Hỗ trợ, vận chuyển đưa nông sản vào hệ thống phân phối

  • 07:58 | Thứ Bảy, 15/05/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn và lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố. Lo ngại nông sản bị ùn tắc như thời điểm trước, trong văn bản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Bộ Kế hoạch ivà Đầu tư đã đưa ra một loạt các đề xuất cho các Bộ gồm: Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các địa phương và các hiệp hội để hỗ trợ cho nông sản.
Tăng cường kết nối, đưa nông sản vào siêu thị trong nước. Ảnh minh họa: Thu Trang
Tăng cường kết nối, đưa nông sản vào siêu thị trong nước. Ảnh minh họa: Thu Trang
Để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong tiêu thụ nông sản trước diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã yêu cầu Sở Công Thương các địa phương phối hợp cùng với ngành nông nghiệp kết nối các hệ thống bán lẻ, doanh nghiệp phân phối lớn đưa hàng vào siêu thị trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn có hệ thông bán lẻ lớn như: Central Group, AEON, Vincommerce, Lotte...  Cùng với đó, ngành công thương địa phương phải hỗ trợ tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch cũng như chủ động biện pháp vận chuyển.
 
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng khuyến nghị việc hàng hóa sản xuất, vận chuyển phải bảo đảm an toàn thực phẩm và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của ngành y tế, giao thông. Bộ Công Thương đang theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn về cung cầu.
 
Trước đó, tại công văn số 1083/BCT-TTTN ngày 1-3-2021 Bộ Công Thương gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về ban hành hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản vùng đang có dịch COVID-19 cũng đã nêu rõ: sản phẩm hàng hóa, nông sản sản xuất và lưu thông trên địa bàn phải bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.
 
Đáng lưu ý, khi cần thiết, chỉ định cơ quan đầu mối tại địa phương, nhất là các địa phương đang có dịch để cấp các giấy tờ liên quan theo quy định về phòng chống dịch đối với sản phẩm hàng hóa, nông sản cho các tổ chức, cá nhân thu mua, tiêu thụ. Đặc biệt, các đơn vị cần giải quyết nhanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân này thực hiện hoạt động kinh doanh trên địa bàn.
 
Công văn hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản vùng đang có dịch COVID-19 của Bộ Công Thương gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được các địa phương đánh giá là chỉ đạo nhất quán trong việc xử lý thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản vùng cho người dân, doanh nghiệp.
 
Thực tế cho thấy, tại đợt dịch COVID-19 cao điểm bùng phát lần này, tình hình diễn biến thị trường, tiêu thụ nông sản đã được các địa phương nắm bắt kịp thời và có phương án ứng phó cụ thể.
 
Thời gian này, tại Hải Dương bà con nông dân Hải Dương đang tham gia khoá huấn luyện hướng dẫn truy xuất nguồn gốc và tham gia gian hàng Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại trên sàn thương mại điện tử để giúp tiêu thụ cho vụ vải sắp thu hoạch.
 
Thông qua chương trình này, người nông dân sẽ được hướng dẫn để hiểu đúng để triển khai hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các doanh nghiệp và hợp tác xã từng bước tham gia hoạt động thương mại điện tử thành công trên các sàn. Đây là hoạt đọng hỗ trợ đầu ra cho các doanh nghiệp, tập trung vào thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu.
 
Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, Cục sẽ hỗ trợ kỹ thuật, triển khai chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm quả vải của Hải Dương cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu theo các kênh kết nối trực tiếp và trực tuyến.
 
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, mùa vụ năm nay sản lượng vải đạt khoảng 180.000 tấn; trong đó, có 50% xuất khẩu, 50% tiêu thụ trong nước. Thời gian thu hoạch vụ sớm từ 20-5 và chính vụ 10-6 - 20-7.
 
Thống kê cho thấy đã có gần 300 thương nhân Trung Quốc đăng ký sang thu mua vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). Số được cấp phép nhập cảnh đợt 1 khoảng 170 người. Tất cả thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều Bắc Giang phải cách ly y tế tập trung, có xét nghiệm âm tính và tuân thủ các quy định phòng dịch trước khi đi tìm hiểu, thu mua vải thiều Lục Ngạn.
 
Sản lượng dự kiến xuất bán sang Trung Quốc khoảng 95.000 tấn, tương ứng 149 mã vùng trồng tại 4 huyện Lục Ngạn, Yên Thế, Tân Yên, Lục Nam. 30 mã vùng trồng, sản lượng khoảng 1.860 tấn được Bắc Giang tập trung phát triển dành cho xuất khẩu sang thị trường Nhật; khoảng 1.850 tấn dành xuất khẩu sang Mỹ, EU, Australia...
 
Các chuyên gia cho rằng, với sự chỉ đạo chung, nhất quán trong việc xử lý thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản vùng cho người dân, doanh nghiệp và sự chủ động vào cuộc của chính quyền địa phương sẽ góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
 
Theo Uyên Hương (TTXVN)