Trồng rừng gỗ lớn "lợi ích kép": Vì sao người dân còn e ngại?

  • 14:40 | Thứ Bảy, 26/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trồng rừng gỗ lớn thay thế cho trồng rừng gỗ nhỏ được đánh giá không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, mà còn mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn cho người dân. Thế nhưng, nếu không có những chính sách dài hơi, chủ trương này khó có thể đi vào thực tế, khi hầu hết các hộ trồng rừng đều có tâm lý sợ... bão!
 
Chuyển hóa từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn
 
Với nhiều địa phương miền núi của huyện Tuyên Hóa, nguồn thu nhập từ trồng rừng kinh tế đã mang lại sự đổi thay cho diện mạo làng quê, mang lại ấm no và giàu có cho người dân. Rừng trở thành thước đo cho sự phát triển.
 
Ở đâu người dân có lợi thế về rừng, ở đó cuộc sống và thu nhập của người dân càng cao. Giàu có là cách nói của người dân những địa phương không có rừng, chứ thực tế, không phải hộ dân nào có rừng cũng giàu có.
 
Gia đình anh Lê Viết Cường ở thôn 4, xã Ngư Hóa (huyện Tuyên Hóa) có 10ha keo tràm. Bình quân mỗi ha 5 năm tuổi, gia đình anh thu được 50 triệu đồng. Theo anh Cường, nếu tính toán về hiệu quả kinh tế, mức thu nhập nói trên còn quá thấp. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi ha rừng chỉ mang lại nguồn thu khoảng trên 5 đến 7 triệu đồng/năm. 10ha rừng của gia đình anh chỉ mới đủ sống chứ khó có thể khá lên được.
 
Với kinh nghiệm trồng rừng nhiều năm, anh Cường cho biết, cây keo muốn khai thác hiệu quả phải có độ tuổi từ 6 năm trở lên. Bởi, từ năm thứ 5 trở đi, cây keo mới bước vào chu kỳ sinh trưởng mạnh nhất. Hiệu quả kinh tế cũng từ đó cao hơn nhiều lần. 
Người dân xã Cao Quảng không dám bảo đảm 80ha rừng trồng gỗ lớn được duy trì qua mùa mưa bão.
Người dân xã Cao Quảng không dám bảo đảm 80ha rừng trồng gỗ lớn được duy trì qua mùa mưa bão.
Thế nhưng, vì sợ bão, không ai dám đánh cược nguồn sống của mình với trời. Hễ cây keo được 4 đến 5 năm là phải cắt bán. Phương châm truyền thống là thà thu ít mà “ăn chắc” còn hơn “tay trắng”. Những hộ dân trồng rừng như anh, ai cũng biết khai thác theo kiểu gặt lúa non này, hiệu quả kinh tế không cao, nhưng không thể làm khác được.
 
Nhận thấy điều đó, đầu năm 2021, huyện Tuyên Hóa đã xây dựng đề án “Nâng cao giá trị rừng trồng gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững,  giai đoạn 2021-2025,”. Mục tiêu cơ bản của đề án là bảo vệ tốt vốn rừng tự nhiên hiện có, phát triển mạnh rừng gỗ lớn và gỗ nguyên liệu công nghiệp thay thế gỗ rừng trồng có giá trị thấp nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích và giá trị của sản phẩm.
 
Cụ thể, đến năm 2025, các địa phương có diện tích đất rừng trồng lớn sẽ hình thành và phát triển diện tích rừng trồng gỗ lớn nhằm phục vụ nhu cầu gỗ lớn cho chế biến tinh sâu.
 
Theo thống kê, huyện Tuyên Hóa hiện có gần 12.500ha rừng trồng. Trong số diện tích trồng rừng thâm canh nâng cao giá trị (6.000-7.000ha) sẽ có khoảng 1.500ha trồng rừng gỗ lớn và 100ha được chuyển hóa từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, đưa năng suất rừng gỗ lớn đạt trên 100-150m3/ha/10 năm.
 
Với diện tích đất sản xuất lâm nghiệp lớn, giao thông thuận tiện, lao động sống bằng nghề rừng có sẵn, thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng đa dạng, Tuyên Hóa kỳ vọng chủ trương nói trên sẽ là động lực, nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương.
 
Người dân còn e ngại... vì bão!
 
Lợi ích từ việc trồng rừng gỗ lớn đã được chính quyền các địa phương lẫn người dân nhận thấy và tính toán được bằng các con số cụ thể. Tuy nhiên, tâm lý sợ bão làm gãy đổ thiệt hại khiến cho nhiều người dân trên địa bàn huyện Tuyên Hóa còn e ngại với việc trồng rừng gỗ lớn.
 
Gia đình ông Nguyễn Đức Hạnh ở thôn Quảng Hòa, xã Cao Quảng có 1,3ha đất rừng trồng keo tràm. Năm 2018, gia đình ông được Dự án bảo vệ và phát triển rừng hỗ trợ trồng 0,5ha keo lai nuôi cấy mô để trồng rừng gỗ lớn.
 
Ông Hạnh cho biết, giống keo lai nuôi cấy mô là giống cây có thân dẻo, rễ cọc cắm sâu vào đất nên có khả năng chịu được gió lớn. Sau gần 3 năm trồng và chăm sóc, hiện diện tích keo này sinh trưởng và phát triển rất tốt. Thân cây lớn hơn các giống keo thường. Thế nhưng, người dân trồng rừng ở xã Cao Quảng vẫn chưa thôi ám ảnh những thiệt hại nặng nề của cơn bão năm 2017. “3 năm nay đã không có bão, sợ rằng năm nay hoặc năm sau có bão, diện tích rừng trồng gỗ lớn này cũng đành phải khai thác sớm. Người dân trồng rừng vẫn phải phụ thuộc vào “ý trời”!", ông Hạnh trăn trở.
 
Là một trong những địa phương có diện tích rừng trồng khá lớn của huyện Tuyên Hóa, xã Cao Quảng hiện có hơn 1.200ha. Từ năm 2021 đến năm 2025, huyện Tuyên Hóa đã giao chính quyền địa phương triển khai trồng 160ha rừng gỗ lớn. Theo đó, mỗi năm, xã Cao Quảng phải triển khai trồng hơn 30ha.
 
Chủ tịch UBND xã Cao Quảng Nguyễn Thị Phương cho biết, trong 2 năm 2019 và 2020, được sự hỗ trợ của Dự án bảo vệ và phát triển rừng, xã Cao Quảng đã triển khai trồng hơn 80ha rừng gỗ lớn. Hiện tại, xã đang tiến hành vận động bà con, đặc biệt các hộ sắp tới khai thác rừng để chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn.
 
Đối với các khu vực đủ điều kiện sẽ quy hoạch trồng rừng gỗ lớn để thuận lợi cho công tác quản lý, chăm sóc và khai thác. Tuy nhiên, đối với mục tiêu duy trì và mở rộng diện tích rừng trồng theo lộ trình khai thác rừng gỗ lớn, người dân và chính quyền địa phương chưa thực sự "dám" bảo đảm.
 
Theo kế hoạch từ năm 2021 đến năm 2025, xã Ngư Hóa sẽ triển khai trồng 309ha rừng gỗ lớn trên tổng số 1.400ha rừng trồng, nâng tỷ lệ người dân có đất rừng đủ điều kiện tham gia trồng rừng gỗ lớn đạt trên 30%.
 
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Ngư Hóa Nguyễn Thanh Phong cho biết, kế hoạch đặt ra là vậy, nhưng rất khó để thực hiện. Cơn bão 2017 đã “cướp” đi hàng trăm ha rừng đang đến tuổi khai thác của người dân trên địa bàn xã. Nhiều người không chịu đựng được thiệt hại phải bán đất rừng, "bỏ của chạy lấy người". Cũng từ đó, người dân trồng rừng nơi đây “cảnh giác” hơn với bão. Giờ đây người dân trồng rừng không sợ gì chỉ sợ những rủi ro do bão gây ra.
 
“Xã đã cho các hộ dân đăng ký trồng rừng gỗ lớn, một số hộ đăng ký, nhưng không đủ điều kiện (do có địa hình có độ dốc lớn hơn 150). Có hộ đủ điều kiện nhưng không đăng ký. Vì vậy, trước mắt, chính quyền địa phương chủ yếu tuyên truyền, vận động người dân và làm thí điểm một số mô hình”, Chủ tịch UBND xã Ngư Hóa Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm. 
Khai thác rừng gỗ nhỏ theo kiểu
Khai thác rừng gỗ nhỏ theo kiểu "gặt lúa non" vẫn được người dân lựa chọn.
Liên kết để phát triển rừng bền vững
 
Thiên tai, đặc biệt là bão xảy ra, người dân trồng rừng chắc chắn không thể tránh khỏi thiệt hại. Vấn đề ở đây là người dân trồng rừng đang trông chờ vào cơ chế để “bảo hiểm” cho những cánh rừng gỗ lớn của mình nếu có thiên tai xảy ra.
 
Xây dựng cơ chế liên kết sản xuất theo chuỗi, từ trồng rừng, chế biến cho đến tiêu thụ sản phẩm là xu hướng phát triển rừng trồng hiện nay nhằm nâng cao giá trị, chất lượng, hiệu quả lâm sản hàng hóa, khả năng cạnh tranh. Đồng thời, đây là một trong những giải pháp để chia sẻ lợi ích và cùng có trách nhiệm trong những thiệt hại do thiên thai gây ra với mục tiêu phát triển rừng bền vững.
 
Chủ tịch UBND xã Ngư Hóa Nguyễn Thanh Phong cho hay: “Về lâu dài, để chủ trương trồng rừng gỗ lớn được hiện thực hóa, người dân cũng yên tâm sản xuất, hộ trồng rừng gỗ lớn cần phải liên kết với các doanh nghiệp. Hình thức có thể là người dân góp công, góp đất. Doanh nghiệp cung cấp giống và tiêu thụ sản phẩm. Trong quá trình chăm sóc, nếu có rủi ro do bão gây ra, đơn vị thu mua bảo đảm thu mua theo giá thị trường. Khi rừng gỗ lớn đến thời gian khai thác, người dân cùng doanh nghiệp cùng chia sẻ lợi ích”.
 
Theo Trưởng phòng nông nghiệp và PTNT huyện Tuyên Hóa Đinh Xuân Thương, thời gian tới, cùng với việc hình thành vùng nguyên liệu gỗ công nghiệp và gỗ lớn trên cơ sở chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, chủ trương của huyện là xem các doanh nghiệp làm động lực thúc đẩy quá trình tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị nhằm mở rộng diện tích rừng trồng gỗ lớn; đồng thời, nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng.
 
Theo quy hoạch của UBND tỉnh, Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình làm đầu mối thu mua gỗ lớn phục vụ chế biến tinh sâu trên địa bàn huyện Tuyên Hóa. Đối với sản phẩm gỗ nhỏ chế biến gỗ dăm trên địa bàn Tuyên Hóa cũng đã có 2 doanh nghiệp tiêu thụ.
 
Dương Công Hợp