Doanh nghiệp bị phạt đến 15 triệu đồng nếu không kê khai giao dịch liên kết

  • 08:15 | Thứ Tư, 09/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, ngày 5-11-2020 của Chính phủ quy định các doanh nghiệp (DN) có quan hệ liên kết (QHLK), giao dịch liên kết (GDLK) thì phải kê khai kèm theo hồ sơ quyết toán thuế năm 2020 với cơ quan Thuế.
 
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, một số DN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa nghiêm túc thực hiện quy định này. Phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Đoàn Vĩ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh về thực trạng này.
 
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết những điểm mới cơ bản của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ?
 
Ông Đoàn Vĩ Tuyến: Nghị định số 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về QHLK, GDLK trong hoạt động sản xuất kinh doanh phải chịu chế tài quản lý thuế. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20-12-2020 và áp dụng từ kỳ quyết toán thuế thu nhập DN năm 2020. Theo đó, các DN có QHLK, GDLK phải kê khai kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập DN năm 2020 với cơ quan Thuế. Nếu DN không kê khai sẽ bị xử phạt từ 8 đến 15 triệu đồng về hành vi không kê khai các phụ lục liên quan đến GDLK theo quy định về quản lý thuế đối với các DN có GDLK.
 
Kỳ quyết toán thuế thu nhập DN đã kết thúc vào cuối tháng 3-2021, tuy nhiên, nhiều DN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa nghiêm túc thực hiện quy định mới tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
 
PV: Ông có thể cho biết lý do vì sao?
 
Ông Đoàn Vĩ Tuyến: Nguyên nhân chính là DN chưa xác định được mình có QHLK hay không để kê khai. Cùng với công tác tuyên truyền, chúng tôi cũng đã thực hiện một số cuộc khảo sát không chính thức, kết quả cho thấy phần lớn DN cho rằng mình là DN nhỏ và vừa, hoạt động kinh doanh chỉ giới hạn trong lãnh thổ Việt Nam, không liên quan đến các DN ngoài nước nên không có QHLK và GDLK. Một số DN khác chưa biết đến quy định mới về kê khai GDLK. Thậm chí không ít DN biết mình có QHLK, GDLK nhưng rất lúng túng về phương pháp kê khai.
 
PV: Vậy DN phải hiểu như thế nào là QHLK, GDLK, thưa ông?
 
Ông Đoàn Vĩ Tuyến: Theo quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan thì QHLK được hiểu là khi các bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn vào DN; các bên cùng chịu sự điều hành, kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp bởi một tổ chức hoặc cá nhân; các bên cùng có một tổ chức hoặc cá nhân tham gia góp vốn; các DN được điều hành, kiểm soát bởi các cá nhân có mối quan hệ mật thiết trong cùng một gia đình... Còn GDLK là giao dịch giữa các bên có QHLK. Nghĩa là các bên có mối QHLK kể trên nếu phát sinh các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cung cấp dịch vụ, vay, mượn, góp vốn, thuê, cho thuê… thì được xem là GDLK.
 
Cần phải nói thêm rằng DN khi phát sinh GDLK thì có thể được miễn kê khai giá GDLK ở một số mục trong các phụ lục kèm theo Nghị định số 132/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, khi đã xác định có GDLK thì DN sẽ bị khống chế một số chi phí khi tính thuế thu nhập DN, trong đó có cả lãi vay. Nếu DN không kê khai, ngoài việc bị xử phạt về thủ tục, có thể sẽ bị phạt về hành vi trốn thuế theo quy định của pháp luật. 
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có QHLK, GDLK nhưng chưa kê khai.
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có QHLK, GDLK nhưng chưa kê khai.
PV: Để tránh vi phạm về việc không kê khai QHLK, GDLK, DN cần làm gì, thưa ông?
 
Ông Đoàn Vĩ Tuyến: DN cần nhận biết một số QHLK, GDLK phổ biến hiện nay, gồm: QHLK giữa DN và ngân hàng khi phát sinh giao dịch vay ngân hàng. Nghĩa là khi một DN bảo lãnh hoặc cho một DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu DN đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của DN đi vay thì gọi là QHLK. Ở đây, cần lưu ý là nếu ngân hàng đi vay một tổ chức khác thì không coi là QHLK; nhưng nếu DN, tổ chức vay ngân hàng thì được xem là QHLK.
 
Ngoài ra, DN cũng cần nhận biết một số QHLK cụ thể, như: hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.
 
Một biểu hiện của GDLK khá phổ biến nữa là DN vay, mượn tiền riêng của giám đốc, người điều hành trong một kỳ tính thuế. Trong điều kiện thực tế của các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh ta thì các QHLK, GDLK như trên có thể phát sinh bất cứ lúc nào. Vì thế, DN cần lưu ý để kê khai trong kỳ quyết toán thuế năm 2020. Những trường hợp đã nộp hồ sơ quyết toán thuế nhưng chưa kê khai QHLK, GDLK thì có thể khai bổ sung theo quy định của Luật Quản lý thuế.
 
PV: Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi!
 
Tùy Phong (thực hiện)