Nuôi hàu trên dòng Nhật Lệ

  • 12:00 | Chủ Nhật, 06/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đoạn sông Nhật Lệ chảy qua thị trấn Quán Hàu, xã Lương Ninh và Võ Ninh (Quảng Ninh) có chiều dài khoảng 3km, được ví như một mỏ hàu khổng lồ trời cho. Hàu có ở nhiều nơi, nhưng có lẽ không đâu ngon bằng con hàu sống ở đoạn sông Nhật Lệ này. Thế nhưng, thứ đặc sản quý này đang ngày càng bị cạn kiệt bởi khai thác quá mức, cho đến khi một số hộ nông dân nơi đây nghĩ ra cách nuôi chúng…
 
“Đặc sản” đang cạn kiệt
 
Nhiều du khách đến Quảng Bình, khi được thưởng thức món cháo hàu đều có chung một nhận xét: “Không có hàu ở nơi nào có vị ngon đặc trưng như con hàu ở sông Nhật Lệ”.
 
Theo lý giải của các nhà địa chất, hàu sống thường bám vào các bãi đá giàn hoặc đá cuội rời ra. Trong khi đó, đáy sông Nhật Lệ đoạn chảy qua thị trấn Quán Hàu có một vùng địa chất rộng lớn chủ yếu là đá giàn tổ ong, cuội latirit… vững chãi.
 
Chưa hết, nơi đây là nơi giao thoa của 2 dòng nước ngọt mặn, tạo ra ngồn phù du phong phú. Nhờ những yếu tố đặc biệt về địa lý, địa chất tự nhiên và nguồn thức ăn dồi dào mà hàng trăm năm qua, con hàu ở đây cứ thế mà sinh sôi nảy nở và có vị ngon đặc biệt không nơi nào sánh được.
 
Theo những người “sành ăn”, hàu chế biến được rất nhiều món ăn, mà món nào cũng ngon, cũng bổ dưỡng. Khi khai thác về, người ta cạy vỏ ra, lấy thân hàu cùng một ít nước sau khi được chắt lọc sạch, phi hành mỡ xào hàu với cây chua me, cà chua… ăn chung với bánh tráng.
 
Phổ biến nhất vẫn là món cháo hàu mà nhiều thực khách sau khi đến đây được thưởng thức đều muốn quay trở lại. Khi nấu cháo chỉ cần ướp hàu với gia vị trước, tốt nhất dùng ít nước xương ninh cháo, rồi đổ hàu vào, hoặc xào hàu chín tới rồi cho vào. Hàu xào còn có thể làm bún hàu, phở hàu… 
Người dân thị trấn Quán Hàu cạy hàu để bán cho các nhà hàng, quán ăn đặc sản.
Người dân thị trấn Quán Hàu cạy hàu để bán cho các nhà hàng, quán ăn đặc sản.
Ngoài ra, còn có rất nhiều cách ăn hàu thú vị khác, như: dùng than củi nướng đến khi chín, miệng hàu mở ra thì cho muối tiêu vào rồi lấy thìa múc ăn. Còn có một cách thưởng thức đặc biệt hơn nữa là cạy hàu mới khai thác về đang tươi nguyên, cho muối tiêu, chanh, bồ tạt, rau thơm vào ăn ngay…
 
Không chỉ nổi tiếng ở Quảng Bình, năm 2005, lần đầu tiên món cháo hàu dù được chế biến rất đơn sơ, đã vượt qua nhiều của ngon, vật lạ trong cả nước đạt huy chương vàng tại Hội chợ ẩm thực do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.
 
Tiếp đến,  năm 2010, tại lễ hội kỷ niệm 310 năm ngày mất của Lễ Thành Hầu Thượng Đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, con hàu đánh bắt ở sông Nhật Lệ đã vượt hơn nghìn cây số dự “Lễ hội ẩm thực Quảng Bình giữa lòng phương Nam” và đã được du khách trong và ngoài nước biết đến… Cứ thế, con hàu được đánh bắt ở sông Nhật Lệ đã trở thành một thương hiệu trứ danh và ngày một vang xa.
 
Vậy nhưng, cũng vì con hàu ở sông Nhật Lệ ngon nổi tiếng mà ngày càng trở nên khan hiếm. Ngày trước, vào mỗi vụ hàu (mùa xuân), người dân làm nghề khai thác hàu ở thị trấn Quán Hàu, xã Võ Ninh… (Quảng Ninh) chỉ cần dùng một chiếc cào sắt cán dài rồi dùng sức máy thuyền để cào. Với cách này, mỗi ngày người làm nghề cào hàu trên sông Nhật Lệ cũng kiếm được tiền triệu. Nhưng cũng với cách khai thác này, hàu to hàu nhỏ đều bị cào lên hết. Dần dà với tốc độ khai thác nhiều và cách khai thác tận diệt như thế, nguồn hàu trên sông Nhật Lệ ngày càng khan hiếm, nghề cào máy không thể tồn tại được. Bây giờ, để bắt được con hàu, những người khai thác hàu đều phải chuyển sang nghề lặn…
 
Nuôi hàu thương phẩm
 
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Toán và chị Trần Thị Hiệp ở tổ dân phố Bình Minh, thị trấn Quán Hàu (Quảng Ninh) được biết đến như một trong những người đầu tiên đưa con hàu vào nuôi thương phẩm trên sông Nhật Lệ.
 
Theo anh Toán, ý tưởng nuôi hàu thương phẩm được anh nhen nhóm từ khá lâu, khi anh (vốn là một người có thâm niên làm nghề khai thác hàu) nhìn thấy con hàu tự nhiên trên sông Nhật Lệ ngày càng cạn kiệt, do bị khai thác quá mức. Đặc biệt, năm 2015, trong một chuyến về thăm quê vợ ở huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), nhận thấy người dân ở huyện đảo này nuôi hàu rất thành công, anh Toán càng quyết tâm biến ý tưởng này thành hiện thực.
 
Sau nhiều lần “ra vào” Vân Đồn để học cách nuôi hàu, năm 2020, vợ chồng anh Toán, chị Hiệp đã thả nuôi thử nghiệm lứa hàu đầu tiên trên sông Nhật Lệ với khoảng 350 dây hàu giống. Theo tính toán của anh Toán, trung bình mỗi dây hàu anh nuôi thử nghiệm ở trên sông Nhật Lệ đạt khoảng 10kg hàu vỏ và 2kg hàu thịt, đạt năng suất so với con hàu nuôi ở Vân Đồn.
 
Từ thành công của mô hình thử nghiệm, vợ chồng anh Toán đã lập dự án, thuê diện tích mặt nước trên sông Nhật Lệ (đoạn qua thị trấn Quán Hàu) để nuôi hàu thương phẩm với quy mô lớn. Hiện tại, vợ chồng anh Hiệp đã đầu tư hệ thống lồng bè trên rộng 500m2, đang thả nuôi hơn 6.000 dây hàu giống. Đến thời điểm này, 6.000 dây hàu của vợ chồng anh Toán đang phát triển tốt… 
Con hàu nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Toán phát triển tốt, dự kiến cho năng suất cao.
Con hàu nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Toán phát triển tốt, dự kiến cho năng suất cao.
Theo anh Toán, con hàu rất dễ nuôi, sống chủ yếu nhờ nguồn tảo có sẵn trong nước nên không phải tốn chi phí thức ăn. Nguồn tiêu thụ cũng ổn định, chủ yếu bán cho các nhà hàng, quán ăn đặc sản… Điều kiện tự nhiên, mực nước thủy triều lên xuống ở đoạn sông Nhật Lệ này cũng rất lý tưởng nên con hàu phát triển, tăng trưởng nhanh. Nếu gặp thời tiết tốt, mỗi năm có thể nuôi được 2 vụ hàu (mỗi vụ có thời gian nuôi khoảng 5 đến 6 tháng).  Đặc biệt, con hàu nuôi ở trên sông Nhật Lệ cũng được đánh giá có độ ngon không hề thua kém con hàu được đánh bắt tự nhiên ở đây.
 
“Bè nuôi hàu đầu tư một lần có thể nuôi được hơn 3 năm, vì thế từ năm thứ 2, người nuôi chỉ mất tiền mua giống, không cần làm bè nữa. Nuôi hàu vừa tốn ít chi phí, ít công chăm sóc vì hàu sử dụng thức ăn tự nhiên có sẵn trong nguồn nước, chỉ thỉnh thoảng kiểm tra và vệ sinh rong rêu bám vào bè và dây giống. Vì vậy, trong khi nuôi hàu, tôi cũng có thể làm thêm được nhiều công việc khác nữa (2 vợ chồng anh Toán chạy xe tải chở hàng) để có thêm thu nhập. Với 6.000 dây hàu của gia đình, ở vụ nuôi này, sau khi trừ chi phí có thể thu lãi gần 60 triệu đồng và số lãi chắc chắn sẽ tăng lên ở các vụ nuôi sau”, anh Toán chia sẻ.  
 
Ông Phùng Văn Nhiên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Quán Hàu cho biết, với việc khai thác quá mức, nguồn hàu tự nhiên ở trên sông Nhật Lệ đang ngày càng cạn kiệt và không thể đáp ứng được nhu cầu thị trường. Chính vì vậy, những năm qua, huyện Quảng Ninh và thị trấn Quán Hàu đã có chính sách hỗ trợ và khuyến khích các hộ dân có năng lực và kinh nghiệm trên địa bàn đầu tư nuôi hàu thương phẩm. Đến thời điểm này, trên địa bàn thị trấn Quán Hàu có 2 hộ gia đình là anh Nguyễn Văn Toán và ông Nguyễn Văn Tòng, cùng Hợp tác xã Minh Thành Phú đang thuê mặt nước đầu tư nuôi hàu thương phẩm.
 
Hy vọng rằng, cùng với hàu đánh bắt tự nhiên (mỗi năm khoảng 25 đến 30 tấn hàu thịt), sản lượng hàu nuôi ở thị trấn Quán Hàu sẽ ngày càng đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần đưa thương hiệu hàu Quán Hàu ngày càng vươn xa…
 
“Theo rà soát, tổng diện tích mặt nước trên sông Nhật Lệ đủ điều kiện để khoanh nuôi hàu lên đến 50ha. Tuy nhiên, để nghề nuôi hàu thương phẩm trên sông Nhật Lệ phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, UBND thị trấn Quán Hàu đã khuyến cáo và hướng dẫn người nuôi cần tuân thủ các hướng dẫn về quy hoạch, kỹ thuật nuôi… của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.  Bà con cần phải nuôi đúng phần diện tích mặt nước cho phép nuôi, tránh lấn chiếm lòng sông, gây cản trở cho việc lưu thông tàu thuyền cũng như phát triển nóng, làm mất cân bằng môi trường sinh thái…”, ông Phùng Văn Nhiên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Quán Hàu cho biết.
 
Phan Phương