Nông sản trong mùa dịch

  • 17:03 | Thứ Bảy, 23/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh. Ngành Nông nghiệp và các địa phương đã chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, hỗ trợ nông dân kết nối, tiêu thụ nông sản.
 
Bài 1: Gặp khó vì dịch Covid-19
 
Thời gian qua, việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh gặp không ít trở ngại do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chi phí sản xuất tăng, giá thành thấp, khó tiêu thụ… khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn.
 
Những ngày này, người dân nuôi cá lồng ở thị trấn Phong Nha (Bố Trạch) như “ngồi trên đống lửa” vì cá đến lứa nhưng không xuất bán được, trong khi mùa mưa bão thì đã đến.
 
Gia đình ông Nguyễn Văn Đức, tổ dân phố Gia Tịnh, thị trấn Phong Nha nuôi 3 lồng cá trắm với hơn 1.200 con. Cá trắm của gia đình ông được nuôi bằng thức ăn tự nhiên, gồm thân cây chuối, cám gạo, lá sắn.... Cá được nuôi từ 2-3 năm mới xuất bán, thịt cá dai, ngon, chế biến được nhiều món ăn hấp dẫn nên người dân và khách du lịch rất ưa chuộng. Những năm trước, cứ đến mùa thu hoạch cá, các thương lái đến tận nhà để thu mua, cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài thị trấn. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cá trắm của gia đình ông Đức đã đến thời kỳ xuất bán nhưng chưa có thương lái nào đến thu mua.
 
Thị trấn Phong Nha (Bố Trạch) hiện có gần 300 tấn cá chưa tiêu thụ được do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thị trấn Phong Nha (Bố Trạch) hiện có gần 300 tấn cá chưa tiêu thụ được do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ông Đức cho biết: “Thời điểm này những năm trước, thương lái đến thu mua vài lần là hết cá. Thế nhưng năm nay, không có ai đến hỏi mua, kể cả những mối buôn bán lẻ cũng không thấy. Hiện các lồng cá của gia đình tôi vẫn còn nguyên. Nếu cứ duy trì tình trạng này trong thời gian dài, thì chúng tôi sẽ rất khó khăn. Nhất là mùa mưa lũ đã đến, khó có thể tránh được thiệt hại”.
 
Ông Phan Thanh Luận, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Nha cho biết, toàn thị trấn có 378 hộ nuôi cá lồng với 694 lồng cá, chủ yếu là các giống cá trắm, chình, rô phi. Nhiều năm nay, nghề nuôi cá lồng đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Từ đầu năm 2021, ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà hàng, quán ăn ngừng hoạt động, các cơ sở, chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm thủy sản ngưng trệ, giá cá thương phẩm xuống thấp, khiến sức tiêu thụ giảm mạnh. Ước tính toàn thị trấn còn gần 300 tấn cá lồng đến kỳ thu hoạch chưa xuất bán được. Chính quyền địa phương đang tích cực vận động người dân chăm sóc cá, duy trì lượng thức ăn để cá sinh trưởng và phát triển tốt; đồng thời, chằng néo các lồng cá, bảo vệ tài sản khi mùa mưa lũ đến, chờ khi thị trường lưu thông sẽ có sản phẩm cung cấp cho thị trường.
 
Không chỉ nghề nuôi cá mà cả nghể nuôi ếch thương phẩm thời gian qua cũng đang phải vật lộn giữa muôn trùng khó khăn trong việc tìm hướng tiêu thụ. Nghề nuôi ếch từng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Thanh Thủy (Lệ Thủy), thế nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người dân đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt là giá thành hạ, khó tiêu thụ.
 
Anh Trần Chí Phong, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ngọc Quý cho biết, chưa năm nào người nuôi ếch gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Đầu vụ giá vật tư, thức ăn tăng cao, cuối vụ giá bán ếch giảm mạnh nhưng vẫn không tiêu thụ được. Năm 2020, HTX nuôi 3 vụ ếch thương phẩm, năng suất đạt gần 10 tấn, đem lại thu nhập hơn 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Vụ nuôi năm nay, HTX nuôi gần 10 vạn ếch thương phẩm, cho năng suất hơn 20 tấn. Nhưng thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh, dù chủ động hạ giá ếch xuống thấp nhưng vẫn chưa có thương lái đến thu mua. Theo anh Phong, trước đây, giá ếch bán ra thấp nhất cũng 42.000 đồng/kg, có thời điểm 50.000 đồng/kg, nhưng hiện giá chỉ còn 35.000 đồng/kg.
 
Theo tìm hiểu, một trong những lý do khiến việc tiêu thụ nông sản rơi vào tình trạng “ì ạch” là vì các nhà hàng, khách sạn buộc phải đóng cửa, các mối buôn lớn ngừng nhập hàng. Hiện như HTX Nông nghiệp Ngọc Quý đang tồn hơn 10 tấn ếch thương phẩm đã đến tuổi xuất bán.
 
Hơn 10 tấn ếch thương phẩm của HTX Nông nghiệp Ngọc Quý, xã Thanh Thủy (Lệ Thủy) đã đến tuổi xuất bán nhưng vẫn chưa tiêu thụ được.
Hơn 10 tấn ếch thương phẩm của HTX Nông nghiệp Ngọc Quý, xã Thanh Thủy (Lệ Thủy) đã đến tuổi xuất bán nhưng vẫn chưa tiêu thụ được.
“Bình thường ếch nuôi 2 tháng là bán, nhưng ếch HTX nuôi nay đã hơn 3 tháng nhưng vẫn chưa tiêu thụ được, trong khi đó, chi phí thức ăn lại tăng cao nên người nuôi ếch gặp rất nhiều khó khăn. Chi phí để duy trì nuôi số ếch này rất lớn, riêng tiền thức ăn đã mất hơn 4 triệu đồng/ngày, chưa kể tiền điện, tiền nhân công… Những ngày qua, một vài mối hàng quen hứa 1-2 tháng nữa mới đến thu mua. Nhưng hiện tại, ếch đã đến tuổi phải xuất bán, giai đoạn này ếch không những không tăng trưởng mà nuôi càng lâu thì càng giảm chất lượng. Để tạm thời giải quyết khó khăn, HTX cũng đã đưa ra các phương án khắc phục tình trạng tồn đọng ếch, như: Làm chà bông, sấy khô, chế biến đóng gói… nhưng quá trình hoàn thiện giấy phép, thủ tục rất mất thời gian, nhiều chi phí nên HTX vẫn chưa thực hiện được. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành chức năng có biện pháp kết nối, hỗ trợ tiêu thụ giúp người nông dân trong giai đoạn khó khăn này”, anh Phong cho hay.
 
Theo chị Trần Thị Thúy Hằng, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Thanh Thủy, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn xã có gần 100 tấn nông sản của người dân chưa tiêu thụ được, các sản phẩm chủ yếu là: Lợn thịt, ếch, gà lai trọi, cá rô… Thời gian qua, UBND xã đã phối hợp với các cấp, ngành kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản giúp người dân nhưng hiện tại số lượng nông sản cần được tiêu thụ vẫn còn rất nhiều.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT), theo số liệu thống kê, rà soát từ các địa phương trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, toàn tỉnh có hơn 567 tấn nông sản của người dân cần được hỗ trợ tiêu thụ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đó, Lệ Thủy hơn 109 tấn, Quảng Ninh 24 tấn, Bố Trạch gần 434 tấn. Các nông sản đề nghị hỗ trợ tiêu thụ chủ yếu là các loại cá lồng, lợn thịt, gà, ếch… Để tháo gỡ khó khăn cho người dân, Sở NN-PTNT đã thành lập đã thành lập tổ công tác hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19.
 
Lan Chi
 
Bài 2: Kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản

tin liên quan

Giá vàng tại thị trường châu Á hướng tới tuần tăng thứ hai liên tiếp

Giá vàng tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch cuối tuần 22-10, hướng tới tuần tăng thứ hai liên tiếp do đồng USD yếu đã lấn át đà tăng cao của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cùng những kỳ vọng ngày càng lớn về việc các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu sẽ bắt đầu rút lại các chương trình kích thích kinh tế.

Khám phá hố sụt Kong…

(QBĐT) - Nằm sâu trong rừng núi nguyên sinh của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, chuỗi hang động gồm: Pygmy, Over và hang Hổ được nối với nhau bởi một hố sụt khổng lồ chứa cả khu rừng nguyên sinh ở bên trong. Ở đây, du khách có thể trải nghiệm, khám phá những hang động kỳ bí, rừng nhiệt đới nguyên sinh hoang dã. Và, đặc biệt, trải nghiệm đu dây ở một trong những hố sụt sâu nhất hành tinh - Kong…

Áp dụng linh hoạt các giải pháp phòng, chống dịch để bảo đảm chuỗi cung ứng khai thác thủy sản an toàn

(QBĐT) - Sáng 22-10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển về tổ chức khai thác thích ứng an toàn, phòng chống dịch Covid-19, quý IV-2021.