Tiêu chí thu nhập "làm khó" nông thôn mới

  • 07:52 | Thứ Ba, 13/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thu nhập được đánh giá là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), có vai trò thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nhưng đây cũng là tiêu chí “khó” đối với các địa phương, nhất là với những xã vùng cao, vùng khó khăn.
 
Mặc dù đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tích cực, tuy nhiên, nhiều xã trên địa bàn tỉnh vẫn không đạt chuẩn tiêu chí thu nhập như lộ trình đã đề ra.
 
Sau gần 11 năm triển khai xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn xã Phù Hóa (Quảng Trạch) đã có sự chuyển biến rõ nét: cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; điện lưới quốc gia đã thắp sáng khắp đường làng, ngõ xóm; trường, trạm y tế được xây dựng khang trang, kiên cố; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,7%…
 
Tuy nhiên, đến thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt hơn 21 triệu đồng/năm, nếu xét theo bộ tiêu chí NTM thì đây là “cửa ải” khó vượt qua của xã.
 
Ông Nguyễn Bá Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Hóa cho biết, xã Phù Hóa vốn độc canh nông nghiệp, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, xã đã tranh thủ các nguồn lực, hỗ trợ thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, như: chăn nuôi gà, tôm, cá; nghề tre đan, mộc...
 
Tuy nhiên, do tập quán sản xuất, chăn nuôi của người dân còn nhỏ lẻ, manh mún; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên những mô hình này chưa phát huy hết hiệu quả.
 
Bên cạnh đó, xã Phù Hóa có ngành dịch vụ-tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển, các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu cung cấp tại xã, chưa trở thành hàng hóa lớn để cung ứng ra thị trường.
 
Hình thức tổ chức sản xuất đã có một số chuyển biến tích cực, song hoạt động chưa hiệu quả, nhất là trong việc sản xuất, chế biến, liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều lao động tại địa phương không có công ăn việc làm, thu nhập bấp bênh.
Để nâng cao thu nhập, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Phù Hóa (Quảng Trạch) đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.
Để nâng cao thu nhập, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Phù Hóa (Quảng Trạch) đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.
“Việc hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM là cả một chặng đường dài đối với xã Phú Hóa. Thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, đưa giống mới, chất lượng vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Xã sẽ tranh thủ và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập” - ông Nguyễn Bá Hoan cho biết thêm.
 
Theo lộ trình, đến năm 2024, xã Xuân Trạch (Bố Trạch) sẽ về đích NTM nhưng hiện tại xã chỉ mới hoàn thiện được 13/19 tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí đã đạt nhưng chưa bền vững.
 
Ông Cao Thế Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch cho biết, tiêu chí thu nhập là tiêu chí khó đối với địa phương. Bởi, Xuân Trạch là xã thuần nông nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hàng năm chỉ hơn 300ha. Trong đó, phần lớn là trồng các loại cây ngắn ngày, như: sắn, ngô, lạc; diện tích sản xuất lúa chỉ hơn 20ha. Trước đây, đa phần người dân chủ yếu sống dựa vào rừng, nay phần lớn bà con đi các tỉnh phía Nam làm công nhân.
 
Để tăng mức thu nhập, giúp người dân giảm nghèo bền vững, thời gian qua, chính quyền xã đã vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng trên diện tích thiếu nước sang trồng cây dược liệu. Sau một thời gian, nhận thấy không hiệu quả, người dân bỏ để trồng các loại cây khác.
 
Hiện tại, sắn và lạc là hai cây trồng chủ lực của địa phương, nhưng đầu ra vẫn chưa ổn định vì chưa có sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp. Năm 2018, địa phương đã thành lập HTX sản xuất và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp nhưng cũng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn, sau đó, đành phải ngừng hoạt động.
 
Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp trên cả nước; xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn, một số lao động đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong nước hiện đã trở về địa phương.
 
Bên cạnh đó, để xây dựng các mô hình sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn nhưng việc huy động nội lực trong dân còn hạn chế. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đến thời điểm hiện tại là 24 triệu đồng/năm.
 
“Để có thể về đích theo lộ trình đã đề ra là một thách thức lớn đối với địa phương. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện chương trình NTM, bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, rất cần sự quan tâm kịp thời của các cấp, ngành trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, hỗ trợ phát triển các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch, xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản địa phương…”, ông Cao Thế Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch cho hay.
Cây sắn là cây trồng chủ lực trên địa bàn xã Xuân Trạch (Bố Trạch), nhưng thu nhập từ cây sắn vẫn còn thấp.
Cây sắn là cây trồng chủ lực trên địa bàn xã Xuân Trạch (Bố Trạch), nhưng thu nhập từ cây sắn vẫn còn thấp.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho biết, theo quy định Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 là hơn 36 triệu đồng/người thì mới đạt tiêu chí thu nhập trong NTM.
 
Hiện tại, tiêu chí thu nhập nằm trong nhóm “khó” đạt chuẩn NTM, đặc biệt là các xã miền núi, xã khó khăn; nhiều xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM vẫn có nguy cơ “rớt hạng” vì tiêu chí thu nhập.
 
Để nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân, chính quyền địa phương cần đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, liên kết trong sản xuất; nâng cao chất lượng lao động và tạo việc làm cho lao động nông thôn...
 
Ðến nay, toàn tỉnh có 92/128 xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập, chiếm 71,9%, thấp hơn 10 xã so với mục tiêu đề ra năm 2020. Các địa phương chưa đạt tiêu chí thu nhập, gồm: Lâm Thủy, Kim Thủy, Ngân Thủy (Lệ Thủy); Trường Sơn (Quảng Ninh); Mỹ Trạch, Liên Trạch, Lâm Trạch, Xuân Trạch, Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch); Quảng Hợp, Quảng Kim, Quảng Thạch, Quảng Châu, Quảng Tiến, Phù Hóa (Quảng Trạch); Thạch Hóa, Đồng Hóa, Sơn Hóa, Lê Hóa, Kim Hóa, Lâm Hóa, Ngư Hóa, Cao Quảng, Thanh Thạch, Thanh Hóa (Tuyên Hóa); Hóa Phúc, Hồng Hóa, Yên Hóa, Thượng Hóa, Minh Hóa, Hóa Sơn, Hóa Tiến, Hóa Thanh, Trọng Hóa, Dân Hóa (Minh Hóa).
 
Lan Chi