Đề xuất giải pháp giảm thiểu nguy cơ thoái hóa đất nông nghiệp

  • 07:46 | Thứ Tư, 24/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm tạo cơ sở để các địa phương trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch sử dụng, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên đất hợp lý, Trường đại học Nông lâm-Đại học Huế đã chủ trì nhiệm vụ “Nghiên cứu đề xuất giải pháp giảm thiểu nguy cơ thoái hóa đất nông nghiệp tại huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy”.
 
Lệ Thủy và Quảng Ninh là hai huyện nằm ở phía Nam của tỉnh; diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, có vai trò quan trọng định hướng phát triển kinh tế của vùng nói riêng và của toàn tỉnh nói chung. Các loại cây trồng chính của vùng chủ yếu có lúa, lạc, ngô, khoai lang, sắn và rau các loại; trong đó, đất trồng lúa chiếm tỷ trọng lớn nhất. Đất sản xuất nông nghiệp tại khu vực Quảng Ninh, Lệ Thủy chủ yếu phân bố trên nhóm đất phù sa, đất phèn hoạt động, đất đỏ vàng, vàng nhạt.
 
Do tác động các quá trình tự nhiên cũng như các yếu tố nhân tạo đã làm cho các nhóm đất kể trên bị suy thoái các đặc tính vốn quý như hàm lượng mùn, hàm lượng dinh dưỡng, cấu trúc đất bền vững, độ tơi xốp. Do đó, đất ngày càng mất dần sức sản xuất, chai cứng và rất khó để có thể phục hồi. Bên cạnh đó, do áp lực của việc tăng dân số, cùng với những tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa đã khiến diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, bị khai thác triệt để mà không được cải tạo đúng mức...
Nghiên cứu đề xuất giải pháp giảm thiểu nguy cơ thoái hóa đất nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Nghiên cứu đề xuất giải pháp giảm thiểu nguy cơ thoái hóa đất nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Trước thực trạng đó, để tạo cơ sở khoa học cho các địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Trường đại học Nông lâm-Đại học Huế đã chủ trì nhiệm vụ “Nghiên cứu đề xuất giải pháp giảm thiểu nguy cơ thoái hóa đất nông nghiệp tại huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy”.
 
Qua quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã đề xuất được các giải pháp góp phần giảm thiểu thoái hóa đất sản xuất nông nghiệp tại 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ khoa học-công nghệ (KH-CN) tỉnh đã tổ chức nghiệm thu, đánh giá cao.
 
Theo báo cáo của PGS.TS. Nguyễn Hữu Ngữ, chủ nhiệm nhiệm vụ, từ tháng 1-2020 đến nay, nhiệm vụ đã hoàn thành các nội dung về đánh giá đặc điểm tài nguyên đất, độ phì nhiêu của đất sản xuất nông nghiệp tại khu vực huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy; hiện trạng sử dụng đất sản xuất nông nghiệp và các loại hình sử dụng đất nông nghiệp chính; thực trạng thoái hóa đất sản xuất nông nghiệp do xói mòn và khô hạn...
 
Trên cơ sở đó, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ thoái hóa đất sản xuất nông nghiệp, như: Chuyển đổi và sắp xếp cơ cấu mùa vụ, cây trồng phù hợp; sử dụng các loại giống cây trồng thích hợp. Bên cạnh đó, để sản xuất nông nghiệp sạch, nông sản hữu cơ thì không được dùng thái quá hóa chất tổng hợp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng, chất bảo quản… mà ưu tiên sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ, phân khoáng thiên nhiên..., vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cân đối của cây trồng, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, an toàn với người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, vừa duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất, bảo vệ môi trường sinh thái.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy, cho biết: Trong thực hiện nhiệm vụ đề xuất giải pháp giảm thiểu nguy cơ thoái hóa đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lệ Thủy, nhóm tác giả đã áp dụng tổng hợp nhiều phương pháp nghiên cứu hiện đại đang được sử dụng trên thế giới.
 
Trong đó, việc sử dụng công nghệ GIS và các dữ liệu vệ tinh, viễn thám một cách phù hợp, nâng cao độ chính xác cũng như giảm được quá trình lao động trực tiếp hiện trường, có khả năng mở rộng và áp dụng ở các vùng nghiên cứu khác.
 
Việc tổ chức đào phẫu diện, lấy mẫu đất được thực hiện bài bản, do đó các số liệu về thổ nhưỡng có độ tin cậy cao, không chỉ phục vụ cho nghiên cứu này, sớm đưa vào thực tiễn, mà còn có thể làm tư liệu kế thừa cho các nghiên cứu sau trên địa bàn huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
 
Theo đánh giá của các thành viên Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ KH-CN, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện nhiệm vụ đã hoàn thành các nội dung theo hợp đồng ký kết, đề xuất được một số giải pháp góp phần giảm thiểu nguy cơ thoái hóa đất sản xuất nông nghiệp tại khu vực nghiên cứu trên quan điểm phát triển bền vững cả về kinh tế-xã hội và môi trường. Hội đồng cũng đề nghị đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện nhiệm vụ tiếp thu các ý kiến góp ý để bổ sung chỉnh sửa báo cáo tổng kết nhiệm vụ; đặc biệt là sớm đưa nhiệm vụ vào ứng dụng trong thực tiễn sản xuất...
 
H. Tr

tin liên quan

Lệ Thủy: Gieo trồng trên 1000ha rau màu vụ đông-xuân

(QBĐT) - Hiện nay, bà con nông dân huyện Lệ Thủy đang tích cực khẩn trương xuống giống rau màu vụ đông-xuân 2021-2022.

Hành trình xây dựng thương hiệu cà gai leo Thủy Mai

(QBĐT) - Sau hơn ba năm nỗ lực xây dựng thương hiệu, sản phẩm cao cà gai leo của Hợp tác xã (HTX) dược liệu sạch Thủy Mai đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận.

Giá dầu châu Á chạm mức thấp nhất trong 7 tuần, giá vàng ổn định

Giá dầu Brent giảm xuống còn 78,32 USD/thùng vào lúc 9 giờ 6 (theo giờ Việt Nam) trong khi giá vàng giao ngay đi ngang ở mức 1.845,48 USD/ounce.