đã được bán tại rất nhiều tỉnh, thành trong toàn quốc, cho thu nhập gần 500 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động trên địa bàn, với mức lương 4-6 triệu đồng/lao động/tháng.
 
Vươn ra “biển lớn”
 
Theo chị Thủy, để chiết xuất thành cao đòi hỏi lượng nguyên liệu đầu vào rất lớn. Hiện tại, sản phẩm cao cà gai leo có sức tiêu thụ mạnh, thậm chí luôn trong tình trạng thiếu hàng cung ứng. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX đã tìm kiếm quỹ đất để tăng diện tích trồng cà gai leo, cũng như tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu cà gai leo theo hướng liên kết với các hộ trong, ngoài xã và các huyện lân cận.
 
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và quảng bá sản phẩm cao cà gai leo đến người tiêu dùng trong toàn quốc, huyện Tuyên Hóa đã giới thiệu HTX dược liệu sạch Thủy Mai tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đồng thời, hỗ trợ HTX trong quá trình triển khai thực hiện, tư vấn các thủ tục, hồ sơ… Hiện, sản phẩm cao cà gai leo Thủy Mai đã được đăng ký bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc…
 
“Để xây dựng thương hiệu cao cà gai leo Thủy Mai ngày càng được đông đảo người tiêu dùng biết đến, có thể xâm nhập vào các thị trường lớn, như: Siêu thị, hệ thống nhà thuốc, cơ sở dược…, HTX mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cấp ngành, địa phương trong phát triển vùng nguyên liệu và đầu ra tiêu thụ sản phẩm”, chị Thủy bày tỏ.
 
Theo ông Đoàn Quyết Thắng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tuyên Hóa, sản phẩm cao cà gai leo của HTX dược liệu sạch Thủy Mai được huyện Tuyên Hóa chọn triển khai xây dựng, hoàn thành các tiêu chí để được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trong năm 2021. Qua đó, góp phần bảo tồn những loại dược liệu quý, nâng cao thu nhập cho người dân cũng như xây dựng thương hiệu đối với các cây dược liệu đặc trưng, có giá trị kinh tế cao trên địa bàn.
 
"HTX dược liệu sạch Thủy Mai sản xuất cao cà gai leo theo hướng nông nghiệp an toàn, liên kết với các hộ dân theo chuỗi giá trị, hướng tới hình thành vùng nguyên liệu cây cà gai leo. Sản phẩm cao cà gai leo Thủy Mai đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp huyện và hiện đang dự thi sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021. Thời gian tới, HTX sẽ phát triển vùng nguyên liệu theo hướng liên kết với các hộ trong và ngoài huyện với quyết tâm đưa thương hiệu cà gai leo Thủy Mai tiếp cận và vươn tới thị trường mới, bảo đảm nguồn sinh kế bền vững cho người dân”, chị Nguyễn Mai Thủy, Phó Giám đốc HTX dược liệu sạch Thủy Mai chia sẻ.
 
Lan Chi

tin liên quan

Lệ Thủy: Gieo trồng trên 1000ha rau màu vụ đông-xuân

(QBĐT) - Hiện nay, bà con nông dân huyện Lệ Thủy đang tích cực khẩn trương xuống giống rau màu vụ đông-xuân 2021-2022.

Tuyên Hóa: Hướng dẫn nông dân phòng, chống đói, rét cho vật nuôi

(QBĐT) - Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, mưa rét có thể kéo dài trong thời gian tới, UBND huyện Tuyên Hóa đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc, gia cầm nhằm giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.
 

Tổ chức nhiều hoạt động chào đón năm mới 2022

(QBĐT) - Thực hiện chương trình du lịch và các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút khách du lịch năm 2021, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch tổ chức chương trình Chào đón năm mới 2022.