.

Nỗi lo an toàn hồ đập trước mùa mưa lũ

.
07:47, Thứ Sáu, 27/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Thời gian qua, Quảng Bình đã quan tâm, đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ đời sống, sản xuất của người dân. Tuy nhiên, nhiều hồ đập trên địa bàn đang xuống cấp, nguy cơ gây mất an toàn khi mùa mưa lũ đang về.
 
Nhiều hồ đập xuống cấp
 
Quảng Bình hiện có 153 hồ chứa, 193 đập dâng thủy lợi, trong đó, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình (gọi tắt là Công ty Khai thác công trình thủy lợi) đang quản lý khai thác 17 hồ chứa nước và 3 đập dâng thủy lợi, còn lại là do UBND các huyện giao cho các tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý khai thác.
 
Cùng với chức năng bảo đảm cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, các công trình này còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, thoát lũ, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều công trình hồ chứa đã xuống cấp, cần được sửa chữa, gia cố để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.
 
Hồ Trung Thuần, xã Quảng Thạch (Quảng Trạch) được xây dựng từ năm 1980, phục vụ tưới tiêu cho gần 200ha lúa của các xã: Quảng Thạch, Quảng Lưu, Quảng Phương. Tuy nhiên, do công trình được xây dựng từ lâu nên nhiều hạng mục đã xuống cấp, gây mất an toàn cho hàng trăm hộ dân sinh sống phía dưới chân đập.
Mái thượng lưu gia cố bằng đá lát khan của hồ Trung Thuần (xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch) đã bị xói lở, cần được nâng cấp, sửa chữa.
Mái thượng lưu gia cố bằng đá lát khan của hồ Trung Thuần (xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch) đã bị xói lở, cần được nâng cấp, sửa chữa.
Quan sát thực tế tại hồ Trung Thuần chúng tôi nhận thấy, mái thượng lưu gia cố bằng đá lát khan đã bị xói lở nặng, mái hạ lưu bị thấm nước, tường chắn sóng bằng đá xây đã xuống cấp, cửa van cống áp lực bị rò rỉ nước, máy đóng mở nước đã hư hỏng…
 
Hiện hồ chưa có hệ thống giám sát vận hành và thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho hồ và vùng hạ du, đáng chú ý, mặt đập hẹp chưa được gia cố bảo vệ, gây trở ngại cho công tác ứng cứu khi công trình gặp sự cố.
 
Còn tại hồ Cửa Nghè, xã Hạ Trạch (Bố Trạch), đá lát khan gia cố mái thượng lưu đập bị hỏng hoàn toàn, bị lún cục bộ nhiều chỗ, chưa có tường chắn sóng. Đặc biệt, tại tràn xả lũ, tường bên cửa bằng đá xây đã bị sạt lở, thân tràn và kênh dẫn bằng bê tông bị nứt, khẩu độ tràn không đủ thoát lũ.
 
Ông Nguyễn Hải Long, Cụm trưởng Cụm thủy nông Bắc Bố Trạch cho biết: "Hồ Cửa Nghè hiện đang hỗ trợ cho hồ Vực Sanh tưới tiêu cho khoảng 150ha lúa của hai xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch của huyện Bố Trạch. Tuy nhiên, do hồ được xây dựng từ năm 1990 đến nay chưa được sửa chữa, nâng cấp nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Hồ chưa có thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du, chưa có hệ thống giám sát vận hành nên khi mùa mưa đến, chính quyền địa phương cũng như người dân nơi đây rất lo lắng vì sợ đập vỡ, gây nguy hiểm cho hàng chục hộ dân ở dưới chân đập".
 
Được biết, hồ Cửa Nghè đã được UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp-PTNT xem xét bố trí kinh phí đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để sửa chữa, nâng cấp. Tuy nhiên, người dân cũng như chính quyền địa phương các xã Hạ Trạch, Mỹ Trạch mong muốn các đơn vị liên quan sớm triển khai nâng cấp, sửa chữa vì các hạng mục công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn khi mùa lũ đang cận kề.
 
Ngoài ra, nhiều hồ chứa nước lớn bị hư hỏng xuống cấp, như: Hồ Vực Tròn (tại hố xói tràn xả lũ chính, phía bờ tả, đất bị sạt lở vào sâu 15m, nguy cơ mất an toàn đến chân đập chính); hồ Minh Cầm (đập phụ bị thấm, rò rỉ nhiều có nguy cơ gây mất an toàn cho đập nhất là trong mùa mưa lũ)...
 
Bảo đảm an toàn trước mùa mưa lũ
 
Trước thực trạng xuống cấp của hệ thống hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh, hàng năm, Chi cục Thủy lợi đã phối hợp với Công ty Khai thác công trình thủy lợi tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa và lập phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.
 
Chi cục cũng đã lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn trong mưa lũ để tham mưu cho Sở Nông nghiệp-PTNT đề xuất Bộ Nông nghiệp-PTNT, UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí sửa chữa, khắc phục. 
 
Đối với các hồ đập do Công ty Khai thác công trình thủy lợi quản lý, công tác bảo đảm an toàn hồ đập đã thực hiện nghiêm theo Nghị định số 114/2018/NĐ-CP.
Tràn xả lũ ở hồ Cửa Nghè (xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch), bị hư hỏng nặng.
Tràn xả lũ ở hồ Cửa Nghè (xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch), bị hư hỏng nặng.
Ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc công ty cho hay, ngay từ đầu mùa mưa bão, công ty đã chỉ đạo các chi nhánh xây dựng phương án ứng phó thiên tai, các tình huống khẩn cấp để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, lập kế hoạch tu sửa công trình trước mùa mưa lũ, nhất là các thiết bị cơ khí vận hành cống áp lực, cửa van cung.
 
Ngoài ra, đối với những công trình có nguy cơ mất an toàn trong mùa lũ, công ty tập kết vật tư, vật liệu, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra; đồng thời, chỉ đạo vận hành và điều tiết những hồ chứa tràn sâu theo quy trình vận hành đã được phê duyệt.
 
Công tác bảo đảm an toàn trước mùa mưa lũ đối với các hồ đập do địa phương quản lý vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do phần lớn các công trình được xây dựng từ cách đây 20-30 năm, tài liệu, hồ sơ liên quan đến công trình bị mất mát, thất lạc nên các địa phương, đơn vị chủ yếu dựa vào kinh nghiệm để báo cáo, độ chính xác về số liệu của một số công trình không cao.
 
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị quản lý, quan trắc, thông tin liên lạc, vật tư, vật liệu tại chỗ chuẩn bị cho việc ứng cứu công trình của các hồ chứa địa phương quản lý không có, hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu về công tác quản lý, vận hành, đặc biệt là trong mùa mưa bão.
 
Theo ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, để bảo đảm an toàn hồ đập, phòng ngừa, hạn chế rủi ro xảy ra trong mùa mưa lũ, Chi cục đã tham mưu các đơn vị và địa phương tập trung các biện pháp phòng là chính, trong đó, tăng cường giám sát vận hành và sự cố có sự tham gia của người dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản do bão lũ gây ra. Về lâu dài, Chi cục sẽ tiếp tục đề xuất các bộ, ngành hỗ trợ nguồn kinh phí để tu sửa, gia cố những hồ đập hư hỏng nghiêm trọng; đối với các hạng mục đang thi công, phải tập trung lực lượng, phương tiện đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm an toàn trước khi mùa mưa lũ về…
 
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, hiện toàn tỉnh có 54 hồ chứa đang bị hư hỏng, xuống cấp; 38 đập bị thấm (15 đập bị thấm nặng); 22 tràn xả lũ bị nứt, hư hỏng, trong đó hư hỏng nặng 13 cái (gồm hồ Văn Minh, Đông Xuân, Dạ Lam, Troóc Vực, Đồng Suôn, Khe Su, Khe Tắt, Bàu Sen, Bàu Tràm, Bàu Ôốc, Khe Nậy, Khe Mái, Phú Hội); 28 mái đập bị biến dạng, sạt lở...
Thanh Hoa
 
 
 
 
,