Cánh đồng lớn, hiệu quả cao

  • 08:12 | Thứ Bảy, 10/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đẩy mạnh phát triển cánh đồng lớn và thay đổi tích cực từ việc xây dựng mối liên kết sản xuất là những thế mạnh mà huyện Bố Trạch đang tiếp tục duy trì, phát triển. Nhờ đó, đời sống của người nông dân trên địa bàn huyện có được sự thay đổi đáng kể; đặc biệt, điệp khúc “được mùa mất giá” dần dần sẽ được đẩy lùi sau mỗi vụ mùa…
 
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị hàng hóa nông sản trong các vụ mùa những năm qua tại Bố Trạch là nhờ bà con chú trọng tuân thủ lịch thời vụ, giống và phương pháp chăm sóc. Đồng thời, huyện tập trung thực hiện cánh đồng lớn gắn với việc liên kết tiêu thụ sản phẩm.
 
Toàn huyện thực hiện được 3.900ha diện tích cánh đồng lớn. Trong đó, 40ha lúa (liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa hộ dân xã Đại Trạch với Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình); trên 3.800ha sắn (liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa hộ dân trên toàn huyện Công ty CP Fococev Quảng Bình); 16,5ha ngô lấy thân (liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa hộ dân xã Nam Trạch với Công ty TNHH Hòa Phát Quảng Bình).
Dự án “Phát triển liên kết sản xuất ngô làm thức ăn gia súc gắn với tiêu thụ sản phẩm” ở xã Nam Trạch.
Dự án “Phát triển liên kết sản xuất ngô làm thức ăn gia súc gắn với tiêu thụ sản phẩm” ở xã Nam Trạch.
Để triển khai hiệu quả những mô hình sản xuất trên, Bố Trạch đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cho xây dựng cánh đồng lớn, như: hỗ trợ kinh phí mua giống cho vụ sản xuất đầu tiên; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp cung ứng vật tư, chế biến và tiêu thụ sản phẩm…
 
Đồng thời, Bố Trạch đẩy mạnh việc vận động các doanh nghiệp liên kết trong thực hiện mô hình cánh đồng lớn như ứng trước vật tư cho nông dân không tính lãi và thanh toán sau khi thu hoạch.
 
Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết thêm, để xây dựng cánh đồng lớn và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, huyện có chính sách hỗ trợ kinh phí thực hiện rất cụ thể. Như đối với xã Nam Trạch, huyện hỗ trợ trên 400 triệu đồng cho xã triển khai dự án “Phát triển liên kết sản xuất ngô làm thức ăn gia súc gắn với tiêu thụ sản phẩm”; trong đó, chủ yếu hỗ trợ người dân giống, vật tư phân bón để thực hiện dự án.
 
Hiện Nam Trạch liên kết chuỗi sản xuất với Công ty TNHH Hòa Phát Quảng Bình để hợp đồng thu mua thân ngô với giá cả ổn định nên người dân yên tâm, tiếp tục sản xuất.
 
“Thực tế, những năm qua, Nam Trạch là xã có diện tích trồng ngô sinh khối lớn nhất huyện Bố Trạch, tuy nhiên, năm nay, do thời tiết bất lợi, nên diện tích gieo trồng giảm. Hiện, Nam Trạch thực hiện hơn 16,5ha theo mô hình liên kết sản xuất với việc sử dụng giống NK7328, năng suất sinh khối lớn; trung bình từ 45-50 tấn/ha; sau khi trừ chi phí đầu vào, phân bón, 1ha thu lãi khoảng 25-27 triệu đồng/vụ”, Bí thư Đảng ủy xã Nam Trạch Nguyễn Văn Trung cho hay.
 
Cánh đồng lớn có tổng diện tích trên 40ha lúa thuộc xã Đại Trạch chính là kết quả thành công của mối liên kết giữa Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình (Công ty giống cây trồng)-xã Đại Trạch-nông dân trong những năm qua.
Bố Trạch tiếp tục tổ chức xây dựng liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị.
Bố Trạch tiếp tục tổ chức xây dựng liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị.
Trước đây, khi chưa dồn điền đổi thửa, cánh đồng này mạnh ai lấy làm, cấy đủ các loại giống lúa, mỗi thửa ruộng một kiểu chăm sóc nên chất lượng và hiệu quả kinh tế không cao. Khi có chủ trương xây dựng cánh đồng lớn, có người đại diện cho bà con trên địa bàn, chủ động thỏa thuận với Công ty giống cây trồng nên việc tổ chức sản xuất thuận lợi.
 
Chủ tịch UBND xã Đại Trạch Phan Văn Ngọ cho hay: "Để giúp bà con nông dân tạo ra giá trị sản phẩm cao hơn, xã đã liên kết với Công ty giống cây trồng. Theo đó, bắt đầu mỗi vụ sản xuất, công ty cung ứng giống, phân bón…, bà con nông dân gieo cấy các loại giống theo quy trình mà công ty cung cấp. Đến hết vụ, công ty chịu trách nhiệm thu mua toàn bộ số sản phẩm đạt tiêu chuẩn cho bà con theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm công ty đã ký kết.
 
“Toàn xã Đại Trạch hiện có 67 hộ tham gia sản xuất với diện tích 40ha lúa. Trong vụ đông-xuân 2020-2021 vừa qua, năng suất đạt 65 tạ/ha, sản lượng 260 tấn, tăng 5 tạ/ha và tăng gấp 1,2 lần so với sản xuất lúa không tham gia chuỗi liên kết. Được bao tiêu đầu ra sản phẩm với năng suất, sản lượng tăng, giá cả lại ổn định, bà con trên địa bàn xã Đại Trạch phấn khởi tiếp tục bước vào vụ sản xuất mới”, ông Phan Văn Ngọ chia sẻ thêm.
 
Ngoài ngô, lúa, một số địa phương vùng gò đồi của huyện còn trồng sắn, liên kết sản xuất với một số công ty nhằm bao tiêu sản phẩm đầu ra, hiện đang duy trì đạt hiệu quả, như: Hòa Trạch, Nam Trạch, Tây Trạch, Phú Định…
 
Theo Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Ngọc Tuấn, một trong những tồn tại lớn đối với ngành nông nghiệp không chỉ của riêng huyện Bố Trạch là vấn đề đầu ra cho nông sản hàng hóa, tình trạng được mùa mất giá năm nào cũng xảy ra. Do vậy, khi được các đơn vị ký hợp đồng bảo đảm thu mua hết sản phẩm, bà con sẽ rất yên tâm, tập trung vào sản xuất. Trong quá trình sản xuất, nhờ kiểm soát chặt chẽ quy trình chăm sóc, thu hoạch, nên sản phẩm của các địa phương thực hiện liên kết đều được phía các công ty chấp nhận, mối liên kết vì thế ngày càng bền chặt hơn.
 
  H. Trà