Xã biên giới Hóa Sơn: Đột phá từ trồng rừng và chăn nuôi

  • 11:03 | Thứ Ba, 13/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là một xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Minh Hóa, những năm gần đây, Hóa Sơn đã có sự vươn lên mạnh mẽ, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, người dân có thu nhập ổn định và đời sống từng bước được nâng cao. “Chìa khóa” để xã Hóa Sơn bứt phá là phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương, đẩy mạnh phát triển trồng rừng và chăn nuôi…
 
Giàu lên nhờ trồng rừng và chăn nuôi
 
Những ngày này, cùng với việc tỉa cành, tạo tán cho diện tích rừng keo của gia đình, ông Đinh Minh Phượng ở thôn Thuận Hóa, xã Hóa Sơn lại tranh thủ thời gian đi cắt chuối rừng, xay bột ngô cho đàn lợn của gia đình.
 
Từng là một hộ nghèo, khó khăn của xã Hóa Sơn, sau nhiều năm được hỗ trợ, tiếp sức từ các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, như: Chương trình 135, 30a…; cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đến nay, gia đình ông Phượng đã tự tin vươn lên trở thành hộ khá, giàu ở trong xã.
 
Bên cạnh việc trồng, chăm sóc hơn 3ha rừng sản xuất, gia đình ông Phượng còn trồng 200 trụ thanh long ruột đỏ, đầu tư chuồng trại nuôi 6 con lợn nái (giống bản địa và lai rừng) và 40 con lợn thịt. Trung bình mỗi năm, từ việc bán lợn giống, lợn thịt và trồng rừng, gia đình ông Phượng có thu nhập trên 300 triệu đồng.
Người dân xã Hóa Sơn phát triển trồng rừng bằng các giống cây rừng bản địa để nâng cao giá trị, bảo vệ môi trường.
Người dân xã Hóa Sơn phát triển trồng rừng bằng các giống cây rừng bản địa để nâng cao giá trị, bảo vệ môi trường.
Ở xã Hóa Sơn, gia đình ông Đinh Ngọc Loan (thôn Thuận Hóa) hiện là một trong những hộ có thu nhập cao từ việc trồng rừng kinh tế. Ông Loan hiện đang sở hữu khu rừng rộng gần 6ha gồm nhiều loại cây rừng quý hiếm, trong đó có hàng nghìn cây trầm dó. Ông Loan cho hay: "Giờ riêng việc thu các sản phẩm phụ từ khu rừng và các loại cây ăn quả, dược liệu trồng xen dưới tán rừng, mỗi năm, gia đình tôi cũng thu được từ vài chục đến cả trăm triệu đồng".
 
Ông Đinh Hồng Tuyên, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn cho biết, trước đây, người dân xã Hóa Sơn chủ yếu sống dựa vào việc khai thác tài nguyên rừng nên diện tích rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, diện tích đất trống, đồi núi trọc ngày càng tăng. Không có rừng giữ đất, mưa lũ, thiên tai thường xuyên xảy ra, nhiều gia đình bị ảnh hưởng nặng nề…
 
Những năm qua, thực hiện chủ trương của huyện Minh Hóa, phong trào trồng rừng đã phát triển rộng khắp các thôn trong xã. Hầu hết diện tích đất trồng đồi núi trọc trong xã (khoảng 840 ha) hiện nay đã được giao cho người dân và đều được phủ xanh bởi các loại cây rừng, trong đó có nhiều diện tích rừng được trồng bằng các giống cây bản địa. Những cánh rừng ngày càng được phục hồi, xanh mát cũng đồng nghĩa với cái đói, cái nghèo được đẩy lùi và thiệt hại do thiên tai, mưa lũ cũng giảm bớt.
 
Cùng với trồng rừng, chăn nuôi cũng đang được xã Hóa Sơn đặc biệt chú trọng. Tận dụng cánh đồng cỏ và nhiều loại lá rừng, hiện Hóa Sơn là một trong những địa phương có đàn trâu, bò nhiều nhất của huyện Minh Hóa với trên 1.100 con. Ngoài ra, hàng chục hộ dân đang đầu tư phát triển các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp kết hợp trồng rừng và chăn nuôi, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.
 
Tiếp tục hỗ trợ người dân
 
Xã biên giới Hóa Sơn có 428  hộ với 1.850 nhân khẩu, trong đó đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Kinh tế chủ lực của người dân nơi đây là sản xuất nông nghiệp, nhưng chỉ có 2ha lúa nước, còn lại là đất màu trồng lạc và ngô. Với địa hình chủ yếu là đồi núi, đất đai kém màu mỡ nên sản xuất nông nghiệp thuần túy với cây lạc và ngô đã không thể giúp người dân Hóa Sơn có cuộc sống ổn định.
 
Ông Đinh Minh Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Hóa Sơn cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hóa Sơn lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định trồng rừng và chăn nuôi là 2 mũi nhọn nhằm đưa kinh tế địa phương tăng trưởng cao và bền vững; từ đó, từng bước giúp người dân có thu nhập ổn định, nâng cao cuộc sống.
Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Đinh Minh Phượng cho hiệu quả cao.
Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Đinh Minh Phượng cho hiệu quả cao.
Theo ông Tâm, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, thời gian tới, Đảng bộ và chính quyền xã Hóa Sơn tranh thủ sự đầu tư từ các chính sách của Đảng và Nhà nước và thông qua các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân cây, con giống có chất lượng, phát triển chăn nuôi và trồng rừng. Ngoài ra, xã sẽ tìm kiếm cơ hội và tổ chức cho bà con tham gia các lớp tập huấn, tham quan các mô hình hay nhằm nâng cao kiến thức, áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.  
 
“Địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với người dân để hoàn thành việc giao đất giao rừng cho người dân, hoàn thành kế hoạch trồng rừng hàng năm. Đồng thời, xã Hóa Sơn khuyến khích, hỗ trợ bà con trồng rừng bằng các giống cây bản địa, cây gỗ lớn và chăn nuôi theo chiều sâu bằng các con nuôi đặc sản, như: lợn rừng, gà đồi…,qua đó, vừa nâng cao giá trị thu nhập, vừa bảo vệ tốt môi trường”, ông Tâm chia sẻ.
 
Nhiệm kỳ 2015-2020, Hóa Sơn được đánh giá là một trong những xã đứng tốp đầu của huyện miền núi Minh Hóa về giảm tỷ lệ hộ nghèo (trên 10%/năm). Hiện Hóa Sơn còn 71 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 36%. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hóa Sơn lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống dưới 10%. Để đạt để đạt được mục tiêu đề ra, Đảng bộ xã Hóa Sơn tiếp tực đẩy mạnh và hỗ trợ tối đa người dân phát triển trồng rừng kinh tế và chăn nuôi theo hướng bền vững.
 
Phan Phương