Làm gì để kinh tế tập thể bắt nhịp thị trường?

  • 12:52 | Chủ Nhật, 02/05/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Mặc dù Đảng và Nhà nước đã tạo nhiều cơ chế, chính sách đầy đủ và toàn diện cho khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã nhưng khu vực này vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.
 
Do vậy, để tạo sức bật mới cho kinh tế tập thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 340/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030. Tuy nhiên, để chính sách đi vào thực tiễn, nhiều ý kiến cho rằng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phải có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về tư duy lẫn công nghệ sản xuất để bắt nhịp thị trường và phát triển bền vững.  
Đóng gói sản phẩm rau sạch tại Hợp tác xã rau hữu cơ Thanh Xuân (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN
Đóng gói sản phẩm rau sạch tại Hợp tác xã rau hữu cơ Thanh Xuân (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN
 
Đổi đời nhờ liên kết
 
Gia đình chị Đỗ Thị Hồng ở xã Bình Định, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình có 5 nhân khẩu và đời sống hoàn toàn phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Ngoài 2 vụ lúa mỗi năm, gia đình chị Hồng còn tăng gia sản xuất nuôi thêm gà vịt và trồng hoa màu nhưng đời sống bao năm qua vẫn luôn bấp bênh.
 
Thế nhưng, kể từ khi tham gia vào hợp tác xã có liên kết với doanh nghiệp chuyên sản xuất lúa giống, chị Đỗ Thị Hồng đã mạnh dạn thuê thêm ruộng với tổng diện tích 1 mẫu lúa (3.600 m2), nhờ đó thu nhập khoảng 25 - 30 triệu đồng/vụ.
 
Chị Đỗ Thị Hồng chia sẻ: Với mô hình liên kết này, doanh nghiệp sẽ ứng lúa giống cho bà con từ đầu vụ và sẽ chi trả sau thu hoạch. Về phía hợp tác xã hỗ trợ dịch vụ máy móc vật tư, từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch với giá rẻ hơn bên ngoài, đồng thời ứng trước phân bón, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho thành viên hợp tác xã.
 
Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Bình Định, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình được biết đến như một hợp tác xã đi đầu trong việc xây dựng mô hình sản xuất gắn với tích tụ ruộng đất sản xuất theo chuỗi giá trị, từng bước khẳng định vai trò cầu nối giữa nông dân với các doanh nghiệp, giúp thành viên, người lao động yên tâm sản xuất.
 
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Thanh Sơn-Giám đốc Hợp tác xã Bình Định cho biết, hiện nay hợp tác xã đang hoạt động 12 khâu dịch vụ sản xuất, kinh doanh; trong đó, ưu tiên phát triển dịch vụ tiêu thụ sản phẩm nhằm góp phần gia tăng giá trị lợi nhuận cho thành viên và người lao động.
 
Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2021, tổng lượng lúa giống, lúa hàng hóa hợp tác xã đã bao tiêu gần 4.200 tấn, doanh thu đạt 41,5 tỷ đồng, người dân hưởng lợi hơn 8,3 tỷ đồng.
 
Để làm tốt được khâu dịch vụ này, hợp tác xã đã liên kết với nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần giống Thái Bình, Công ty giống Tiền Hải, Công ty cổ phần Đại Nam (Bà Rịa Vũng Tàu),… theo hình thức hợp đồng bao tiêu sản phẩm có ứng trước giống lúa gốc.
 
Với diện tích ban đầu năm 2008 là 15 ha cùng 80 hộ tham gia, đến nay hợp tác xã quy hoạch các vùng cánh đồng mẫu lớn 300 ha, thu hút gần 2.000 hộ tham gia sản xuất, tăng giá trị sản phẩm từ 1,3 đến 1,5 lần trở lên.
 
Ngoài ra, nhờ sớm xác định liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển nông sản sạch là “chìa khóa” thành công, doanh thu các dịch vụ kinh doanh của hợp tác xã hàng năm đều có sự tăng trưởng, lợi nhuận trong mỗi năm từ 200- 300 triệu đồng.
 
Ông Trương Thanh Sơn-Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Bình khẳng định, liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa đang là hướng đi của nhiều hợp tác xã trong tỉnh đã giúp tăng thu nhập của nông dân từ 1,5 - 2 lần so với phương thức sản xuất thông thường.
 
Thế nhưng, đến nay Thái Bình vẫn là một trong 5 tỉnh chưa có Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã nên khu vực này vẫn chưa thể phát huy hết tiềm năng, vị thế cũng như hiệu quả hoạt động. Cùng với đó, việc hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh chủ yếu mới dừng ở khâu tư vấn, phổ biến chính sách.
 
Đánh thức sự quan tâm
 
Thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020 cho thấy, chỉ có 4% cán bộ, thành viên hợp tác xã tiếp cận chính sách đào tạo, bồi dưỡng.
 
Ngoài ra, số lượng hợp tác xã tiếp cận chính sách, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia mới đạt 6%; trong khi chỉ có 4,1% hợp tác xã được tiếp cận chính sách về khoa học và công nghệ; 1,46% được tiếp cận chính sách hỗ trợ hạ tầng; 1,31% hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận được chính sách hỗ trợ vốn, giống khi các thành viên gặp khó khăn... Tỷ lệ hợp tác xã tiếp cận chính sách hỗ trợ thành lập mới được nhiều nhất cũng chỉ đạt 25,3%.
 
Đáng chú ý, trong khi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước đã trải giai đoạn (2001- 2010 và 2011 - 2020) thì Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030 mới là chiến lược phát triển đầu tiên cho khu vực này.
 
Chỉ ra những bất cập trong chính sách với khu vực kinh tế tập thể, bà Lâm Thị Kim Thoa-Giám đốc Hợp tác xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho hay: Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định vốn góp của thành viên không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã đang trói buộc sự phát triển, bởi có trường hợp Chủ tịch HĐQT hợp tác xã đủ năng lực tài chính nhưng cũng không được phép đóng góp nhiều hơn, đồng nghĩa hợp tác xã sẽ phải đi vay và thủ tục không đơn giản. Do vậy, cần sớm sửa đổi Luật Hợp tác xã để gỡ khó khăn về vốn.
 
Liên quan đến cơ chế hỗ trợ, ông Trương Thanh Sơn cũng cho rằng hợp tác xã cần thu hút tri thức trẻ về làm việc nhưng một cán bộ trình độ Đại học làm tại Hợp tác xã Bình Định hiện nhận lương hệ số 2,35, thêm 500.000 đồng tham gia thành viên Ban Kiểm soát thì tổng thu nhập chỉ trên dưới 3,5 triệu đồng/tháng, là mức thấp.
 
Vì vậy, cần có cơ chế hỗ trợ thu hút nhân lực trẻ có trình độ về đầu quân cho các hợp tác xã thông qua ưu đãi về tiền lương; tạo môi trường thông thoáng cho hợp tác xã hoạt động cũng như liên kết mở rộng thị trường; kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ hợp tác xã.
 
Bà Phạm Thị Hồng Yến - Trưởng ban Hợp tác Quốc tế (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) nhấn mạnh: Giai đoạn 2016 – 2020, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã huy động hơn 3 triệu USD kinh phí từ các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; hơn 2.000 cán bộ hợp tác xã được đào tạo, tập huấn.
 
Thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ mở rộng các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, hướng tới mục tiêu phát triển hợp tác xã bền vững; trong đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xúc tiến thương mại; giúp các hợp tác xã từng bước thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế và khu vực đã ký kết; thúc đẩy chuyển đổi số; xây dựng, phát triển hợp tác xã quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
 
Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam Chang - Hee Lee khẳng định: ILO sẽ tăng cường liên kết với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức các khóa tập huấn với chất lượng tốt và tiết kiệm chi phí nhất; trong đó nhiệm vụ trước mắt là phải giải quyết được vấn đề khai thác nền tảng số để nâng cao năng suất lao động cũng như khả năng cạnh tranh, đồng thời bảo đảm tính bền vững cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.
 
Theo Uyên Hương (TTXVN)