Không đạt NTM nâng cao vì "thiếu vắng" sản phẩm OCOP

  • 08:47 | Thứ Sáu, 14/05/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2020, trên địa bàn tỉnh có hai xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới) và Bắc Trạch (Bố Trạch) không đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao do chưa có sản phẩm tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Chính quyền hai xã Đức Ninh và Bắc Trạch đang nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề này.
 
Nhiều khó khăn
 
Xã Đức Ninh có 2.115 hộ dân sinh sống tại 11 thôn. Năm 2020, với sự nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương, Đức Ninh đã hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn NTM nâng cao. Tuy nhiên, xã không thể về đích NTM nâng cao như kế hoạch vì không có sản phẩm OCOP.
 
Ông Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch UBND xã Đức Ninh cho biết, quá trình xây dựng sản phẩm OCOP ở xã Đức Ninh gặp nhiều khó khăn do sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn chủ yếu là do các hộ gia đình tự sản xuất, buôn đi bán lại chứ chưa có có doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn như các địa phương khác. Vì vậy, xã không có sản phẩm chủ lực, đạt chất lượng để dự thi OCOP.
 
Năm 2020, xã Đức Ninh chọn nghề làm hương để xây dựng sản phẩm OCOP nhưng gặp khá nhiều khó khăn. Đa số các hộ làm hương trên địa bàn đều là những cá nhân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa có thương hiệu và hương trầm thuộc sản phẩm phục vụ tâm linh rất khó để mở rộng quy mô lớn, nên cuối cùng ý định xây dựng sản phẩm OCOP đành phải gác lại. 
Rau sạch Đức Hoa được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng “khó” trở thành sản phẩm OCOP cấp xã.
Rau sạch Đức Hoa được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng “khó” trở thành sản phẩm OCOP cấp xã.
Sau làm hương, xã Đức Ninh hướng tới sản phẩm gạo sạch của Công ty cổ phần đầu tư thương mại Thành Châu. Tuy nhiên, sản phẩm gạo sạch của công ty đa phần là thu mua từ các tỉnh thành về để xuất khẩu, chỉ một số lượng nhỏ là thu mua trên địa bàn nên không thể xây dựng “thương hiệu” nông sản địa phương.
 
Làng rau sạch Đức Hoa, xã Đức Ninh được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP từ nhiều năm nay. Nhưng để xây dựng rau sạch Đức Hoa trở thành sản phẩm OCOP của địa phương lại là việc không hề dễ dàng. Theo ông Phan Anh Tuấn, Trưởng thôn Đức Hoa, toàn thôn có hơn 30 hộ trồng rau nhưng diện tích trồng chỉ có hơn 2,5ha. Đa số người dân trồng rau theo tính tự phát, chưa có điều khoản ràng buộc. Một năm, người dân chỉ trồng 2 vụ rau và chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn.
 
Trước đây, UBND xã có làm việc với một vài doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm rau sạch Đức Hoa nhưng các doanh nghiệp đều từ chối vì diện tích trồng rau nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu.
 
“Để được công nhận sản phẩm OCOP, ngoài sản phẩm đạt chuẩn chất lượng thì phải có bao bì nhãn mác, có cơ sở sơ chế, trang thiết bị hiện đại nhưng hiện tại sản phẩm rau sạch Đức Hoa chỉ mới được chứng nhận VietGAP còn lại chưa có gì. Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà hàng, khách sạn đóng cửa khiến rau tiêu thu rất khó, chủ yếu phục vụ cho người dân trên địa bàn nên diện tích trồng rau ngày càng thu hẹp”, ông Tuấn cho hay.
 
Không chỉ xã Đức Ninh phải đối diện với muôn vàn khó khăn trong hành trình tìm kiếm sản phẩm OCOP mà xã Bắc Trạch (Bố Trạch) cũng đang gặp phải hoàn cảnh tương tự.
 
Ông Phan Văn Thành, Quyền Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch cho biết, Bắc Trạch là xã thuần nông nên cũng không có sản phẩm gì thật sự nổi trội để hướng tới xây dựng thương hiệu “đặc sản” địa phương. Năm 2020, chính quyền xã dự tính đăng ký sản phẩm nước đóng chai để dự thi chương trình OCOP.
 
Tuy nhiên, sau khi xem xét lại, xã nhận thấy cơ sở sản xuất nước đóng chai trên địa bàn quy mô còn nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân địa phương, chưa thâm nhập được các vùng lân cận, trang thiết bị phục vụ sản xuất còn thô sơ và chủ yếu tạo việc làm cho lao động trong gia đình. Quá trình thẩm định, kiểm tra sản phẩm, Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Bố Trạch đánh giá các tiêu chí của sản phẩm nước đóng chai đạt thấp nên Bắc Trạch không chọn sản phẩm này tham gia dự thi OCOP. “Vì không có sản phẩm OCOP nên năm 2020, xã Bắc Trạch không thể hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao”, ông Thành chia sẻ.
 
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT, Sở NN-PTNT cho biết, năm 2020, toàn tỉnh có 12 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao. Tuy nhiên, đến cuối năm chỉ có 5 xã được công nhận còn 7 xã chưa đạt do chưa hoàn thành các tiêu chí. Trong đó, có xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới) và Bắc Trạch (Bố Trạch) không đạt chuẩn NTM nâng cao vì không có sản phẩm tham gia chương trình OCOP.
 
Nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP
 
Để có thể về đích NTM nâng cao trong năm 2021, xã Đức Ninh đang nỗ lực tìm kiếm, hỗ trợ người dân xây dựng sản phẩm “đặc sản” địa phương. Hiện xã đã chọn sản phẩm trứng vịt của gia đình anh Đặng Ngọc Anh ở thôn Đức Giang để tham gia dự thi sản phẩm OCOP trong năm 2021. Được biết, trang trại của gia đình anh Đặng Ngọc Anh hiện đang nuôi hơn 12.600 con vịt, mỗi năm bán ra thị trường hơn 820.000 quả trứng.
 
Chủ tịch UBND xã Đức Ninh Nguyễn Minh Vũ cho hay: “Tham gia chương trình OCOP sẽ giúp sản phẩm trứng vịt của gia đình anh Đặng Ngọc Anh được “nâng tầm” cả về chất lượng cũng như hình thức sản phẩm. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất của gia đình anh Anh chưa đáp ứng được yêu cầu.
 
Hiện tại, anh Anh đang tìm hiểu giá thành một số trang thiết bị phục vụ sản xuất, như: máy sấy, máy khử khuẩn... Chính quyền xã sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện, cử cán bộ trực tiếp phối hợp với gia đình anh Đặng Ngọc Anh từng bước “gỡ khó” trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, nâng cao chất lượng sản phẩm trứng vịt để đăng ký dự thi sản phẩm OCOP trong năm 2021. 
Bột cháo canh khô của cơ sở sản xuất bột cháo canh Kính Hương được xã Bắc Trạch (Bố Trạch) chọn dự thi sản phẩm OCOP năm 2021.
Bột cháo canh khô của cơ sở sản xuất bột cháo canh Kính Hương được xã Bắc Trạch (Bố Trạch) chọn dự thi sản phẩm OCOP năm 2021.
Năm 2021, xã Bắc Trạch lựa chọn bột cháo canh khô của cơ sở sản xuất bột cháo canh Kính Hương làm sản phẩm đăng ký dự thi OCOP. Gia đình ông Phan Văn Kính đã có gần 30 năm làm bột cháo canh phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn. Sản phẩm bột cháo canh khô được làm từ gạo nguyên chất mua của người dân địa phương và các xã lân cận. Mỗi ngày cơ sở sản xuất hơn 50kg bột khô thành phẩm. Mỗi năm bán ra thị trường hơn 50 tấn bột, trong đó có hơn 25 tấn bột khô.
 
Bình quân mỗi năm, cơ sở sản xuất bột cháo canh Kính Hương thu nhập hơn 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động trên địa bàn. “Sản phẩm đã được kiểm định chất lượng, trang thiết bị phục vụ sản xuất cơ bản đáp ứng nhu cầu. Nếu được tạo điều kiện, gia đình sẽ mở rộng xưởng, mua sắm thêm trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân”, ông Phan Văn Kính chia sẻ.
 
“Khó khăn hiện tại của cơ sở sản xuất bột cháo canh Kính Hương và chính quyền xã Bắc Trạch là việc làm hồ sơ để tham gia dự thi sản phẩm OCOP rất mất thời gian, quá nhiều thủ tục, giấy tờ cần phải hoàn thiện. Rất mong các ngành cấp trên tạo điều kiện, có sự hướng dẫn cụ thể cho cơ sở để quá trình hoàn thiện hồ sơ được nhanh chóng. Chúng tôi đang đặt mục tiêu đến tháng 9 sẽ hoàn thành dự thi đăng ký sản phẩm OCOP để cuối năm 2021 được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao”, ông Phan Văn Thành, Quyền Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch cho biết.
 
                                                                                                                  Lan Chi