Bố Trạch: Nhiều chỉ tiêu về nông nghiệp đạt và vượt so với kế hoạch

  • 14:13 | Thứ Tư, 17/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sáng nay, 17-11, huyện Bố Trạch tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 và công tác phòng, chống thiên tai.
 
Sản xuất nông nghiệp ở Bố Trạch tiếp tục trở thành “bệ đỡ” kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Sản xuất nông nghiệp ở Bố Trạch tiếp tục trở thành “bệ đỡ” kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19.
 
Năm 2021, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bố Trạch phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của hậu quả đợt thiên tai tháng 10-2020; tình hình dịch bệnh trên gia súc diễn biến phức tạp. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, một số sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ gặp khó khăn.
 
Tuy vậy, theo đánh giá chung, sản xuất nông nghiệp ở Bố Trạch tiếp tục trở thành “bệ đỡ” kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19, khi nhiều chỉ tiêu về nông nghiệp đạt và vượt so với kế hoạch.
 
Cụ thể, sản lượng lương thực đạt trên 50.000 tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt gần 22.600 tấn, tăng 3%; sản lượng thủy sản đạt 26.395 tấn, đạt kế hoạch; độ che phủ rừng đạt 69,3%; tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch và nước hợp vệ sinh đạt 94,4%; dự kiến có 34 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên…
 
Đặc biệt, cuối năm nay, xã Sơn Lộc sẽ được cấp giấy chứng nhận xã an toàn dịch bệnh cấp xã đối với bệnh dịch tả lợn cổ điển. Đây cũng là địa phương được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh cấp xã đầu tiên của cả huyện. 
 
 Xã Sơn Lộc là địa phương được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh cấp xã đối với dịch tả lợn cổ điển đầu tiên của huyện Bố Trạch.
Xã Sơn Lộc là địa phương được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh cấp xã đối với dịch tả lợn cổ điển đầu tiên của huyện Bố Trạch.
 
Các đại biểu dự hội nghị đã tập trung thảo luận, nêu những hạn chế và thống nhất các giải pháp để triển khai sản xuất nông nghiệp năm 2022 và công tác phòng, chống thiên tai. Trong đó, Bố Trạch tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, trước mắt, tập trung vào sản xuất vụ đông-xuân 2021-2022. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất; nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
 
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2021 và thời gian tới, huyện Bố Trạch chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trên địa bàn tập trung huy động tổng hợp, lồng ghép các nguồn lực để khắc phục hậu quả do thiên tai, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân; cập nhật kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với các tình huống cụ thể có thể xảy ra trên địa bàn theo từng cấp độ rủi ro trong bối cảnh dịch Covid-19, xác định trọng điểm xung yếu để có phương án ứng phó hiệu quả.
 
Trong đó, tập trung xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết ứng phó với các loại hình thiên tai chính thường xảy ra ở địa phương, như: bão mạnh, siêu bão với các địa bàn ven biển, mưa lũ lớn trên các lưu vực sông, nắng nóng, hạn hán kéo dài. Đồng thời, huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, như: đầu tư củng cố, nâng cấp đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần, hệ thống giám sát thông tin hồ chứa; tăng cường tuyên truyền, truyền tin cảnh báo thiên tai và các văn bản chỉ đạo của các cấp chính quyền đến từng thôn, bản, người dân, chú ý quan tâm đến người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi... Từ đó, sẵn sàng ứng phó, chống chịu được với các tình huống bất thường, cực đoan có thể xảy ra. 
 
                                                                                      Hương Trà

tin liên quan

Phú Quốc đón đoàn khách 'hộ chiếu vaccine' đầu tiên đến Việt Nam

209 du khách Hàn Quốc đến Phú Quốc sẽ mở đầu cho chương trình thí điểm "hộ chiếu vaccine" nhằm đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch quốc gia.
 

Phụ nữ Bru-Vân Kiều làm kinh tế giỏi

(QBĐT) - Đến bản K-Định, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa hỏi chị Hồ Thị Bun (SN 1981), không ai là không biết. Bởi chị là một điển hình làm kinh tế giỏi, thoát nghèo nhờ phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt.

Hỗ trợ xây dựng vườn mẫu nông thôn mới

(QBĐT) - Thực hiện chủ trương xây dựng khu dân cư nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, những năm qua, huyện Minh Hóa tích cực hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, hình thành những mô hình vườn mẫu cho hiệu quả kinh tế cao.