Sản xuất vụ hè-thu 2021 ở Bố Trạch: Chủ trọng chuyển đổi cây trồng

  • 14:18 | Thứ Năm, 10/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khác với những năm trước, bước vào sản xuất vụ hè-thu 2021, huyện Bố Trạch không đặt nặng vấn đề diện tích lúa mà chú trọng đến hiệu quả, chất lượng. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiên tai luôn rình rập, nếu không thể sản xuất lúa, một số loại cây cây trồng và mô hình phù hợp có thể thay thế.
 
Vừa đạt được những thắng lợi từ vụ đông-xuân 2020-2021, huyện Bố Trạch chủ động mọi điều kiện bước vào sản xuất vụ hè-thu 2021. Qua đánh giá, sản xuất đông-xuân tuy có phần hạn chế, như: một số diện tích đất nông nghiệp bị bồi lấp khá sâu, đất nhão khó khăn trong việc khôi phục, cải tạo để sản xuất, nhưng bù lại, nhiều địa phương trên địa bàn chủ động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, triển khai phương án, kế hoạch sản xuất kịp thời, nên đạt được kết quả cao.
 
Vụ đông-xuân 2020-2021, toàn huyện đã gieo trồng được gần 14.000ha các loại cây hàng năm, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích nhiều loại cây trồng chủ lực vượt kế hoạch đề ra, năng suất tiếp tục được cải thiện, sản lượng tăng cao. Đây cũng được xem là vụ sản xuất được mùa toàn diện, với tổng sản lượng lương thực 36.764 tấn, đạt 86,4% kế hoạch cả năm, tăng 8,4% so với cùng kỳ.
 
Đặc biệt, huyện cũng thực hiện được 3.851,5ha diện tích cánh đồng lớn. Trong đó, lúa 35ha (liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa hộ dân xã Đại Trạch với Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình), sắn 3.800ha (liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa hộ dân trên toàn huyện với Công ty CP Tư vấn đầu tư Long Giang Thịnh và Công ty Fococev Quảng Bình), ngô lấy thân 16,5ha (liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa hộ dân xã Nam Trạch với Công ty TNHH Hòa Phát Quảng Bình).
 
Với động lực đó, vụ hè-thu 2021, huyện Bố Trạch đề ra kế hoạch, mục tiêu sản xuất 2.490ha lúa, 140ha ngô, 180ha lạc; phấn đấu sản lượng lương thực toàn vụ 10.190 tấn.
 
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, để sản xuất vụ hè-thu thắng lợi, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp xây dựng các giải pháp tối ưu, trong đó, không đặt nặng vấn đề diện tích sản xuất lúa mà có phương án chuyển đổi cây trồng phù hợp nhằm tăng hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích. Huyện đã chuẩn bị các điều kiện để triển khai sản xuất đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống, làm đất gieo cấy lúa kịp thời, bảo đảm thu hoạch trước ngày 30-8 nhằm hạn chế rủi ro do lũ lụt cuối vụ. 
Các đồng ruộng trên địa bàn huyện Bố Trạch cơ bản đã được làm đất, cày ải, bước vào sản xuất hè-thu.
Các đồng ruộng trên địa bàn huyện Bố Trạch cơ bản đã được làm đất, cày ải, bước vào sản xuất hè-thu.
Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các địa phương, đơn vị làm tốt công tác dự tính, dự báo, triển khai phòng chống có hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại do chuột và các loại sâu bệnh gây ra; đồng thời, thực hiện các phương án phòng chống hạn, xâm nhập mặn, thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước tưới nhằm phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp, dân sinh. Đặc biệt, Bố Trạch đẩy mạnh chỉ đạo, tuyên truyền việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng gò đồi và đất lúa kém hiệu quả, trong đó, tập trung chuyển đổi mạnh sang trồng cây thức ăn gia súc có liên kết tiêu thụ với các công ty chăn nuôi.
 
Một số địa phương có truyền thống gắn bó với cây lúa nước từ lâu đời và cũng thuận lợi trong việc chủ động nước tưới trong vụ hè-thu là Vạn Trạch, Bắc Trạch, Tây Trạch.  “Là địa phương có diện tích gieo trồng lúa lớn nhất huyện Bố Trạch, vụ hè-thu này, toàn xã Vạn Trạch sản xuất 319ha lúa, tương đương các năm trước. Vạn Trạch cũng chuyển đổi 29ha đất trồng lúa thiếu nước, kém hiệu quả sang trồng dưa hấu và thực hiện mô hình lúa-cá cho hiệu quả kinh tế cao.
 
Nhờ được mùa vụ đông-xuân với năng suất lúa đạt cao nên bà con nông dân trên địa bàn phấn khởi, chủ động bước vào vụ mới với tinh thần lạc quan”, ông Nguyễn Hải Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Trạch cho hay.
 
Các địa phương thiếu nước sản xuất đã chủ động chuyển đổi diện tích đất lúa sang canh tác các loại cây trồng khác nhằm nâng cao hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích, như: Hưng Trạch, Tây Trạch, Hòa Trạch, thị trấn Phong Nha. Các loại giống cây trồng được các địa phương lựa chọn sản xuất, như: đậu đỗ các loại, hạt sen, dưa hấu...
 
Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch Lê Ngọc Sơn trao đổi, với địa bàn gò đồi, cộng với thời tiết khô hạn, thiếu nước tưới, nên việc sản xuất lúa nước rất hạn chế. Toàn xã phấn đấu gieo trồng khoảng 100ha lúa với các loại giống ngắn ngày, như: VN20, Xuân Mai, HN6...; đối với số diện tích còn lại, bà con chuyển đổi sang trồng đậu xanh trái vụ (15ha), dưa hấu (1ha). Xã đã triển khai hỗ trợ giống lúa LH31 về các thôn tiến hành làm điểm trên các đồng ruộng; đồng thời, tiến hành ra quân diệt chuột, làm đất chuẩn bị gieo giống.
 
Đến thời điểm này, các xã trên địa bàn Bố Trạch đã thực hiện các công đoạn bảo đảm để tiến hành vào vụ mới. Trên các cánh đồng, dù thời tiết nắng nóng, nông dân các địa phương đã đồng loạt ra quân nạo vét kênh mương, làm đất, bơm nước về ruộng, xuống giống lúa và các loại cây trồng với tinh thần khẩn trương, tích cực.
 
Hương Trà