Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Công thương Việt Nam (14-5-1951 - 14-5-2021)

Ngành Công thương - 70 năm hình thành và phát triển

  • 09:19 | Thứ Sáu, 14/05/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trên chặng đường 70 năm hình thành và phát triển, qua các giai đoạn khác nhau, với chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhiều lần thay đổi theo yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngành Công thương Quảng Bình cũng luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng là ngành "mũi nhọn", "đầu tàu" trong lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. 
 
Kể từ ngày ra đời, thực hiện vai trò, vị trí của mình, Ty Công thương Quảng Bình đã tích cực phục vụ cuộc kháng chiến, kiến quốc chống thực dân Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Ty Công nghiệp và Ty Thương mại Quảng Bình đã hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chính là xây dựng cơ sở vật chất để củng cố hậu phương vững chắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Năm 1976, sau khi sát nhập 3 tỉnh thành tỉnh Bình-Trị-Thiên, ngành Công thương khẩn trương kiện toàn hệ thống sản xuất công nghiệp, thương nghiệp trong tỉnh, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần cùng cả nước khắc phục những hậu quả chiến tranh, tạo tiền đề quan trọng cho giai đoạn phát triển mới. Năm 1989, Quảng Bình trở về địa giới hành chính cũ- ngành Công nghiệp-Thủ công nghiệp, Thương nghiệp tiếp tục công cuộc đổi mới, ra sức phát triển sản xuất, kinh doanh, cùng nhân dân toàn tỉnh thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương.
 
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều tổ chức, tên gọi khác nhau nhưng trên cơ sở các tiềm năng thế mạnh vốn có, cùng với nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. 
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng thăm, động viên các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng thăm, động viên các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Trong lĩnh vực công nghiệp, khi mới chia tách tỉnh, công nghiệp Quảng Bình quy mô rất nhỏ bé. Các nhà máy, xí nghiệp yếu về năng lực sản xuất và tài chính, công nghệ lạc hậu nên gặp rất nhiều khó khăn, nhiều xí nghiệp đứng bên bờ vực phá sản. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh chỉ đạt 271 tỷ đồng. Đến nay, bức tranh ngành công nghiệp Quảng Bình đã có nhiều thay đổi, khởi sắc, phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng. Đặc biệt, tỉnh đã đầu tư hình thành 2 khu kinh tế trọng điểm là Cửa khẩu Cha Lo và Hòn La cùng với 8 khu công nghiệp thu hút nhiều nhà máy có công nghệ mới, thiết bị hiện đại, khai thác tốt thế mạnh sẵn có của địa phương để phát triển sản xuất.
 
Công tác xúc tiến đầu tư và triển khai các dự án phát triển công nghiệp, hạ tầng thương mại được chú trọng, nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư đã diễn ra, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, triển khai các dự án trọng điểm, như: Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I và II, Điện gió B&T, điện mặt trời Dowha, các dự án điện gió, mặt trời, điện sinh khối, dự án đường dây 500Kv mạch 3, đường dây 220kV mạch 2… Nhiều dự án công nghiệp đã hoàn thành và đưa vào hoạt động, như: Nhà máy xi măng Sông Gianh, xi măng Văn Hóa, điện mặt trời Dowha, nhà máy sản xuất gỗ ván ép Quảng Phát…, góp phần tăng năng lực sản xuất công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và tạo nguồn thu cho ngân sách của tỉnh trong những năm tới.
 
Cơ sở hạ tầng thương mại có bước phát triển mạnh mẽ, hệ thống chợ tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, nhiều siêu thị, cửa hàng văn minh hiện đại ra đời, làm thay diện mạo đô thị. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 146 chợ các loại, 8 siêu thị tổng hợp và 1 trung tâm thương mại. Thị trường hàng hóa cơ bản ổn định, hàng hóa, dịch vụ lưu thông trên thị trường ngày càng phong phú, đa dạng về chủng loại, nâng cao về chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được chú trọng triển khai thực hiện, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam.
 
Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực công thương trên địa bàn cũng được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện. Nhiều chính sách do Sở Công thương tham mưu được triển khai có hiệu quả. Sở cũng đã chủ động tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả các giải pháp để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các dự án của ngành sớm triển khai, hoàn thành đi vào hoạt động. Công tác khuyến công, xúc tiến thương mại được quan tâm chỉ đạo thực hiện, ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
 
Đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt 13.052 tỷ đồng, tăng hơn 47 lần so với năm 1990, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,1% mỗi năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 43.199 tỷ đồng, tăng 377 lần so với năm 1990, tốc độ tăng trưởng bình quân 25,5%/năm; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 275 triệu USD, tăng 25 lần so với năm 1990 đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng và dịch vụ. 
Công tác xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh được chú trọng, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu và triển khai các dự án trọng điểm (dự án điện gió B&T)
Công tác xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh được chú trọng, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu và triển khai các dự án trọng điểm (dự án điện gió B&T)
Cùng với kết quả đạt được trong sản xuất kinh doanh, giá trị nộp ngân sách hàng năm của các doanh nghiệp trong ngành cũng ngày càng tăng cao, đến nay, chiếm trên 90% tổng thu ngân sách của các doanh nghiệp toàn tỉnh. Điển hình về nộp ngân sách cao trong những năm qua là các doanh nghiệp, như: Công ty Xăng dầu Quảng Bình, Công ty SX&TM Hưng Phát, Công ty cổ phần Dầu khí Vũng Áng, Công ty cổ phần bia Hà Nội-Quảng Bình, Công ty cổ phần Vật liệu và xây dựng Việt Nam, Công ty Điện lực Quảng Bình…
 
Ghi nhận những đóng góp to lớn trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngành Công Thương Quảng Bình đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Huân chương Lao động hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Nhất. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong ngành cũng được tặng thưởng: Danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, Huân chương độc lập, Huân chương lao động, Lá cờ đầu của ngành Công thương…
 
Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày một sâu rộng, đặc biệt khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, sẽ xuất hiện nhiều cơ hội thuận lợi mới, nhưng cũng không ít các khó khăn tác động lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như tốc độ tăng trưởng của ngành, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
 
Thời gian tới, định hướng của ngành là tập trung phát triển các ngành công nghiệp có nhiều lợi thế, như: công nghiệp điện, năng lượng tái tạo; chế biến nông, lâm sản, thuỷ sản; dệt may; sản xuất vật liệu xây dựng... Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ cao, thiết bị tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án có hiệu quả kinh tế cao, đóng góp nhiều cho ngân sách và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Tiếp tục phát triển tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp nông thôn, với các mặt hàng có thế mạnh, như: chế biến hải sản, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm phục vụ tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Giới thiệu quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Quảng Bình trong việc phát triển dịch vụ logistics, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các loại hình dịch vụ logistics của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 48.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 14%/năm, trong đó, công nghiệp sản xuất và phân phối điện là ngành động lực quyết định sự tăng trưởng của ngành công nghiệp.
 
Trong lĩnh vực thương mại, ngành Công thương sẽ tiếp tục phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường giá cả đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong tỉnh ưu tiên sử dụng hàng hóa và dịch vụ do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại…để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đến năm 2030 đạt 153.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 13,9%/năm và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1.000 triệu USD.
 
Phát huy thành tích đạt được trong những năm qua, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp trong ngành ra sức phấn đấu, xây dựng ngành ngày càng phát triển, góp phần xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp.
 
Phạm Quang Hải
(Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương)