Thực hiện chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030: Nhiều chuyển biến tích cực

  • 08:42 | Thứ Hai, 05/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhờ quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 25-4-2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 02-NQ/TW), công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng, từng bước được tăng cường, đi vào nền nếp và có nhiều chuyển biến tích cực.
 
Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TW, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung nghị quyết, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
 
Cùng với đó, các cấp ủy Đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các chi ủy, đơn vị thường xuyên quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 02-NQ/TW.
 
Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đối với sự phát triển nền kinh tế-xã hội (KT-XH) của tỉnh đã được nhận thức cơ bản đầy đủ, ngày càng sâu sắc; từng bước tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng về ý thức tự giác chấp hành pháp luật, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên, cùng chung tay bảo vệ tài nguyên khoáng sản; đưa công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản ngày càng đi vào nền nếp và có hiệu quả; phát huy được vai trò của ngành công nghiệp khai khoáng đối với phát triển KT-XH của tỉnh, nhất là địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn.
 
Ông Phạm Quang Ánh, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường (TNMT) cho biết, thông qua thực hiện tốt công tác quán triệt, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW và chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TNMT đã phối hợp tốt với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn triển khai công tác bảo vệ chặt chẽ tài nguyên, khoáng sản chưa khai thác; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiểm tra, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nhằm bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. 
Hoạt động khai thác titan ở xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy được khoanh vùng, tránh phân tán nhỏ lẻ.
Hoạt động khai thác titan ở xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy được khoanh vùng, tránh phân tán nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó, công tác lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản thuộc thẩm quyền cũng được triển khai kịp thời, đúng quy định. Cụ thể, từ khi triển khai thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 3 quyết định phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản; rà soát khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản bảo đảm quy định pháp luật; phê duyệt 1.787 khu vực cấm với tổng diện tích 390.657,95ha và 171 khu vực tạm thời cấm với tổng diện tích 14.034,27ha.
 
Khoanh định được 2 khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, cụ thể: khu vực titan tại Bàu Dum, Bàu Sen xã Sen Thủy với diện tích 141ha và khu vực mỏ quặng mangan tại các xã: Kim Hóa, Thuận Hóa, Thạch Hóa, Nam Hóa với diện tích 31,44ha.
 
Đồng thời, để cụ thể hóa công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, quy định rõ trách nhiệm cho các sở, ngành và chính quyền địa phương, trong đó, đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã.
 
Các sở, ngành và chính quyền địa phương đã nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ khoáng sản. Nhờ vậy, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản.
 
Đáng chú ý, tỉnh đã xây dựng chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế, đổi mới thiết bị, công nghệ để thực hiện có hiệu quả quy hoạch về thăm dò, khai thác khoáng sản.
 
Quá trình cấp phép đã chủ động trong việc lựa chọn các dự án đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, dự án khai thác, chế biến quặng nghèo, sử dụng triệt để và tiết kiệm khoáng sản. Vì vậy, cơ bản đã hạn chế tình trạng đầu tư, khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả.
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang xây dựng 2 nhà máy chế biến sâu titan tại Khu công nghiệp Cam Liên và Khu công nghiệp Hòn La (chưa hoạt động). Cụm Nhà máy xi măng Sông Gianh, Thanh Trường, Văn Hóa, Áng Sơn 1, Áng Sơn 2 đã được triển khai thực hiện dự án, trong đó, Nhà máy xi măng Sông Gianh, Văn Hóa, Áng Sơn 2 (VCM Hải Vân) được nâng cấp công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường.
 
Trên địa bàn tỉnh không còn tình trạng đầu tư, khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt đã xóa bỏ các cơ sở sản xuất gạch ngói thủ công theo đúng mục tiêu của chiến lược.
 
Theo ông Phạm Tiến Cảm, Chánh Thanh tra Sở TNMT, công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực TNMT trên địa bàn tỉnh được chú trọng và ngày càng được tăng cường, góp phần đưa công tác quản lý Nhà nước về TNMT đi vào nền nếp, lập lại kỷ cương pháp luật.
 
Hàng năm, UBND tỉnh đều giao cho các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, trong đó có lĩnh vực khoáng sản. Ngoài hoạt động thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện thường xuyên các cuộc kiểm tra đột xuất ngoài giờ hành chính để xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
 
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra chính phủ, Thanh tra Bộ TNMT, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh thực hiện.
 
Cùng đó, công tác cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện đúng pháp luật và chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trên địa bàn...Nhờ vậy, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại các đơn vị đã dần đi vào nền nếp và từng bước được tăng cường.
 
Để thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhất là góp phần đẩy lùi và tiến đến xử lý dứt điểm việc khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép nói riêng và khai thác khoáng sản trái phép nói chung trên địa bàn; tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh, các ngành, địa phương cần tuân thủ và thực hiện theo đúng trách nhiệm được giao tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP, ngày 24-2-2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Cụ thể, ngành công an xử lý việc khai thác khoáng sản trái phép, việc vận chuyển cát, sỏi trái phép đường bộ, đường thủy; ngành công thương, ngành thuế kiểm tra hóa đơn, chứng từ mua, bán để vận chuyển khoáng sản; ngành giao thông vận tải kiểm tra phương tiện đăng ký, đăng kiểm, lập bến thủy nội địa, bến bãi trái phép..., ông Phạm Quang Ánh, Giám đốc Sở TNMT cho biết thêm.
 
Bùi Thành