Nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình nước sạch nông thôn

  • 10:39 | Thứ Ba, 20/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, thời gian qua, Quảng Bình đã quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa và tăng cường công tác quản lý khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
 
Theo số liệu thống kê từ UBND tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 117 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung. Trong đó, công trình bền vững chiếm 28%, công trình tương đối bền vững 23%, công trình kém bền vững 23% và 26% công trình không hoạt động. Số liệu trên cho cho thấy tỷ lệ các công trình cấp nước kém bền vững và không hoạt động trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá cao.
 
Để các công trình cấp nước sinh hoạt bảo đảm phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình hoạt động của các công trình kém bền vững, không hoạt động nhằm thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước.
 
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sau đầu tư; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch nông thôn; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, từ đó, có ý thức bảo vệ đầu nguồn nước.
 
Năm 2020, từ các nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn ngân sách tỉnh, Trung tâm Nước sạch và Môi trường nông thôn đã duy tu, bảo dưỡng 16 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn các huyện: Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa để khôi phục các công trình hoạt động bảo đảm công suất thiết kế. Cùng với đó, đơn vị đã sửa chữa, lắp đặt mới trên 1.000 cụm đồng hồ đo nước hộ dân để chống thất thoát, thất thu nước sạch.
 
Bên cạnh việc triển khai các hoạt động sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trung tâm cũng đã tích cực, chủ động trong việc tìm kiếm, huy động các nguồn vốn khác để đầu tư.
 
Năm 2020, trung tâm đã huy động 700 triệu đồng vốn hỗ trợ của Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam để đầu tư nâng cấp, sửa chữa công trình cấp nước xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy) và 1 tỷ đồng vốn hỗ trợ của Quỹ Thiện Tâm-Tập đoàn VinGroup để sửa chữa, kéo dài tuyến ống cấp nước tại xã Quảng Hợp (Quảng Trạch) và xã Hóa Thanh (Minh Hóa).
 
Đặc biệt, nhiều địa phương đã đề nghị chuyển giao các công trình cấp nước cho trung tâm quản lý nhằm bảo đảm được nguồn nước sạch cho người dân sử dụng. Năm 2020, trung tâm đã tiếp nhận thêm 6 công trình tại các xã: Mỹ Thủy, Mai Thủy, Hoa Thủy (Lệ Thủy), Quảng Châu, Quảng Kim (Quảng Trạch), nâng tổng số công trình tiếp nhận, quản lý lên 12 công trình.
 
Xã Phong Hóa (Tuyên Hóa) có 2 công trình nước sạch (công trình Minh Cầm và công trình Nam Phong) được xây dựng và đưa vào sử dụng hơn chục năm qua.
Công nhân nhà máy nước đang vận hành hệ thống cấp nước sinh hoạt cho bà con xã Phong Hóa (Tuyên Hóa).
Công nhân nhà máy nước đang vận hành hệ thống cấp nước sinh hoạt cho bà con xã Phong Hóa (Tuyên Hóa).
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các công trình cấp nước sạch của địa phương ngày càng xuống cấp, nước thất thoát nhiều, máy móc, thiết bị hư hỏng không có kinh phí sữa chữa. Đặc biệt, công trình Nam Phong không hoạt động từ tháng 5-2020 đến tháng 5-2021, gây thiếu nước sạch trầm trọng cho người dân nơi đây.
 
Ông Hoàng Vĩnh Lợi, Chủ tịch UBND xã Phong Hóa cho biết, đầu tháng 5-2021, UBND xã Phong Hóa đã bàn giao công trình cho trung tâm vận hành nhằm bảo đảm nước sạch cho người dân toàn xã. Bởi với tính ổn định, chuyên nghiệp, được trang bị đầy đủ công cụ và phương tiện kiểm tra, trung tâm sẽ xử lý kịp thời sự cố xảy ra trong quá trình vận hành, chất lượng nước được xét nghiệm định kỳ…
 
Tình trạng công trình cấp nước ở xã Quảng Châu (Quảng Trạch) cũng tương tự. Công trình nước sạch được tổ chức Đông Tây hội ngộ tài trợ, cung cấp nước sạch cho 2 thôn Trung Minh và Tiền Tiến hàng chục năm nay.
 
Tuy nhiên, những năm gần đây, công trình xuống cấp nên nước sạch cung cấp cho người dân không đồng đều. Năm 2020, công trình được bàn giao lại cho trung tâm quản lý và vận hành, bảo đảm nguồn nước sạch cung cấp cho người dân.
 
Ông Bùi Thái Nguyên, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Môi trường nông thôn cho hay: "Hiện chúng tôi đang tiếp tục tập trung khắc phục, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước đã được bàn giao, quản lý nhằm phát huy tối đa công suất hoạt động. Cùng với đó, đơn vị tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương thức quản lý, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước để nâng cao hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, trung tâm tiếp tục triển khai các biện pháp chống thất thoát, thất thu nước sạch; nghiên cứu giải pháp và chủ động thực hiện các biện pháp chống hạn, xâm nhập mặn, khi xảy ra mưa lũ; triển khai có kết quả các nội dung, hoạt động theo nguồn vốn được giao…, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững các công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh".
 
Thanh Hoa