Quản lý hoạt động thương mại điện tử: Vẫn còn lắm khó khăn

  • 08:13 | Thứ Ba, 14/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Do tác động của dịch bệnh Covid-19, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng chiếm ưu thế, nhưng cũng kéo theo tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện và xử lý.
 
Hàng giả, hàng nhái khó phân biệt trên TMĐT
 
Khi cần một sản phẩm hàng hóa nào đó, chỉ cần nhập từ khóa của sản phẩm trên Google, trong vài giây người dùng có thể nhận được hàng chục kết quả rao bán cùng sản phẩm, với đa dạng các mức giá và mẫu mã, nếu không cẩn thận tìm hiểu thông tin, ham giá rẻ thì việc người tiêu dùng mua phải hàng chất lượng kém là khó tránh khỏi.
 
Chị Trương Thị Hoa, phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới cho biết: “Không chỉ riêng tôi, mà hầu hết mọi người đều bị thu hút bởi giá rẻ. Tôi tìm thì thấy nhiều gian hàng bán cùng một sản phẩm nhưng giá lại khác nhau nênthường cân nhắc mua ở một nơi với mức giá phù hợp. Tuy nhiên, nhiều lúc ham giá rẻ nên không ít sản phẩm mua về trúng phải hàng không dùng được, nhất là đồ điện tử".
 
Đặc biệt, thời gian gần đây, ngày càng nhiều người dùng mạng xã hội thực hiện livestream bán hàng từ quần áo, giày dép, kính thời trang, mỹ phẩm tới các mặt hàng gia dụng khác...
 
Tuy nhiên, đây cũng là "miền đất hứa" cho hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Cách thức thường thấy của những đối tượng này là đăng bán sản phẩm với các chương trình giảm giá, thậm chí tặng luôn sản phẩm… để thu hút khách hàng.
 
Đổi lại, người dùng chỉ cần like, chia sẻ bài viết, để lại thông tin gồm họ tên, số điện thoại, địa chỉ gửi hàng là đã mua được hàng. Cách làm này đánh trúng tâm lý ham giá rẻ nên người tiêu dùng dễ dàng “sập bẫy” mua phải hàng giả, hàng nhái, thậm chí bị lừa tiền.
 
Nhiều vụ vi phạm đã được Cục Quản lý thị trường (QLTT) kiểm tra và xử lý. Đơn cử như mới đây, qua công tác theo dõi, quản lý địa bàn, Đội QLTT số 7 (Cục QLTT) phát hiện trang Facebook cá nhân Cat Tuong Pham thực hiện việc livestream bán online các loại quần áo, giày dép có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
 
Ngày 6-8-2021, Đội QLTT số 7 đã tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh này trên địa bàn phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới. Kết quả kiểm tra phát hiện 561 đơn vị sản phẩm giày thể thao, áo quần các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu và 492 đơn vị sản phẩm giày, dép, áo quần các loại do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá tang vật ước tính khoảng 61 triệu đồng.
 
Trước đó, qua công tác nắm bắt thông tin, Đội QLTT số 1 phát hiện trang Facebook cá nhân Thảo Thảo Chu thực hiện việc bán online các loại sữa bột có dấu hiệu vi phạm.
 
Ngày 19-7-2021, Đội QLTT số 1 đã phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an TP. Đồng Hới kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh tại phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới và phát hiện 113 hộp sữa bột các loại không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, không rõ nguồn gốc xuất xứ…
 Tổ công tác về TMĐT của Cục QLTT đang theo dõi hoạt động bán hàng trực tuyến trên địa bàn tỉnh.
Tổ công tác về TMĐT của Cục QLTT đang theo dõi hoạt động bán hàng trực tuyến trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
 
Nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất cũng như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, góp phần đưa hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh được ổn định, thời gian qua, Cục QLTT luôn chú trọng đến công tác kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực này.
 
Đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động TMĐT; phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác chia sẻ, trao đổi thông tin để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực MTĐT trên địa bàn…
 
Tuy nhiên, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện và xử lý.
 
Ông Vũ Quang Thắng, Cục trưởng Cục QLTT cho biết: "Việc kiểm tra, xác định đối tượng vi phạm trong mua bán trực tuyến của lực lượng QLTT còn gặp nhiều thách thức khi các đối tượng kinh doanh thường không có địa điểm cố định; nhiều địa chỉ bán hàng khai báo thông tin, đăng ký hoạt động kinh doanh không chính xác, thường xuyên thay đổi địa điểm; hàng hóa vi phạm được cất giấu kỹ; thông tin về người bán và người mua gần như được ẩn danh và bảo mật; hàng hóa được vận chuyển thông qua các đơn vị vận chuyển độc lập nên khó kiểm soát cũng như xác định địa điểm, kho hàng để đấu tranh, xử lý.
 
Bên cạnh đó, người tiêu dùng vẫn còn khá chủ quan, tâm lý ham rẻ trong việc mua hàng trên mạng, không tìm hiểu kỹ thông tin nơi mua hàng, địa chỉ, điện thoại liên lạc với người bán hàng; không kiểm tra kỹ hàng hóa khi nhận hàng nên dễ bị mua phải hàng giả, hàng kém chết lượng… Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động TMĐT còn chưa được hoàn thiện, quy định thiếu cụ thể, một số hành vi vi phạm chưa có quy định cụ thể và chế tài xử phạt nên gây khó khăn lực lượng QLTT trong việc kiểm tra và xử lý".
 
Thời gian tới, Cục QLTT sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nắm bắt các phương thức thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để gian lận thương mại; kiện toàn và nâng cao chất lượng tổ công tác về TMĐT của Cục QLTT; chú trọng công tác đào tạo, tập huấn kiến thức cho lực lượng QLTT; tiếp tục phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác chia sẻ, trao đổi thông tin...
 
Theo thống kê của Cục QLTT, tại Quảng Bình, từ đầu năm 2020 đến nay, trong lĩnh vực TMĐT, lực lượng QLTT đã thực hiện kiểm tra 25 vụ việc và xử lý 15 vụ vi phạm, đang tạm giữ tang vật 1 vụ. Số tiền phạt vi phạm hành chính hơn 384 triệu đồng, trị giá tang vật bị tịch thu sung quỹ gần 254 triệu đồng, tang vật bị tịch thu tiêu hủy hơn 380 triệu đồng.
Thanh Hoa