Phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi: Cần tích cực và quyết liệt hơn nữa

  • 08:11 | Thứ Hai, 17/05/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp. Dịch viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò và dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang bùng phát diện rộng tại nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh.
 
Dịch bệnh bùng phát trên diện rộng
 
Tính đến ngày 5-5-2021, bệnh VDNC đã xảy ra tại 1.383 hộ tại 19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tuyên Hóa làm 1.974 con trâu, bò mắc bệnh; trong đó đã tiêu hủy 213 con, 667 con đã lành triệu chứng và 1.102 con đang được điều trị.
 
Ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Tuyên Hóa cho biết, dịch bệnh VDNC trên trâu, bò là bệnh truyền nhiễm mới, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị, sức đề kháng của vi rút gây bệnh cao và có đường truyền lây đa dạng, do đó, hiện dịch bệnh vẫn còn phát sinh trên địa bàn. Một số hộ chăn nuôi ý thức phòng, chống dịch bệnh (PCDB) còn thấp. Lực lượng cán bộ thú y cấp xã, thị trấn mỏng và lớn tuổi nên việc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn PCDB gặp nhiều hạn chế. Vắc xin VDNC sau khi tiêm từ 28-35 ngày mới đáp ứng miễn dịch nên sau khi tiêm phòng vẫn có hiện tượng trâu, bò phát bệnh.
 
Ngoài ra, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều địa phương chưa đủ thời gian công bố hết DTLCP vì bị tái phát lại. Tính đến ngày 28-4-2021, DTLCP đã xảy ra tại 13 hộ/10 thôn/5 xã (Đồng Hóa, Cao Quảng, Lê Hóa, Văn Hóa, Mai Hóa) làm 114 con lợn chết, tiêu hủy với tổng trọng lượng 7.452kg. Hiện tại, xã Cao Quảng đã công bố hết DTLCP còn 4 xã còn lại vẫn chưa qua 21 ngày.
 
Huyện Quảng Trạch là một trong những địa phương có số lượng trâu, bò bị bệnh VDNC nhiều nhất trong toàn tỉnh. Ông Tưởng Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch cho biết, tính đến ngày 6-5-2021, trên địa bàn huyện Quảng Trạch có 2.683 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có 211 con chết buộc phải tiêu hủy với trọng lượng 23.899kg. Toàn huyện có 5 xã vẫn còn DTLCP (Phù Hóa, Quảng Phương, Quảng Châu, Quảng Xuân, Quảng Tiến) với số lượng lợn đã tiêu hủy là 296 con.
 
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh VDNC, huyện Quảng Trạch đã được tỉnh cấp 11.000 liều vắc xin để tiêm cho đàn trâu, bò. Đến nay, huyện cơ bản đã hoàn thành việc tiêm vắc xin.
 
Theo báo cáo từ Chi cục Chăn Nuôi và Thú y, tính đến ngày 6-5-2021, DTLCP đã xảy ra tại 27 xã, phường/6 huyện, thị xã, thành phố làm 1.260 con lợn chết bị tiêu hủy với trọng lượng 77.293kg. Trong đó có 10 xã/phường đã qua 21 ngày và 17 xã/phường chưa qua 21 ngày. Bệnh VDNC xảy ra tại 122 xã/phường trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố làm 8.086 con trâu, bò mắc bệnh; trong đó có 693 con trâu, bò bị chết.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y phun tiêu độc khử trùng chuồng trại phòng, chống DTLCP trên địa bàn huyện Quảng Trạch.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y phun tiêu độc khử trùng chuồng trại phòng, chống DTLCP trên địa bàn huyện Quảng Trạch.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
 
Để PCDB cho đàn vật nuôi, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch đã tham mưu UBND huyện mua mới 3 máy phun tiêu độc khử trùng, 1.000 lít hóa chất, vôi bột, trang thiết bị lấy mẫu…; tham mưu Ban Chỉ đạo PCDB huyện cấp cho các xã từ 10-30 triệu đồng hỗ trợ công tác PCDB; tích cực tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; thành lập đội phản ứng nhanh PCDB trên địa bàn.
 
Bên cạnh đó, trung tâm cũng phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc vào địa bàn để ngăn chặn các loại bệnh dịch xuất hiện, bùng phát và lây lan trên diện rộng; đồng thời, khuyến cáo người dân ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn chế biến từ gia súc, gia cầm bị bệnh, không rõ nguồn gốc.
 
Tại huyện Tuyên Hóa, công tác PCDB cho đàn vật nuôi đang được triển khai tích cực với các giải pháp, như: tiêm phòng vắc xin, phun tiêu độc khử trùng môi trường, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật…, nên tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại địa bàn huyện cơ bản đã ổn định.
 
Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện các biện pháp PCDB, đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, thực hiện tốt tháng tiêu độc khử trùng. Sau khi hoàn thành tiêm vắc xin VDNC trên trâu, bò, huyện sẽ tiếp tục tiêm vắc xin phòng chống các bệnh khác, như: tụ huyết trùng, lở mồm long móng...
 
Để chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt biện pháp PCDB cho đàn vật nuôi, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp PCDB theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.
 
Các địa phương phải kiên quyết xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch kéo dài, lây lan; rà soát, tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi, bảo đảm tối thiểu 80% tổng đàn thuộc diện tiêm; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học; chú trọng việc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh theo quy định.
 
Các địa phương cần xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không khai báo làm dịch bệnh lây lan, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng; tăng cường tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh động vật và các biện pháp PCDB.
 
Tính đến ngày 4-5-2021, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phân bổ 80.300 liều vắc xin phòng bệnh VNDC cho các địa phương. Đến thời điểm hiện tại, các địa phương cơ bản đã hoàn thành việc tiêm vắc xin.
 
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, hiện nay, ngoài bệnh VDNC trên trâu, bò và DTLCP đang bùng phát thì nguy cơ phát sinh bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng trên gia súc là rất cao do gia súc đang bị bệnh làm sức đề kháng giảm, mầm bệnh đang tiềm ẩn trong môi trường, nhất là các ổ dịch cũ. Thời điểm này, thời tiết đang giao mùa cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển.
 
Để công tác PCDB có hiệu quả, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn PCDB của Sở Nông nghiệp-PTNT…Các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng thấp tiếp tục chỉ đạo quyết liệt tiêm phòng khẩn cấp vắc xin VDNC cho đàn trâu, bò.
                                                                                                                                                               Lan Chi