Ấn tượng An Mã

  • 08:19 | Chủ Nhật, 18/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo tiếng gọi của Trung ương đoàn, Tỉnh đoàn và Huyện đoàn Lệ Thủy, 20 năm trước, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đã lên vùng An Mã, xã Kim Thủy (Lệ Thủy) xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp (LTNLN). Trải qua bao khó khăn, vất vả, với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, bàn tay và khối óc của mình, đến nay, họ đã biến nơi đây thành mảnh đất ấm no, trù phú.
 
Con đường vào thôn An Mã, xã Kim Thủy (Lệ Thủy) vừa được làm mới còn vương mùi bê tông. Hai bên đường là những lối mòn nhỏ quanh co dưới tán rừng tràm, cao su xanh mướt dẫn vào những căn nhà trị giá bạc tỷ bên hồ An Mã. Theo lời kể của những người đi mở đất, thôn An Mã hình thành  từ LTNLN An Mã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khởi công xây dựng cuối năm 2001. LTNLN có tổng kinh phí đầu tư gần 15 tỷ đồng, nằm trên địa phận hai xã Thái Thủy và Kim Thủy, với 150 hộ gia đình trẻ lên xây dựng các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp kết hợp.
Thôn An Mã nằm dưới những tán rừng trồng xanh mướt
Thôn An Mã nằm dưới những tán rừng trồng xanh mướt
Ngày đó, mỗi hộ dân lên An Mã lập nghiệp được cấp 1ha đất (bao gồm đất ở và đất vườn), tiền di dời nhà cửa và 1 con bò cho 2 hộ. Còn đất sản xuất thì rộng mênh mông, ai có sức bao nhiêu thì khai phá bấy nhiêu. Sau khi được xây dựng, Ban quản lý LTNLN vận động khắp cả huyện Lệ Thủy vẫn chưa được 100 hộ lên ở.
 
Anh Võ Vĩnh Hải, Trưởng thôn An Mã-một trong những thanh niên đầu tiên lên làng nhớ lại: “Nhà tôi ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủy. Năm 2001, tôi vừa lập gia đình rồi đưa vợ lên An Mã để xây dựng LTNLN. Ngày mới lên đây, vùng An Mã toàn là núi rừng hoang vu rậm rạp, điều kiện ăn ở, đi lại, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Đến năm 2007, dự án rút đi, các chính sách hỗ trợ không còn nên nhiều hộ cũng rời làng. Mặc dù trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng những người ở lại vẫn quyết tâm bám làng, mở đất để phát triển kinh tế”.
 
Khi dự án LTNLN giải thể, An Mã trở thành 1 thôn do xã Kim Thủy quản lý. Để bám trụ lại đây, 30 hộ dân là những gia đình trẻ đã trồng cây ngắn ngày, phát triển chăn nuôi làm kế sinh nhai trước mắt. Nhờ “lấy ngắn nuôi dài” nên đời sống của họ dần ổn định và tính kế lâu dài từ việc phát đất trồng keo, cao su, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
 
Qua 5 năm, đất không phụ công người, bên hồ An Mã xuất hiện một làng quê trù phú với những cánh rừng bạt ngàn tiền tỷ, những vườn cao su đã cho khai thác lứa mủ đầu tiên. Cũng từ đó, cuộc sống người dân thôn An Mã dần no ấm, hạnh phúc.
 Anh Võ Vĩnh Hải đang thu hoạch mủ cao su
Anh Võ Vĩnh Hải đang thu hoạch mủ cao su
Anh Hải tâm sự: “Tôi thấy đất đai ở đây rộng, rất giàu tiềm năng để trồng rừng và phát triển chăn nuôi. Chỉ cần sức người, khối óc và lòng quyết tâm sẽ thay đổi mảnh đất này”. Để bám trụ lại An Mã, vợ chồng anh cùng bà con trong thôn ngày đêm đào bới cây bụi và khuân dọn đá để trồng cây. Gần 20 năm trôi qua, anh Hải đã được hưởng những “mùa quả ngọt” từ quyết định đúng đắn của mình.
 
Hiện gia đình anh đang có 10ha rừng trồng, 700 cây cao su đã đến kỳ thu hoạch. Ngoài ra, anh còn chăn nuôi bò, dê, gà thả vườn, trồng sim và cây ăn quả. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu nhập trên 150 triệu đồng. Năm nào bán keo thì được khoảng 400-500 triệu đồng. Hiện anh cũng đang lên kế hoạch xây dựng trang trại nuôi bò, dê và trồng các loại cây ăn quả.
 
Năm 2010, anh Đặng Văn Thành, ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủy lên đây mua 2ha đất để trồng rừng bên cạnh hồ An Mã. Nhận thấy vùng gò đồi này giàu tiềm năng để phát triển kinh tế trang trại, anh quyết định dốc toàn bộ vốn liếng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà. Sau một thời gian, 2 khu chuồng trại chăn nuôi gần 900m2 của anh đã được hình thành bên hồ An Mã với tổng vốn đầu tư 1 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm, anh Thành nuôi 2 lứa gà (giống gà bản địa), mỗi lứa khoảng 8.000 con. Thức ăn cho gà chủ yếu là lúa, ngô và bột.
 
Với hình thức nuôi gà thả vườn, mỗi năm, gia đình anh thu lãi ròng khoảng 200 triệu đồng. Anh Thành tâm sự: “So với trồng lúa ở quê nhà thì nuôi gà lãi hơn nhiều lần. Gà nhà tôi nuôi thả rong trong rừng, thời gian nuôi lâu nên thịt gà chắc, ngon, được thương lái đến tận trang trại thu mua hết!”.
Trang trại chăn nuôi gà thả vườn của anh Đặng Văn Thành cho thu lãi ròng mỗi năm trên 200 triệu đồng
Trang trại chăn nuôi gà thả vườn của anh Đặng Văn Thành cho thu lãi ròng mỗi năm trên 200 triệu đồng
Ông Hồ Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thủy cho biết: “Có thể nói, thôn An Mã giờ có điều kiện kinh tế khá nhất xã nhờ trồng rừng và phát triển chăn nuôi. Có thành quả như hôm nay, người dân đã không quản ngại khó khăn để khai khẩn đất đai, tận dụng nguồn nhân lực trẻ để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất… Để thôn An Mã phát triển hơn nữa, sắp tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, đầu tư xây dựng thêm hệ thống cơ sở vật chất, các công trình dân sinh để hướng đến xây dựng thôn đạt chuẩn nông thôn mới".
 

Thôn An Mã hiện có 132 hộ dân, trên 350 nhân khẩu. Hệ thống điện, đường, trường, trạm trong thôn cũng dần được hoàn thiện. Về phát triển kinh tế, thôn có gần 1.400ha rừng trồng tập trung, trên 100ha cây cao su và hàng chục nghìn con gia súc, gia cầm các loại, duy trì 1 hợp tác xã lâm nghiệp, 2 trang trại chăn nuôi tổng hợp…

Trong thôn đã có trên 20 hộ mua xe ô tô con và xe tải để đi lại, kinh doanh; nhiều gia đình đã có điều kiện xây nhà ở kiên cố, trong đó có những ngôi nhà có giá trị trên 1 tỷ đồng. Cả thôn chỉ còn 5 hộ nghèo và dự kiến cuối năm 2021 sẽ còn 3 hộ. Kinh tế phát triển, các gia đình có điều kiện đầu tư cho con cái học hành, nhiều em đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và thi đỗ vào các trường đại học trên cả nước.

                                                                                                         
 Xuân Vương