Thức ăn tăng giá: Người chăn nuôi gặp khó

  • 08:41 | Thứ Ba, 06/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) liên tục tăng cao khiến người chăn nuôi trên địa bàn gặp không ít khó khăn. Nhiều gia trại, trang trại phải hoạt động cầm chừng, giảm lượng vật nuôi, thậm chí, nhiều hộ ngừng nuôi chờ giá thức ăn bình ổn trở lại.
 
Trang trại của ông Đinh Trọng Lượng, thôn Bắc Sơn, xã Sơn Hóa là một trong những trang trại quy mô lớn ở huyện Tuyên Hóa. Mỗi năm, gia đình ông duy trì nuôi hơn 500 con lợn, trong đó có hơn 50 con lợn nái. Chăn nuôi lợn không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình ông Lượng. Trang trại của gia đình ông xuất bán hơn 400 con lợn thịt/năm, đem lại thu nhập ổn định gần 500 triệu đồng/năm.
 
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, trang trại chăn nuôi lợn của ông Lượng gặp khá nhiều khó khăn do giá thịt lợn giảm trong khi giá TĂCN lại liên tục tăng. 
Mô hình nuôi gà của gia đình anh Phạm Trường Sơn, thôn Phú Trịch, xã Quảng Lộc (TX. Ba Đồn) đang trong giai đoạn cầm cự chờ giá thức ăn bình ổn trở lại.
Mô hình nuôi gà của gia đình anh Phạm Trường Sơn, thôn Phú Trịch, xã Quảng Lộc (TX. Ba Đồn) đang trong giai đoạn cầm cự chờ giá thức ăn bình ổn trở lại.
Theo ông Lượng, nhiều năm nuôi lợn quy mô lớn và làm đại lý phân phối TĂCN cho người dân trên địa bàn nhưng chưa năm nào ông thấy giá TĂCN tăng mạnh và liên tục như thời gian gần đây. Với quy mô 500 con lợn, mỗi tháng trang trại của ông Lượng tiêu thụ 15-17 tấn TĂCN. Giá TĂCN liên tục tăng từ trước Tết đến nay khiến người chăn nuôi như ông Lượng gặp không ít khăn vì công sức và chi phí bỏ ra nhiều nhưng lại không có lãi.
 
“Riêng từ tháng 11-2020 đến nay, TĂCN đã 4 lần tăng giá, trung bình mỗi bao thức ăn 25kg đội giá khoảng 40-50.000 đồng. So với giá thức ăn trước đây thì thời điểm hiện tại tôi phải bù gần 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chi phí vận chuyển TĂCN từ công ty ở Nghệ An vào đây cũng tăng lên do ảnh hưởng của dịch Covid-19. TĂCN tăng giá chóng mặt trong khi giá lợn thịt xuất bán lại cầm chừng, nhiều lúc còn giảm. Để giữ mối nên tôi phải duy trì đàn lợn nuôi, chứ tình hình này thì nuôi lợn chỉ có lỗ chứ không có lãi”, ông Lượng cho hay.
 
Các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh cũng đang trong tình trạng “dở khóc dở cười” vì giá thức ăn thì tăng cao mà giá gia cầm và giá trứng lại giảm. Trước đây, anh Phạm Trường Sơn, thôn Phú Trịch, xã Quảng Lộc (TX. Ba Đồn) là một trong những hộ khá giả ở địa phương nhờ mô hình chăn nuôi gà. Mỗi năm, gia đình anh thu nhập hơn 400 triệu đồng từ mô hình nuôi gà thịt.
 
Thời điểm hiện tại, trang trại của gia đình anh Sơn cũng đang chung tình trạng cầm cự như các gia trại, trang trại nuôi gia cầm khác trong toàn tỉnh. Anh Sơn cho biết: “Gia đình tôi nuôi hơn 3.500 con gà, mỗi ngày ăn hết 10 bao thức ăn. Trước đây, 1 ngày gia đình anh chi phí 2,5 triệu đồng tiền thức ăn cho gà, nhưng thời điểm hiện tại phải mất gần 3 triệu đồng/ngày. Giá thức ăn cứ tăng như thế này thì trang trại của gia đình tôi khó cầm cự nổi. Nếu giá tăng thêm 10.000 đồng thì có thể duy trì việc chăn nuôi được một vài tháng, còn tăng từ 20.000 đồng trở lên thì tôi đành phải nghỉ nuôi gà”.
 
Không chỉ thức ăn gia súc, gia cầm tăng mà giá thức ăn cho thủy sản cũng tăng mạnh. Giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi dành cho tôm, như: Hi-Gro, AnCo, Vina, Green Feed, Dabaco…hiện có giá từ 220.000-450.000 đồng/bao/25kg, tăng 20.000-30.000 đồng/bao.
Không chỉ các hộ chăn nuôi gặp khó mà ngay cả các chủ đại lý kinh doanh cũng lo ngại vì giá TĂCN liên tục tăng.
 
Theo tìm hiểu thị trường, chủ các đại lý TĂCN cho biết, từ cuối năm ngoái, tháng nào các doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản cũng thông báo điều chỉnh tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhất là nguyên liệu nhập khẩu. Do đó, các cửa hàng bán lẻ cũng phải điều chỉnh tăng giá bán.
 
Chẳng hạn, thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản đã tăng từ 200-400 đồng/kg, tương đương mức tăng từ 5.000-10.000 đồng/bao 25kg. Cụ thể, giá nhiều loại thức ăn công nghiệp dành cho gia súc, gia cầm của các thương hiệu như: Hi-Gro, AnCo, Vina, Dabaco... đang ở mức từ 220.000-400.000 đồng/bao (25kg).
 
Chị Mai Phương, chủ đại lý TĂCN Tĩnh Phương ở phường Phú Hải (TP. Đồng Hới) cho biết: “5 tháng trở lại đây, giá TĂCN tăng liên tục và kéo dài, thời điểm hiện tại đã tăng 40.000 đồng/bao. Giá thức ăn liên tục tăng khiến người chăn nuôi đều nuôi cầm chừng, nhiều hộ dân nghỉ hẳn không nuôi nữa, kéo theo lượng khách hàng đến mua TĂCN cũng giảm mạnh”. 
Đại lý thức ăn chăn nuôi Tĩnh Phương ở phường Phú Hải (TP. Đồng Hới) còn rất nhiều bột thức ăn dự trữ vì lượng mua giảm.
Đại lý thức ăn chăn nuôi Tĩnh Phương ở phường Phú Hải (TP. Đồng Hới) còn rất nhiều bột thức ăn dự trữ vì lượng mua giảm.
Bà Nguyễn Thị Hải, Trưởng phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá TĂCN tăng liên tục trong thời gian qua là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm giá nguyên liệu thế giới tăng cao, kéo theo đó các nhà máy sản xuất TĂCN trong nước cũng phải nâng giá thành. Bên cạnh đó, thiên tai, bão lũ cũng làm nguyên liệu sản xuất TĂCN trong nước trở nên khan hiếm.
 
Hiện nay là thời điểm người dân đẩy mạnh các hoạt động chăn nuôi tái đàn, do vậy, giá thức ăn chăn nuôi tăng đã gây nhiều khó khăn cho người dân về nguồn vốn để đầu tư chăn nuôi.
 
Đến cuối tháng 3-2021, toàn tỉnh có 32.821 con trâu, 102.403 con bò, 227.961 con lợn và gần 3,6 triệu con gia cầm. Trước tình trạng giá TĂCN còn nhiều biến động như hiện này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo người dân cần chủ động phối trộn thức ăn sẵn có tại địa phương để tiết kiệm chi phí đầu vào; đồng thời, theo dõi thị trường để tăng đàn và tái đàn cho phú hợp.
 
                                                                                                                                   Lan Chi