.

Mặn mòi hạt muối

.
17:06, Thứ Bảy, 28/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Dù đã có nhiều thời điểm giá muối xuống thấp kỷ lục và số phận của hạt muối trở nên bấp bênh, diện tích làm muối bị co lại, hoang hóa, nhưng diêm dân xã Quảng Phú (Quảng Trạch) vẫn chưa lúc nào có ý nghĩ sẽ từ bỏ cái nghề khổ nhọc này. Bởi, nghề muối đã ngấm sâu vào nếp nghĩ, trở thành một phần không tách rời trong cuộc sống của họ.
 
Thăng trầm nghề muối
 
Nhiều diêm dân Quảng Phú kể lại, nghề làm muối của địa phương đã có từ những năm 60 của thế kỷ trước, tập trung ở thôn Phú Lộc. Ban đầu, diện tích không đáng kể và chỉ có một số hộ gia đình trong thôn làm muối với quy mô nhỏ lẻ. Sản phẩm đưa ra buôn bán không đáng là bao, chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu của người dân địa phương, chỉ một số ít được đưa đi bán ở các vùng miền khác.
 
Thế rồi, cùng với thời gian, bà con thôn Phú Lộc đã mạnh dạn mở rộng diện tích để không chỉ phục vụ cho nhu cầu của huyện Quảng Trạch mà dần mở rộng thị trường ra cả tỉnh và còn vinh dự cung ứng cho chiến trường đánh Mỹ.
Đồng muối xã Quảng Phú.
Đồng muối xã Quảng Phú.
Năm 1976, diện tích đất làm muối ở đây lên tới 62ha. Sản phẩm làm ra được Chi cục muối Bình Trị Thiên bao tiêu một thời gian khá dài, bà con diêm dân đã từng bước ổn định được cuộc sống, nhiều hộ đã xóa được đói, giảm được nghèo và vươn lên khá.
 
Tuy nhiên, sau khi chia tách tỉnh, sản phẩm không được bao tiêu như trước, nghề muối ở xã Quảng Phú lại trầm lắng dần, rộng muối bỏ hoang, một số diêm dân chuyển đổi diện tích sang nuôi trồng thủy sản nhưng hiệu quả mang lại không cao, thậm chí nhiều người còn lâm vào nợ nần.
 
Từ những năm 2000 cho đến nay, thị trường muối lại dần khôi phục, nhiều hộ gia đình ở thôn Phú Lộc trở lại với nghề, diện tích ruộng muối đã bỏ hoang dần được thu hẹp, sản phẩm muối của Quảng Phú phần được cung ứng cho thị trường nội địa, phần được thương lái ghé mua chuyển đi tiêu thụ nơi khác.
 
Thấy được hiệu quả từ nghề làm muối và để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chính quyền xã Quảng Phú chủ trương chuyển đổi thêm diện tích đất nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả sang làm muối, tập trung ở thôn Phú Lộc (nay là các thôn Phú Lộc 1, Phú Lộc 2, Phú Lộc 3 và Phú Lộc 4) và thôn Nam Lãnh.
 
Giữ lấy nghề truyền thống
 
Nghề làm muối của xã Quảng Phú vinh dự được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là làng nghề truyền thống vào tháng 8-2011. Thời kỳ “hoàng kim”, diện tích đồng muối ở đây lên đến hơn 90ha với khoảng 400 hộ sản xuất, cho sản lượng khoảng 7.000-8.000 tấn/năm, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động.
 
Hiện nay, qua quá trình chuyển đổi, thu hồi diện tích để xây dựng các công trình khác, nhất là công trình âu thuyền tránh trú bão cho tàu, thuyền của ngư dân trong khu vực, diện tích đồng muối của xã Quảng Phú còn lại chừng 72ha, với khoảng 170 hộ làm.
 
“Do đặc thù của nghề làm muối, sản xuất theo quy trình, diện tích nhỏ quá thì bố trí lao động sẽ kém hiệu quả, lỗ ngày công nên người dân dồn diện tích lại cho nhau làm. Vì thế, trên giấy tờ thì hiện có gần 250 hộ làm muối nhưng trên thực tế sau khi người dân đã dồn diện tích cho nhau thuê thì chỉ còn khoảng 170 hộ thôi”, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Nguyễn Ngọc Minh cho biết.
Diêm dân thu gom muối.
Diêm dân thu gom muối.
Một ngày nắng rát chúng tôi có mặt trên đồng muối xã Quảng Phú. Dưới cái nắng bỏng rát của ngày hè, cả đồng muối ánh lên màu trắng lấp loáng của muối đã kết tinh. Trò chuyện với phóng viên, các diêm dân cho biết, năm nay giá muối không bằng mọi năm và sản lượng chỉ bằng 2/3 năm ngoái.
 
Ông Lê Minh Lâm, thôn Phú Lộc 1 cho biết: “Năm nay, giá muối không bằng được năm ngoái, mỗi tạ muối giá tại ruộng chỉ xê xích từ 85-95 nghìn đồng thôi. Sản lượng muối cũng không được như năm 2020, do thi thoảng vẫn có mưa nên nước nhạt và nắng không to dẫn đến muối kết tinh chậm, mỏng. Trên cùng một diện tích làm muối, năm nay, diêm dân chỉ có thu nhập bằng 2/3 năm ngoái”.
 
Giá muối và sản lượng không bằng mọi năm, nhưng không vì thế mà không khí sản xuất trên những đồng muối kém tấp nập. Lưng áo đẫm mồ hôi, ông Phạm Tiến Hải, thôn Phú Lộc 3 cùng vợ đang nhanh tay vun muối thành đống để chở đến nơi tập kết.
 
“Tôi làm muối 20 năm nay rồi, hiện tại, cả nhà có 4 lao động, mỗi ngày cho thu nhập khoảng 200 nghìn đồng/người. Nói chung chưa thấy ai bảo làm muối là sướng cả, nhưng đây là cái nghề truyền thống, chăm chút thì cũng có đồng ra đồng vào để vun vén cho cuộc sống gia đình”, ông Hải cho biết.
 
“Chắp cánh” cho hạt muối
 
Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Nguyễn Ngọc Minh tâm sự: “Làm muối ở địa phương tuy là nghề phụ nhưng lại cho nguồn thu nhập chính đối với bà con 5 thôn thuần nông của xã. Vì thế, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn trăn trở để tìm hướng đi cho làng muối, làm sao để hiệu quả sản xuất cao hơn, sản phẩm vươn xa hơn, phong phú hơn…”.
 
Năm 2019, làng muối của xã Quảng Phú được Tổng công ty muối đầu tư trực tiếp xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, trị giá trên 60 tỷ đồng. Cùng với sự đầu tư của diêm dân xây dựng hệ thống ô kết tinh theo mô hình ruộng bậc thang, hạ tầng nghề muối của địa phương hiện tại đã có sự khởi sắc lớn.
 
Tuy vậy, hiệu quả sản xuất vẫn chưa cao nếu so với các vùng làm muối khác trong nước.
 
Trong các quyết sách của cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều năm qua đều xác định, để sản xuất muối hiệu quả hơn thì cần phải có hợp tác xã (HTX) với vai trò làm “bà đỡ”, liên kết diêm dân lại với nhau, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tránh bị tư thương ép giá…
Muối được vận chuyển trên xe cút-kít đến các điểm tập kết.
Muối được vận chuyển trên xe cút-kít đến các điểm tập kết.
Tuy nhiên, mãi đến tháng 11-2020, HTX mới thành lập được. Theo ông Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, phải mất hơn 10 năm, xã Quảng Phú mới vận động thành lập được HTX nghề muối với kỳ vọng, khi chính thức đi vào hoạt động, sẽ xây dựng mô hình sản xuất mới, hiệu quả hơn, thu hút nhiều thành viên tham gia.
 
Để “chắp cánh” có hạt muối Quảng Phú, năm 2020, huyện Quảng Trạch đã tổ chức hẳn 1 đoàn công tác, với nhiều cán bộ xã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, quy trình làm muối tiên tiến ở Công ty CP muối Vĩnh Ngọc (Nghệ An).
 
Các cán bộ đi tham quan về đều có nhận xét, điều kiện sản xuất của bạn không thuận lợi bằng làng muối Quảng Phú, nhưng do phương pháp quản lý, mô hình sản xuất tiên tiến nên mang lại hiệu quả cao hơn.
 
Cùng phóng viên đi dọc theo đồng muối, ông Lê Phú Đức, Giám đốc HTX muối Quảng Phú cho biết: Khu vực đồng muối của xã Quảng Phú nằm bên bờ sông Loan, gần với biển nên rất thuận lợi để sản xuất muối. Chi phí sản xuất sẽ thấp hơn so với các vùng làm muối khác. Sở dĩ diêm dân xã nhà sản xuất chưa hiệu quả là do kiến thiết đồng ruộng thiếu hợp lý, vẫn còn diện tích bỏ hoang. Mặt khác, các diện tích làm muối được cấp cho diêm dân trước đây quá nhỏ lẻ lại nằm đan xen rất manh mún.
 
“Những bất cập, hạn chế sẽ được giải quyết khi HTX muối chính thức đi vào hoạt động và được sự tham gia của đông đảo diêm dân. Hiện tại, HTX muối đang tiến hành các bước để xây dựng nhà xưởng, nhà kho, thu mua muối cho bà con; đồng thời, nắm bắt thị trường để cho ra các sản phẩm phù hợp”, ông Lê Phú Đức nói.
 
Trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp, bên cạnh trồng lúa, rau màu và khai thác thủy sản thì nghề làm muối vẫn là một “mũi nhọn” thực sự của Quảng Phú. Kỳ vọng, với “cú huých” trong quy trình sản xuất, chế biến, cung cách quản lý của HTX muối Quảng Phú, làng muối bên bờ sông Loan sẽ sôi động hơn trong những vụ mùa tới.
 
“Sau đoàn tham quan của huyện, xã Quảng Phú có thêm hai đoàn với nhiều diêm dân ra tham quan quy trình sản xuất muối ở Công ty CP muối Vĩnh Ngọc (Nghệ An). Được “tai nghe, mắt thấy”, chúng tôi hy vọng là bà con diêm dân sẽ có sự cân nhắc, quyết định xem vào HTX thì có lợi hơn hay vẫn tự sản xuất như trước đây”, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Nguyễn Ngọc Minh nói.
A.Tuấn
 
 
,
  • Kiểm soát chặt để tránh gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng

    Hành vi gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) sẽ tạo ra sự bất công giữa các doanh nghiệp, gây tổn thất cho ngân sách Nhà nước. Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa chỉ đạo Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc kê khai và thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng.

    28/08/2021
    .
  • TX. Ba Đồn: Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm

    (QBĐT) - Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm ở một số tỉnh, thành phố trên toàn quốc, đặc biệt tại tỉnh Hà Tĩnh đã xuất hiện dịch cúm A/H5N8, để chủ động phòng chống, không để dịch bệnh phát sinh trên địa bàn, TX. Ba Đồn đang tích cực triển khai các giải pháp.

    28/08/2021
    .
  • Xây dựng các giải pháp chiến lược để phát triển bền vững

    (QBĐT) - Triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện miền núi Tuyên Hóa đã có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện. Tuy nhiên, Tuyên Hóa vẫn còn nhiều khó khăn trên hành trình thoát nghèo. Để phát triển một cách bền vững, địa phương cần xây dựng các giải pháp chiến lược dài hạn.

    28/08/2021
    .
  • Bảo đảm cung ứng gas kịp thời cho khách hàng khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

    (QBĐT) - Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp buộc một số địa phương trên địa bàn tỉnh phải áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc cung ứng sản phẩm gas phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong khu vực thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg đang được nhiều người quan tâm. Phóng viên Báo Quảng Bình đã có buổi phỏng vấn ông Lê Anh Hùng, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu Quảng Bình xung quanh vấn đề này.

    27/08/2021
    .
  • TX. Ba Đồn: Năng suất lúa hè thu ước đạt 56,5 tạ/ha

    (QBĐT) - TX. Ba Đồn đang tập trung vừa chống dịch vừa chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa vụ hè - thu năm 2021 trước mùa mưa bão.

    27/08/2021
    .
  • Bảo đảm hoạt động cung ứng hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch

    (QBĐT) - Ngày 26-8-2021, đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Công văn số 1658/UBND-KT về việc bảo đảm hoạt động cung ứng hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch. Nội dung như sau:

    27/08/2021
    .
  • Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

    (QBĐT) - Phát huy truyền thống, phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", ông Lê Thanh Sơn (63 tuổi) ở thôn Văn La, xã Lương Ninh (huyện Quảng Ninh), đã trở thành gương điển hình trong phong trào "Cựu chiến binh (CCB) giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi", đóng góp hiệu quả vào sự phát triển ở địa phương.

    27/08/2021
    .
  • Bảo đảm hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt

    (QBĐT) - Ngày 27-8, ông Phạm Văn Năm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, để bảo đảm thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa, vận chuyển người cách ly, cán bộ, công nhân tại các công trình dự án trên địa bàn tỉnh trong điều kiện giãn cách xã hội, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn số 1673/UBND-KT chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tại các chốt kiểm soát dịch (CKSD).
     
    27/08/2021
    .