"Tiếp sức" doanh nghiệp vượt qua đại dịch

  • 07:04 | Thứ Tư, 27/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trước đại dịch Covid-19, ngành Ngân hàng tỉnh Quảng Bình đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng (KH), góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Quang Hiếu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Quảng Bình (NHNN-CNQB).
 
PV: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế-xã hội cũng như đời sống của người dân. Xin ông cho biết, ngành Ngân hàng Quảng Bình đã triển khai những chính sách gì để hỗ trợ KH bị ảnh hưởng bởi đại dịch?
 
Ông Đinh Quang Hiếu: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam về việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho KH bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, NHNN-CNQB đã tổ chức làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng (TCTD) yêu cầu rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với KH, xây dựng các chương trình, kịch bản hành động để tháo gỡ khó khăn cho KH; chỉ đạo các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho KH; yêu cầu các TCTD thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ KH bị ảnh hưởng, tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất ở mức tối đa; chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh triển khai hiệu quả chính sách cho người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
 
Ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Ngân hàng nhà nước-Chi nhánh Quảng Bình.
Ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Ngân hàng nhà nước-Chi nhánh Quảng Bình.
Gần đây nhất, NHNN-CNQB đã có 3 văn bản chỉ đạo, đôn đốc các TCTD tập trung các giải pháp hỗ trợ KH bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các khoản cho vay cũ và các khoản cho vay trung, dài hạn. Bên cạnh giảm lãi suất, NHNN-CNQB cũng đã chỉ đạo các TCTD triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tín dụng khác cho KH.
 
Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân và doanh nghiệp, các TCTD trên địa bàn đã vào cuộc mạnh mẽ, sử dụng nguồn nội lực tài chính của mình thông qua việc tiết giảm chi phí, cắt giảm lương, giảm lợi nhuận… để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho KH.
 
Đến nay, lãi suất cho vay tại các ngân hàng giảm 0,5%-1% so với cuối năm 2020. Các TCTD trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho gần 2.000 KH với tổng giá trị nợ gần 4.000 tỷ đồng; cho vay mới với doanh số lũy kế từ ngày 23-1-2020 đạt gần 48.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 30.000 KH với số tiền gần 500 tỷ đồng. Thực hiện chính sách cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, NHCSXH tỉnh đã cho 48 doanh nghiệp vay với gần 6,8 tỷ đồng để trả lương cho 2.406 lao động.
 
PV: Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 vẫn còn lâu dài, ngành Ngân hàng Quảng Bình sẽ có những giải pháp gì để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, thưa ông?
 
Ông Đinh Quang Hiếu: Mục tiêu của ngành Ngân hàng Quảng Bình thời gian tới là ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; giữ vững an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD; tập trung tất cả nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh. NHNN-CNQB sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp; theo dõi kết quả thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất của NHCSXH và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.
 
Bên cạnh đó, các TCTD tiếp tục cắt giảm chi phí hoạt động, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, nhất là các khoản cho vay cũ và các khoản cho vay trung, dài hạn. Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển khai chính sách về giảm phí giao dịch thanh toán; đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của KH.
 
Đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, NHNN-CNQB đã xây dựng và triển khai “Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của ngành Ngân hàng Quảng Bình trong điều kiện mới gắn với phòng, chống dịch Covid-19”. Trong đó, tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho KH thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ... Cụ thể, các TCTD tiếp tục cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ với các khoản nợ phát sinh từ trước 1-8-2021, bảo đảm các khoản nợ, các KH đủ điều kiện đều được xem xét cơ cấu lại nợ.
 
Các TCTD chủ động rà soát lại tất cả các khoản nợ; đối với các khoản nợ đủ điều kiện cần chủ động gặp gỡ, hướng dẫn KH thực hiện cơ cấu lại nợ. Phấn đấu đến ngày 31-12-2021, tối thiểu 50% dư nợ bị ảnh hưởng được cơ cấu lại nợ với dư nợ 10.000 tỷ đồng; nợ cơ cấu lại được miễn giảm lãi là 50 tỷ đồng; tích cực giảm lãi suất các khoản dư nợ hiện hữu…

 

Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đồng loạt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn.
Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đồng loạt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn.
PV: Vậy giải pháp nào để các chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả cao, thưa ông?
 
Ông Đinh Quang Hiếu: Bên cạnh yêu cầu các TCTD báo cáo thường xuyên kết quả thực hiện các giải pháp hỗ trợ KH gặp khó khăn do dịch Covid-19, NHNN-CNQB sẽ giám sát việc giảm lãi suất của các TCTD có thực chất hay không, số lượng giảm như thế nào. Thời gian tới, NHNN-CNQB sẽ thành lập các đoàn công tác do giám đốc, phó giám đốc NHNN-CNQB đi cơ sở để đôn đốc việc thực hiện của các TCTD về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, lãi… đối với KH bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
 
Từ nay đến hết năm 2022, đơn vị sẽ đưa vào chương trình thanh tra chuyên đề việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho KH bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. TCTD nào cố tình dây dưa, gây khó khăn, thực hiện không nghiêm túc các chính sách… thì với chức năng, nhiệm vụ của mình, NHNN-CNQB sẽ kiên quyết xử lý, kể cả xử phạt về công tác cán bộ.
 
Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục theo dõi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ cũng như trong các giao dịch ngân hàng để tháo gỡ kịp thời.
 
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
 
Lan Chi
(thực hiện)
                                                                                                              

tin liên quan

Tăng gần 1.500 đồng, giá xăng RON95-III vượt 24.300 đồng mỗi lít

Từ 16 giờ ngày 26-10, giá xăng RON 95 tăng 1.459 đồng/lít, xăng E5 RON92 tăng 1.427 đồng/lít. Dầu diesel tăng 1.171 đồng/lít, dầu hỏa tăng 1.015 đồng/lít và dầu mazút tăng 113 đồng/kg.
 

TX. Ba Đồn: Kiểm soát tốt dịch bệnh để bảo vệ đàn vật nuôi

(QBĐT) - Thực hiện đồng bộ các giải pháp, TX. Ba Đồn đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò; dịch tả lợn châu Phi; dịch cúm gia cầm…

Sản xuất trong "vòng xoáy" đại dịch

(QBĐT) - Trong gần hai năm qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) nói chung, HTX công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) nói riêng gặp vô vàn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Để trụ vững trong "vòng xoáy" dịch bệnh, các HTX CN-TTCN trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp.