Khi nông dân chủ động luống cày

  • 08:16 | Chủ Nhật, 06/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nếu như trước đây những vùng đất gò đồi rộng lớn của huyện Bố Trạch chỉ có cây cao su, hồ tiêu, sắn hoặc trơ trọi giữa nắng khô khốc, thì nay cơ bản đã thắm xanh trù phú với đa dạng các loại cây trồng. Nông dân nơi đây đã chủ động trên từng luống cày, ấm no trên từng tấc đất khó...
 
Thay đổi tư duy sản xuất
 
Bố Trạch là địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhất cả tỉnh với trên 210 nghìn ha, trong đó vùng gò đồi chiếm 1/3 diện tích tự nhiên. Đất đai vùng gò đồi rộng lớn có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhưng trước đây, do tư tưởng hạn chế, không dám thử thách, bằng lòng với việc sản xuất tự cung tự cấp nên đời sống người dân nơi đây khó vẫn hoàn khó, cái nghèo đeo bám mãi. Thêm vào đó, các cấp chính quyền địa phương chưa mạnh dạn trong định hướng, hình thành ý thức sản xuất hàng hóa cho người dân.
 
Do đó, việc khai thác, phát triển kinh tế vùng gò đồi mới chỉ dừng lại ở các vườn hộ gia đình và một số diện tích đất khoán, chưa có sự đầu tư mở rộng diện tích để phát triển mô hình mới... Đó cũng là nguyên nhân làm cho đất đai vùng gò đồi bị xói mòn, ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường...
 
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, để khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng gò đồi rộng lớn, thời gian qua, Bố Trạch đã ban hành nhiều chương trình, đề án trọng điểm, như: các chương trình phát triển cây cao su tiểu điền, phát triển kinh tế trang trại, đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng con nuôi thủy sản giai đoạn 2016-2020…, tạo động lực lớn cho người dân tham gia phát triển kinh tế vùng gò đồi.

Ngoài chuyển đổi cây trồng, người dân vùng gò đồi Bố Trạch còn mở rộng chăn nuôi quy mô lớn.
Ngoài chuyển đổi cây trồng, người dân vùng gò đồi Bố Trạch còn mở rộng chăn nuôi quy mô lớn.

Đặc biệt, với việc giao quyền sử dụng đất lâu dài cho các tổ chức kinh tế tập thể và nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, khơi dậy tiềm năng, năng lực sản xuất và sự chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng của các thành phần kinh tế trên gò đồi rộng lớn của huyện.

Đến nay, toàn huyện đã có 480 trang trại đạt cả hai tiêu chí về quy mô sản xuất và giá trị hàng hóa, nhiều cây trồng chủ lực đã được mở rộng diện tích, như: cao su, sắn, tiêu và trên 11.000ha keo... Các mô hình mới phát triển theo chuỗi giá trị bước đầu đã hình thành, như: nấm sạch Tuấn Linh, rau sạch An Nông, tinh dầu lạc Nguồn Son, Phong Nha, tiêu Phú Quý; các chương trình “Sind hóa đàn bò”, “nạc hóa đàn lợn”.
 
Tại các địa phương vùng gò đồi hiện có 8 doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị liên kết với Công ty CP Việt Nam hoạt động ổn định và có hiệu quả, quy mô chăn nuôi từ 1.000-2.000 con lợn thịt/lứa. Bên cạnh đó, nhiều loại vật nuôi mới có hiệu quả cao phù hợp với điều kiện vùng gò đồi cũng được người dân đưa vào chăn nuôi, như: các mô hình nuôi ong lấy mật ở xã Tây Trạch, nuôi dê ở xã Xuân Trạch, nuôi chim trĩ ở xã Lý Trạch...
 
Kinh tế vùng gò đồi phát triển, đời sống của một bộ phận lớn dân cư vốn trước đây nghèo khó kéo dài nay đã có thu nhập khá, diện mạo nông thôn có sự đổi mới. Qua đó, góp phần đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn của huyện Bố Trạch có nhiều khởi sắc với 15/25 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt 48,1 triệu đồng/năm.
 
Xanh thắm những gò đồi
 
Tại vùng gò đồi xã Nam Trạch, nếu như trước đây, bà con chỉ trồng được cây sắn, hoặc phải bỏ hoang vì đất cằn, xấu thì nay đã được phủ lên xanh thắm của cây sả, tràm...
 
Chị Trần Thị Như Oanh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất tinh dầu Như Oanh-chủ nhân của hàng chục ha cây dược liệu chế biến tinh dầu các loại tại thôn Đông Thành, cho biết, sống trên vùng đất nghèo, cằn cỗi, sau bao trăn trở và dày công tìm hiểu thị trường, chị đã mạnh dạn thử nghiệm và đầu tư công sức, tiền của vào trồng cây sả, cây tràm… để chế biến các loại tinh dầu.
 
Ban đầu, chị Oanh đầu tư công, giống, máy móc thiết bị gần 2 tỷ đồng và bước vào sản xuất từ năm 2018 với diện tích trồng 16ha cây sả. Sau 1 năm, phù hợp chất đất, cây sả lên xanh tốt, thu hoạch 1 năm 7 lứa với sản lượng 130 tấn/lứa; đưa vào chế biến tinh dầu vào năm 2019 đến nay, cứ một lứa thu hoạch, HTX sản xuất tinh dầu Như Oanh đã chế biến được trên 1.800 lít dầu sả...
 
“Nhờ đó, HTX giải quyết việc làm cho 13 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ với mức lương 6-8 triệu đồng/tháng/lao động. Hiện, HTX đã liên kết mở rộng diện tích thêm 20ha trồng sả và 5ha tràm các loại. Với điều kiện thuận lợi, HTX sẽ tiếp tục liên kết để sản xuất tinh dầu sả, tràm theo chuỗi và bao tiêu sản phẩm với bà con nông dân trên địa bàn và các vùng lân cận...”, Giám đốc HTX sản xuất tinh dầu Như Oanh chia sẻ thêm.
Vườn sả xanh tốt của HTX sản xuất tinh dầu Như Oanh, tại thôn Đông Thành, xã Nam Trạch.
Vườn sả xanh tốt của HTX sản xuất tinh dầu Như Oanh, tại thôn Đông Thành, xã Nam Trạch.

 

Phó Chủ tịch UBND xã Lý Trạch Nguyễn Quang Tiến tự tin khi nhắc đến các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn. Lý Trạch là một trong những xã có diện tích đất đồi khá nhiều, những năm qua, bà con đã tích cực chuyển đổi cây trồng phù hợp với mùa vụ, nhất là khi cây lúa không đủ nước để canh tác. Nhờ đó, thu nhập và đời sống của người dân khá ổn định. Các mô hình trồng cây ăn quả hay cây dược liệu được các hộ dân mạnh dạn thử nghiệm cho kết quả khả quan.

Anh Nguyễn Ngọc Cương, Giám đốc HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tâm An là người gây dựng thương hiệu ổi sạch Tâm An tại thôn 7, xã Lý Trạch. Len giữa vườn ổi xanh mát, lộng gió giữa vùng đồi, anh Cương cho biết: “Ổi Tâm An được trồng, chăm sóc bằng công nghệ sinh học, sử dụng các loại thảo mộc để đối kháng sâu bệnh, nên sản lượng không cao nhưng chất lượng bảo đảm an toàn…”.
 
Hiện nay, ổi của HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tâm An chín đến đâu đều được thương lái thu mua hết đến đó. Với diện tích 1,5ha đất đồi, anh Cương trồng ổi giống ruột hồng AT36 nhập từ tỉnh Bình Dương và nhân rộng thêm 0,7ha, sản lượng đạt từ 15-17 tấn ổi chín/năm. Để giải quyết việc làm cho 3 lao động thường xuyên và 3 lao động thời vụ với mức lương từ 5-7,5 triệu đồng/người/tháng, gia đình anh Cương còn trồng xen na Thái và một số cây khác, nuôi thêm gà thả vườn...
 
Thực tiễn cho thấy, trên các vùng đất cằn cỗi, nghèo khó, khi người nông dân mạnh dạn, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cùng với sự định hướng, hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền các cấp để xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng là điều hoàn toàn có thể thực hiện được.
 
“Để nông dân chủ động trên từng luống cày của mình, huyện Bố Trạch tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng đất đai, tạo cơ hội cho nhiều thành phần tham gia phát triển kinh tế gò đồi; đồng thời, duy trì kết quả  giao đất, giao rừng, để người sản xuất yên tâm, mạnh dạn đầu tư phát triển. Huyện cũng rà soát sắp xếp lại diện tích đã giao khai thác không hiệu quả cho tổ chức, cá nhân có điều kiện tham gia phát triển nông, lâm nghiệp. Bố Trạch cũng sẽ có các biện pháp khuyến khích hộ gia đình, doanh nghiệp liên doanh, liên kết tích tụ đất đai, huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế gò đồi với quy mô lớn, theo hướng liên kết, sản xuất hàng hóa, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao mức sống lao động địa phương...”, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Ngọc Tuấn trao đổi thêm.   
 
                                                                                        Hương Trà