Sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp ở huyện Lệ Thủy: Tập trung thực hiện "mục tiêu kép"

  • 10:14 | Thứ Năm, 29/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng các cơ sở sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn huyện Lệ Thủy vẫn nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” khi vừa sản xuất vừa phòng chống dịch. Nhờ đó, lĩnh vực sản xuất CN-TTCN đã góp phần mang lại nguồn thu khá lớn cho địa phương.
 
Huyện Lệ Thủy có trên 3.800 cơ sở sản xuất CN-TTCN, giải quyết việc làm cho gần 8.800 lao động khu vực nông thôn, với thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Trên địa bàn đã hình thành một số cụm CN-TTCN tại các khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa.
 
Một số ngành nghề, như: sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, chế biến hàng nông sản, cơ khí…, đã tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Lĩnh vực CN-TTCN có mức tăng trưởng khá, ổn định, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Năm 2020, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Lệ Thủy đạt trên 500 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt trên 280 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ.
 
Ông Dương Đức Nghĩa, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Lệ Thủy cho biết: “Sản xuất CN-TTCN trên địa bàn đạt mức tăng là nhờ số lượng các cơ sở sản xuất tăng khá nhiều trong 2 năm qua. Một số ngành hàng ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 đều duy trì hoạt động khá tốt.
 
Ngoài ra, các sản phẩm OCOP được sản xuất nhiều, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nên được thị trường ưa chuộng, mang lại doanh thu cao”.
 
Công ty TNHH xây dựng và may mặc Minh Tuấn, ở thôn Tân Lạc, xã Tân Thủy thành lập vào tháng 3-2021 với số vốn lên đến 9 tỷ đồng. Hiện công ty đang liên kết với một công ty khác ở TP. Hồ Chí Minh chuyên sản xuất, gia công các mặt hàng may mặc xuất khẩu.
 
Tuy mới đi vào hoạt động nhưng công ty đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 80 lao động là người địa phương với mức lương bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng, doanh thu đạt 800 triệu đồng/tháng.
Công ty TNHH xây dựng và may mặc Minh Tuấn vẫn duy trì hoạt động trong điều kiện dịch bệnh.
Công ty TNHH xây dựng và may mặc Minh Tuấn vẫn duy trì hoạt động trong điều kiện dịch bệnh.
Ông Trương Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và may mặc Minh Tuấn cho biết: “Công ty vừa mới đi vào hoạt động được một thời gian ngắn thì đợt dịch bệnh Covid-19 thứ tư bùng phát khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc vay vốn từ các ngân hàng để duy trì sản xuất. Một số phụ liệu từ nước ngoài không thể gửi về. Giá cước vận chuyển hàng hóa từ Quảng Bình đến TP. Hồ Chí Minh cũng tăng cao, phương tiện vận chuyển khan hiếm nên việc sản xuất không đồng bộ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết tâm để duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho người lao động và đóng thuế theo quy định”.
 
Theo thiết kế, cơ sở sản xuất của Công ty TNHH xây dựng và may mặc Minh Tuấn đáp ứng việc làm cho khoảng 200 công nhân. Tuy nhiên, do lo ngại dịch bệnh nên Công ty chưa tuyển thêm công nhân và quy mô sản xuất chỉ đạt được khoảng 70%.
 
Ông Tuấn cho biết thêm: “Để vừa phát triển sản xuất, vừa phòng chống dịch bệnh, chúng tôi phải khử khuẩn xưởng sản xuất thường xuyên, yêu cầu công nhân đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn và kiểm tra thân nhiệt trước khi vào xưởng. Khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, công ty sẽ mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương”.
 
Trước cơn bão dịch bệnh Covid-19, cơ sở sản xuất nấm của anh Bùi Hữu Cơ, ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy vẫn quyết tâm duy trì sản xuất. Gia đình anh Cơ bắt đầu sản xuất nấm từ năm 1996, đến năm 2000 thì phát triển mạnh với các loại nấm sò, nấm rơm.
 
Hiện cơ sở sản xuất nấm của gia đình anh có diện tích 500m2 với quy mô 2 xưởng. Trước đây chưa có dịch, mỗi năm cơ sở sản xuất hàng chục tấn nấm các loại, mang lại nguồn lãi ròng hàng trăm triệu đồng. Nhưng gần 2 năm nay, do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên anh đã phải cắt bớt lao động và giảm quy mô sản xuất.
 
Anh Bùi Hữu Cơ cho biết: “Trước đây, cơ sở trồng nấm của tôi thường xuyên có 5 công nhân, làm một ngày cả tạ nấm để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh. Nhưng từ khi có dịch bệnh Covid-19, tôi không thuê công nhân nữa và chỉ sản xuất để bán lẻ tại các chợ đầu mối trong huyện”. Bình quân mỗi ngày, cơ sở của anh Cơ chỉ sản xuất khoảng 30 đến 50kg nấm. Gía nấm bình quân khoảng 30 nghìn đồng/kg,  mỗi tháng gia đình anh cũng có lãi ròng khoảng 20 triệu đồng.
 
Hiện xã Lộc Thủy có 116 cơ sở sản xuất CN-TTCN. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên gần 2 năm nay, một số cơ sở sản xuất CN-TTCN gặp nhiều khó khăn nhưng doanh thu vẫn đạt 17 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm trước. Để có được thành quả đó, Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong xã vẫn luôn quan tâm, động viên các cơ sở cố gắng duy trì sản xuất, nhất là các lĩnh vực ít chịu tác động của dịch bệnh…
Công ty TNHH xây dựng và may mặc Minh Tuấn vẫn duy trì hoạt động trong điều kiện dịch bệnh.
 

Ông Dương Đức Nghĩa, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Lệ Thủy cho biết: “Để hỗ trợ các cơ sở sản xuất CN-TTCN vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, UBND huyên Lệ Thủy đã có những chính sách động viên, khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn. Riêng trong năm 2021, UBND huyện sẽ hỗ trợ 400 triệu đồng cho 24 cơ sở sản xuất. Trước đó, giai đoạn 2016-2020, huyện cũng đã hỗ trợ cho 83 cơ sở sản xuất với số tiền 2,5 tỷ đồng. Sự quan tâm, hỗ trợ đã góp phần giúp các cơ sở sản xuất từng bước vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất có hiệu quả".

 
                                                                                                           Xuân Vương