Cây "giảm nghèo" ở Trường Sơn

  • 15:31 | Thứ Hai, 25/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Lạc và sắn là hai loại cây trồng chủ lực ở xã miền núi Trường Sơn (Quảng Ninh). Với cây sắn, diện tích chủ yếu tập trung tại các bản đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều sinh sống. Đây được xem là loại cây “xóa đói giảm nghèo” cho bà con. Mấy năm trở lại đây, khí hậu thời tiết diễn biến khá bất thường tại Trường Sơn, lũ lụt gây ngập úng khiến diện tích sắn bị sụt giảm cả về diện tích lẫn sản lượng.
 
Hiệu quả giảm nghèo từ cây sắn
 
Người dân bản Trung Sơn thu hoạch sắn.
Người dân bản Trung Sơn thu hoạch sắn.
Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Nguyễn Văn Nhì nhớ lại: “Chủ trương đưa cây sắn nguyên liệu KM94 vào trồng gắn liền với thực hiện công tác giao đất, giao rừng cho đồng bào. Đến năm 2013, diện tích sắn nguyên liệu toàn xã khoảng 150ha, bình quân mỗi hộ dân trồng từ 0,25 đến 2ha sắn; sản lượng vụ sắn năm này đạt 4.200 tấn, giá thu mua ổn định mức 1.200 đồng/kg. Qua năm 2014, diện tích sắn tăng lên 200ha, mở rộng tại các bản: Trung Sơn, Chân Trôộng, Cổ Tràng, Cây Cà, Khe Cát, Rìn Rìn… Nhờ thời tiết, khí hậu thuận lợi, năng suất cây sắn đạt 21 tạ/ha, giá bán vẫn duy trì 1.200 đồng/kg. Đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều tham gia trồng sắn được mùa, được giá, họ phấn khởi lắm!”.
 
Bản Khe Cát là một trong những bản có diện tích sắn phát triển ổn định những năm trước đây với 20ha. Trưởng bản Hồ Đài cho biết: “Sắn được mùa, thu hoạch đến đâu thương lái dưới xuôi lên thu mua hết, đạt từ 35-40 triệu đồng/ha. Thu nhập ổn định từ cây sắn giúp đồng bào ấm cái bụng hơn, bà con có tiền mua thêm bò để chăn nuôi, giống keo tràm trồng rừng kinh tế”.
 
Tương tự như bản Khe Cát, diện tích trồng sắn tại bản Trung Sơn cũng đứng vào hàng “top” ở xã Trường Sơn, gần 32ha. Trưởng bản Trung Sơn Hoàng Văn Dũng chia sẻ: “Thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho đồng bào, tại bản Trung Sơn, bình quân mỗi khẩu được chia 170m2 đất sản xuất, chủ yếu trồng sắn, xen kẻ giữa rừng keo tràm. Trước đây thu nhập bà con trong bản từ cây sắn ổn định. Ngoài diện tích đất rẫy, bà con bản Trung Sơn mỗi khẩu còn có thêm 120m2 đất lúa nước. Toàn bản có 6ha lúa nước”.
 
Ông Hoàng Văn Dũng dẫn chứng: “Đơn cử như gia đình mình, mỗi năm thu hoạch chừng 6 tạ lúa, 2 tấn sắn, bảo đảm đủ cái ăn trong năm”.
 
Bản Cây Cà có diện tích sắn lớn nhất xã Trường Sơn với gần 53ha. Chị Hồ Thị Phân ở bản Cây Cà, người mẹ Vân Kiều của 4 đứa con còn nhỏ, chồng chị mất trong một lần vào rừng lấy mật ong cho biết: “Nếu không có thu nhập từ trồng sắn, gia đình khó đủ ăn, đủ mặc. Nhà có 6 sào sắn, lúc được mùa nhất cho thu nhập khoảng 17 triệu đồng. Nếu tiết kiệm chi tiêu thì đủ trang trải, lo cho các con ăn học đàng hoàng”.
 
Để cây sắn thực sự bền vững với đồng bào
 
Ngoài các loại cây trồng chủ lực như lạc, ngô, sắn…, xã Trường Sơn cũng tích cực vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt phục hồi các loại cây trồng bản địa giá trị kinh tế cao. Cụ thể, nếp đen trồng rẫy được phục hồi tại các bản: Bến Đường, Đá Chát. Năm 2021, UBND xã thí điểm thành công mô hình nếp đen trồng nước tại bản Trung Sơn, diện tích 1,3 sào, năng suất đạt đến 60 tạ/ha, sẽ vận động đồng bào Bru-Vân Kiều nhân rộng trong vụ sản xuất đông-xuân 2021-2022.

Qua khảo sát một số bản có diện tích trồng sắn lớn tại xã Trường Sơn, thực tế cho thấy các rẫy sắn thường manh mún, ở các khu vực giao thông đi lại cách trở, nằm xen lẫn giữa diện tích đất giao cho dân và đất thuộc sự quản lý của Lâm trường Trường Sơn, nên dù đồng bào muốn mở rộng diện tích cây sắn hơn nữa cũng rất khó.

Thậm chí, hai năm trở lại đây, diện tích trồng sắn tại xã Trường Sơn đã bị giảm sút, từ 200ha năm 2015, đến nay chỉ còn 164ha, sụt giảm mất gần 40ha.

Lý do diện tích giảm là vì ảnh hưởng khí hậu, thời tiết, thiên tai. Nguyên nhân khác là bà con đã chuyển đổi một phần diện tích trồng sắn sang trồng keo tràm.

 
Trưởng bản Trung Sơn Hoàng Văn Dũng lý giải: “Vì diện tích chia cho bà con nằm xen lẫn với đất do Lâm trường Trường Sơn quản lý, hầu hết là cằn cỗi nên cây sắn trồng ở đây năng suất rất thấp. Để phát triển diện tích, đồng bào tiến hành khai hoang đất dọc khu vực dưới chân núi, ven suối, dễ bị ngập úng khi lũ lụt xảy ra. Hai năm nay (2020-2021), Trường Sơn mưa nhiều, bản Trung Sơn là khu vực “chưa mưa đã ngập” nên diện tích cây trồng, trong đó có cây sắn trồng dọc khe suối thường xuyên bị ngập, mất trắng”.
 
Vụ sắn năm nay nhà trưởng bản Hoàng Văn Dũng cũng như nhiều hộ đồng bào khác ở Trường Sơn phải thu hoạch sớm “chạy lũ”, vì thế sản lượng mất đến gần 40%. Với 6 sào sắn, ông Dũng hay gia đình chị Hồ Thị Phân bán được khoảng 10-12 triệu đồng (giảm 5 triệu đồng so với trước).
 
Theo bà con dân bản cho biết, nếu thời tiết, khí hậu thuận lợi thì đến đầu tháng 11 và tháng 12 hàng năm mới thu hoạch sắn. Lúc đó, hàm lượng tinh bột sắn ổn định, thương lái mua giá cao hơn. Hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng mưa bão nên cứ đến tháng 9, tháng 10 là phải nhổ sắn “chạy lũ”. Vì nếu không thu hoạch, sắn ngâm nước lâu ngày, thối hỏng hết.
 
Sắn thu hoạch “chạy lũ” non hàm lượng tinh bột, khiến thương lái thu mua không ổn định, giá cả biến động liên tục từ 1.000 đồng-1.400 đồng/kg. “Ai thu hoạch sau, bán được giá hơn”, Trưởng bản Trung Sơn Hoàng Văn Dũng cho hay.
 
Để cây sắn thực sự bền vững, mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã Trường Sơn, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Nhì khẳng định: “Xã đang quy hoạch lại vùng trồng sắn nguyên liệu, tập trung vào một số bản, như: Cây Cà, Trung Sơn, Thượng Sơn, Chân Trôộng, Rìn Rìn… Xã tiếp tục vận động nhân dân mở rộng diện tích ở những nơi đang còn quỹ đất; hỗ trợ đồng bào về giống, phân bón và bảo đảm đầu ra với giá cả ổn định, hợp lý; hạn chế người dân bán sắn non...”.
 
Thanh Long

tin liên quan

[Infographics] Việt Nam nhận giải 'điểm đến hàng đầu châu Á'

Theo website của Word Travel Awards, trong một năm đầy khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, Việt Nam vẫn vươn lên trở thành điểm đến hàng đầu châu Á 2021.
 

Báo chí quốc tế: Nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm 'bật dậy'

WB chờ đợi tăng trưởng của Việt Nam bật dậy, ở mức tối thiểu là 6% cho năm 2022 trong khi Vietnam Holding cho rằng Việt Nam vẫn là nền kinh tế châu Á phát triển nhanh chóng.
 

Doanh nghiệp may mặc vượt khó phục hồi sản xuất

(QBĐT) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang được kiểm soát, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã chuyển sang hoạt động trong điều kiện mới, trong đó, lĩnh vực sản xuất may mặc đã đạt 90% công suất so với trước dịch. Đây là tín hiệu tích cực góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2021.