Sản xuất trong "vòng xoáy" đại dịch

  • 08:23 | Thứ Ba, 26/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong gần hai năm qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) nói chung, HTX công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) nói riêng gặp vô vàn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Để trụ vững trong “vòng xoáy” dịch bệnh, các HTX CN-TTCN trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp.
 
Khó khăn chồng chất
 
Mới khôi phục sản xuất được một thời gian ngắn sau thiệt hại do đợt lũ lịch sử tháng 10-2020, các HTX CN-TTCN trên địa bàn tỉnh lại phải đối mặt với khó khăn do tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 từ cuối tháng 4-2021 đến nay.
 
HTX làng nghề bánh mè xát Tân An (xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch) có 15 thành viên và khoảng 70 lao động, chuyên sản xuất các loại bánh tráng tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài tỉnh, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Ninh Bình… Trong đợt lũ lụt tháng 10-2020, hệ thống máy móc sản xuất của HTX bị hư hỏng, thiệt hại khoảng 1,7 tỷ đồng.
 
Bà Phan Thị Cẩm Tú, Giám đốc HTX làng nghề bánh mè xát Tân An cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng tiêu thụ hàng hóa của HTX giảm mạnh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng gặp khó về nguồn nhân lực do dịch bệnh. Hiện nay, công suất hoạt động của HTX chỉ đạt 50% so với những năm trước, trong khi hàng tháng vẫn đang phải trả nợ ngân hàng”.
 
HTX đũa gỗ Quảng Thủy nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất.
HTX đũa gỗ Quảng Thủy nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất.
Thời gian qua, HTX Sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương (xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch) là nơi giải quyết việc làm cho 15 thành viên HTX và 150 lao động thời vụ. Với mức thu nhập bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng, nhiều người có điều kiện để cải thiện đời sống gia đình. Vậy nhưng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, HTX đang gặp nhiều khó khăn.
 
Bà Phan Thị Thủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương cho biết: “Nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ của HTX chủ yếu từ ngoại tỉnh, tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX gặp khó khăn ở khâu vận chuyển. Từ tháng 8-2021đến nay, HTX phải tạm ngừng sản xuất hoàn toàn do không có nguyên liệu”.
 
Nỗ lực duy trì sản xuất
 
HTX Sản xuất kinh doanh thương mại đũa gỗ Quảng Thủy (HTX đũa gỗ Quảng Thủy), xã Quảng Thủy, TX. Ba Đồn, chuyên sản xuất các mẫu đũa gỗ khảm cao cấp và gia công đũa cho đối tác xuất đi Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngoài ra, HTX còn sản xuất hàng mỹ nghệ gia dụng, như: Lọ đựng tăm, gáo múc rượu bằng gỗ dừa… Với việc chú trọng bảo đảm chất lượng trong sản xuất, sản phẩm đũa gỗ của HTX đã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, hiện đang làm hồ sơ dự thi nâng hạng OCOP cấp tỉnh cho đũa gỗ và OCOP 3 sao cấp thị xã cho sản phẩm lọ tăm và gáo múc rượu bằng dừa.
 
Ông Lê Thanh Triển, Giám đốc HTX đũa gỗ Quảng Thủy cho biết: “Sau trận lũ tháng 10-2020, HTX  thiệt hại về máy móc, hàng hóa hơn 1 tỷ đồng. Được sự động viên của chính quyền các cấp, chúng tôi đã tìm mọi cách để vực lại sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. HTX đã vay ngân hàng 2 tỷ để làm nhà xưởng bằng thép 2 tầng kiên cố chống lũ và đầu tư lại máy móc. Tiếp tục bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, thị phần cung cấp các sản phẩm đũa gỗ phục vụ ngành du lịch giảm 70%; đầu ra sản phẩm cung cấp cho một số nhà phân phối ngoại tỉnh bị ảnh hưởng lớn…”.
 
Giữa muôn vàn khó khăn, ông Triển cho biết, HTX đã nghiên cứu, tìm các phương án phù hợp với tình hình hiện tại để duy trì sản xuất, như: Tìm thêm các mẫu đũa phù hợp với tình hình kinh tế lúc này (giá cả phù hợp nhưng vẫn phải giữ được chất lượng và mẫu mã đa dạng); xây dựng chiến lược marketing cho sản phẩm; mở rộng quảng bá trên các kênh thương mại điện tử (TMĐT); hướng đến thị trường xuất khẩu…
 
Nhờ đó, HTX đũa gỗ Quảng Thủy vẫn đang duy trì sản xuất và có thị trường tiêu thụ. HTX đã ký được hợp đồng với nhiều đối tác để cung cấp đũa gỗ xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện, công nhân của HTX có mức thu nhập từ 4,5-10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, gần 30 hộ gia đình được HTX hỗ trợ gia công tại nhà.
 
Ông Nguyễn Đình Thuyến, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, trước những khó khăn về nguồn vốn và thị trường tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số HTX đã cố gắng khắc phục, tranh thủ các điều kiện, lợi thế về nguyên vật liệu, sự quan tâm hỗ trợ của các ngành, điạ phương… nên vẫn giữ được tiến độ sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm và đời sống cho thành viên, người lao động. Một số HTX đã chủ động tìm hướng đi thích hợp, đầu tư mua sắm máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến đưa vào sản xuất nên sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt, vươn ra thị trường ngoài tỉnh, nước bạn.
 
Để hỗ trợ các HTX khắc phục khó khăn, Liên minh HTX Việt Nam đã triển khai dự án xây dựng sàn TMĐT hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các HTX. Liên minh HTX tỉnh cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, như: Tập trung hỗ trợ, xây dựng các mô hình HTX kiểu mới phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, HTX theo chuỗi giá trị sản phẩm, công nghệ cao; nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ HTX về xúc tiến thương mại, công nghệ và bảo vệ môi trường, hỗ trợ pháp lý, vay vốn tín dụng từ quỹ hỗ trợ phát triển HTX, quỹ cho vay giải quyết việc làm… Liên minh HTX tỉnh tích cực hỗ trợ HTX trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phục hồi sản xuất, kinh doanh.
 
Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 40 HTX CN-TTCN hoạt động, tăng 22 HTX so với năm 2002. Doanh thu năm 2020 đạt 32.150 triệu đồng, bình quân 803 triệu đồng/HTX; lãi 1.929 triệu đồng; thu nhập bình quân 3,2 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, doanh thu và lãi này thấp hơn so với những năm 2012-2019, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiên tai bão lụt.
 
Lê Mai

tin liên quan

TX. Ba Đồn: Kiểm soát tốt dịch bệnh để bảo vệ đàn vật nuôi

(QBĐT) - Thực hiện đồng bộ các giải pháp, TX. Ba Đồn đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò; dịch tả lợn châu Phi; dịch cúm gia cầm…

Cây "giảm nghèo" ở Trường Sơn

(QBĐT) - Lạc và sắn là hai loại cây trồng chủ lực ở xã miền núi Trường Sơn (Quảng Ninh). Với cây sắn, diện tích chủ yếu tập trung tại các bản đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều sinh sống. Đây được xem là loại cây "xóa đói giảm nghèo" cho bà con. Mấy năm trở lại đây, khí hậu thời tiết diễn biến khá bất thường tại Trường Sơn, lũ lụt gây ngập úng khiến diện tích sắn bị sụt giảm cả về diện tích lẫn sản lượng.

Tập trung 11 nhóm vấn đề trong sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản

Trong bối cảnh COVID-19, hai nước đã thống nhất bổ sung 3 nhóm vấn đề mới về: công nghiệp hỗ trợ; đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực kỹ năng nghề cao.