"Tín dụng nước sạch" nâng cao chất lượng cuộc sống

  • 15:14 | Thứ Năm, 15/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, từ nguồn vốn chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường (NS-VSMT) nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, đã có hàng nghìn người dân trên địa bàn TP. Đồng Hới có điều kiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và công trình vệ sinh.
 
Chương trình không chỉ góp phần cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn góp sức xây dựng nông thôn mới.
 
Năm 2018, gia đình chị Đặng Thị Thảo, ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) vay mượn tiền để xây cất nhà mới. Nhờ Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Bảo Ninh giới thiệu vay vốn NHCSXH 20 triệu đồng từ chương trình cho vay NS-VSMT, chị Thảo làm hệ thống đấu nối đường ống nước sạch và xây nhà vệ sinh phục vụ sinh hoạt thuận tiện, bảo đảm vệ sinh. Chị Thảo cho biết: “Gia đình xây cất nhà mới nên cũng thiếu thốn trăm bề. May mắn nhờ được hỗ trợ vay gói NS-VSMT, không phải thế chấp tài sản với NHCSXH, tôi cũng mạnh dạn đầu tư mới hệ thống công trình phụ và đường ống nước”. 
Cán bộ NHCSXH hỗ trợ người dân tiếp cận vốn vay từ chương trình cho vay NS-VSMT.
Cán bộ NHCSXH hỗ trợ người dân tiếp cận vốn vay từ chương trình cho vay NS-VSMT.
Ngày 16-4-2004, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg về tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia về cấp NS-VSMT nông thôn, giao NHCSXH cho vay. Sau thời gian thực hiện thí điểm, năm 2006, NHCSXH tỉnh đã triển khai cho vay rộng khắp trong toàn tỉnh. Qua hơn 15 năm thực hiện, chương trình đã được điều chỉnh về đối tượng thụ hưởng và nâng mức cho vay để phù hợp với tình hình thực tế.
 
Theo quy định hiện hành, đối tượng được hưởng chương trình tín dụng này là hộ gia đình định cư hợp pháp tại địa phương thuộc khu vực nông thôn chưa có nước sạch hoặc đã có nhưng chưa đạt quy chuẩn, chưa bảo đảm vệ sinh và hộ gia đình sau khi đã trả hết nợ vốn vay, có nhu cầu vay mới để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình NS-VSMT nông thôn đã sử dụng nhiều năm, bị hư hỏng, xuống cấp, không bảo đảm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Các hộ thuộc đối tượng vay phải có đơn xin vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp công trình cấp NS-VSMT; có cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ đúng hạn và được chính quyền cấp xã xác nhận thì được vay vốn tại NHCSXH, mức vốn cho vay đối với mỗi loại công trình tối đa là 10 triệu đồng, lãi suất cho vay 9%/năm.
 
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Bảo Ninh cho biết: “Bảo Ninh là địa phương có dư nợ vốn vay NS-VSMT cao nhất trên địa bàn TP. Đồng Hới với hơn 7,8 tỷ đồng cho 492 hộ vay vốn. Sau khi người dân được vay vốn, Hội LHPN xã phối hợp với cán bộ NHCSXH thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện, bảo đảm vốn vay phải được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả cao nhất.
 
Thuận lợi của gói vay NS-VSMT là không phải thế chấp tài sản, thời hạn cho vay dài, người vay tiếp cận nhanh với nguồn vốn nên rất nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn có nhu cầu muốn được vay vốn”.
 
Cũng theo chị Vân, chương trình cho vay NS-VSMT nông thôn không chỉ góp phần nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh và công trình vệ sinh bảo đảm môi trường mà còn làm thay đổi nhận thức của bà con về sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, hình thành nếp sống văn hóa, văn minh, nâng cao ý thức gìn giữ và bảo vệ môi trường địa phương. Đến nay, có hơn 98% hội viên phụ nữ xã Bảo Ninh được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.
 
Trên địa bàn TP. Đồng Hới có 6 xã nằm trong diện được vay vốn gói tín dụng NS-VSMT, gồm: Bảo Ninh, Đức Ninh, Nghĩa Ninh, Thuận Đức, Lộc Ninh và Quang Phú. Nguồn vốn tín dụng NS-VSMT đã giúp cho các hộ dân xây dựng mới hệ thống nước sạch; cải tạo, nâng cấp các mô hình cấp nước sạch, như: khoan giếng, xây bể lọc nước, lu chứa nước; xây dựng mô hình tự sản xuất phân hữu cơ sinh học, chất đốt từ hầm biogas, qua đó, góp phần tăng tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, hộ dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh qua hàng năm.
 
Từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn TP. Đồng Hới đã có 3.861 hộ được vay vốn, với dư nợ gần 65 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn cũng được nâng lên, góp phần đưa các xã sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
 
Chị Phạm Thu Thủy, Phó Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, NHCSXH tỉnh cho biết, trong quá trình triển khai nguồn vốn này từ 2006 đến nay, Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh, nâng mức cho vay để phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay, mức cho vay tối đa là 10 triệu đồng/công trình. Mỗi hộ gia đình được cho vay 2 công trình là 20 triệu đồng/lượt vay. Thời gian qua, việc triển khai chương trình cho vay này có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, quy định nguồn vốn chỉ được cho vay đối với các hộ ở vùng nông thôn nên nhiều hộ ở phường hay kể cả thị trấn thuộc huyện cũng không được tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, mức cho vay tối đa là 10 triệu đồng/công trình còn chưa phù hợp với tình hình giá cả nguyên vật liệu hiện nay.
 
Chương trình vốn vay NS-VSMT nông thôn đã góp phần rất lớn trong việc cải thiện môi trường sống của người dân. Thời gian tới, NHCSXH tiếp tục phối hợp tuyên truyền, phổ biến về các chương trình tín dụng chính sách nói chung và chương trình NS-VSMT nói riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là người dân khu vực nông thôn được tiếp cận và vay vốn với lãi suất ưu đãi.
 
                                         Lan Chi