Phụ nữ Minh Hóa giúp nhau phát triển kinh tế

  • 08:06 | Thứ Hai, 13/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế đã được các cấp Hội LHPN huyện Minh Hóa chú trọng triển khai và thực hiện hiệu quả. Qua đó, nhiều hội viên có điều kiện vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
 
Vốn xuất thân từ gia đình thuần nông, chị Đinh Thị Hà (SN 1987), hội viên phụ nữ Chi hội phụ nữ thôn Minh Xuân, xã Xuân Hóa (Minh Hóa) nhận thấy điều kiện thực tế của địa phương phù hợp với chăn nuôi.
 
Nghĩ là làm, năm 2015, chị được Hội LHPN xã Xuân Hóa khuyến khích, động viên, tạo điều kiện hỗ trợ vay 50 triệu đồng ưu đãi từ nguồn vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
 
Trên diện tích rộng 3ha, chị dành 1ha diện tích mặt nước để đầu tư nuôi cá nước ngọt. Đối với diện tích còn lại, chị đầu tư xây dựng hệ thống trang trại nuôi lợn rừng, gà, vịt kết hợp trồng cây ăn quả.
 
Trao đổi với chúng tôi, chị Hà cho biết, những năm đầu khởi nghiệp, chị gặp rất nhiều khó khăn do nguồn vốn đầu tư không nhiều, kinh nghiệm chăn nuôi gần như không có. Không nản chí, chị tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trên sách, báo và đi tham quan thực tế những mô hình chăn nuôi khác để rút kinh nghiệm.
 
Bên cạnh đó, chị còn được Hội LHPN các cấp giới thiệu tham gia các khóa tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, thú y để tích lũy kinh nghiệm. Ngoài ra, chị còn được được Hội LHPN tỉnh cho vay vốn lãi suất thấp từ nguồn vốn giải quyết việc làm, được Hội LHPN huyện hỗ trợ 100 con gà giống. Nhờ đó, mô hình của chị phát triển ổn định và ngày càng mở rộng.
 
Trải qua những khó khăn ban đầu, đến nay, trang trại của chị đang nuôi trên 1.200 con gà thịt, 7 con lợn rừng nái, 40 lợn rừng thịt, trồng ổi, mít Thái và 5 ao nuôi cá nước ngọt các loại...
 
Hàng năm, trang trại của chị thu khoảng 10 tấn thịt lợn hơi, trên 3.600kg gà, vịt và trên 2 tấn cá các loại. Doanh thu mỗi năm từ 400-500 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình chị thu lãi hơn 300 triệu đồng.
 
Chị Đinh Thị Hà Lan, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Hóa cho biết: “Chị Đinh Thị Hà là một hội viên tham gia tích cực hoạt động hội, năng động, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị Đinh Thị Hà không chỉ tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị mà còn là động lực để nhiều hội viên phụ nữ trong xã học tập và làm theo, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương ngày càng phát triển".
Mô hình chăn nuôi tổng hợp của chị Đinh Thị Hà (xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa) đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Mô hình chăn nuôi tổng hợp của chị Đinh Thị Hà (xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa) đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Cũng giống như chị Đinh Thị Hà, trước đây, cuộc sống gia đình chị Đặng Thị Thanh Huyền, Chi hội phụ nữ thôn Yên Phú, xã Trung Hóa (Minh Hóa) gặp rất nhiều khó khăn.
 
Nhờ cần cù, chịu thương, chịu khó, chị đã tự tìm tòi các tài liệu hướng dẫn chăm sóc cây trồng, vật nuôi, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước để áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn bản.
 
Năm 2015, được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, cùng số vốn sẵn có, gia đình chị mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất với hơn 3.000m2 diện tích nuôi cá nước ngọt. Sau đó, chị Huyền tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, xây dựng thêm chuồng trại để phát triển mô hình nuôi lợn nái.
 
Đến nay, trang trại của chị có 12 con lợn nái, 70 con lợn thịt, gà ri thả vườn, 10 con bò với hơn 3 sào trồng cỏ. Từ mô hình chăn nuôi, mỗi năm, gia đình chị thu về gần 300 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí. 
 
Để giúp nhau giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng, hàng năm, Hội LHPN huyện Minh Hóa đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
 
Bên cạnh đó, các cấp hội còn hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn, các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập; xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi.
 
Qua đó, góp phần phát triển các mô hình chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh giỏi của hội viên phụ nữ trongtoàn huyện. Đến nay, toàn huyện có 151 mô hình của chị em phụ nữ cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
 
Bà Đinh Thị Ngọc Lê, Chủ tịch Hội LHPN huyện Minh Hóa cho biết: "Thời gian tới, song song với công tác tuyên truyền phòng, chống Covid-19, hội tiếp tục vận động cán bộ, hội viên thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của huyện, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất và chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, hội tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ kinh doanh và khởi nghiệp, lựa chọn các ý tưởng khởi nghiệp và tìm nguồn hỗ trợ vốn vay…".
 
Hiện nay, tổng dư nợ nguồn vốn ủy thác qua Hội LHPN huyện đạt trên 158 tỷ đồng, cho 3.197 hộ vay; có 205 tổ, nhóm “Tiết kiệm vay vốn thôn bản” gồm 7.604 thành viên với tổng số dư tiết kiệm trên 2,4 tỷ đồng, đã giải quyết cho 212 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn gần 1 tỷ đồng.
Phạm Hà