Thịt trâu, bò "ế" do bệnh viêm da nổi cục

  • 08:21 | Thứ Bảy, 24/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò, người dân có tâm lý hoang mang, lo lắng dẫn đến việc hạn chế sử dụng thịt trâu, bò, khiến loại thịt này bị “ế” tại các chợ truyền thống.
 
Sức mua giảm
 
Chỉ mới đầu giờ trưa, nhưng khu vực bán thịt lợn, thịt bò ở chợ Ba Đồn (TX. Ba Đồn) đã thưa thớt khách, nhiều quầy thịt bò đang trong tình trạng ế ẩm. Tiểu thương Minh Lợi cho biết, ngày thường chị mổ 2 con bò để bán, có thời điểm lượng tiêu thụ nhiều, chị phải mổ 3 con mới đủ bán và nhập cho các nhà hàng, quán ăn. Mấy hôm nay, gia đình chỉ mổ 1 con bò nhưng bán từ sáng đến cuối buổi chiều mới hết. Theo chị Minh Lợi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bệnh VDNC trên trâu, bò đang bùng phát tại nhiều địa phương trong toàn tỉnh khiến người dân lo ngại, không dám mua thịt bò về ăn. Giá thịt bò bán ra vẫn duy trì 220.000 đồng/kg nhưng người mua ít nên tiểu thương bị thua lỗ. Nhiều tiểu thương mổ bò bán cứ 2-3 ngày là lỗ 4-5 triệu đồng. Càng ngày càng ít tiểu thương mổ bò bán, nhiều người còn nghỉ hẳn chờ qua đợt dịch mới buôn bán trở lại. 
Người dân ngại sử dụng thịt bò khiến hoạt động mua bán loại thực phẩm này tại chợ Ba Đồn (TX. Ba Đồn) giảm mạnh.
Người dân ngại sử dụng thịt bò khiến hoạt động mua bán loại thực phẩm này tại chợ Ba Đồn (TX. Ba Đồn) giảm mạnh.
Những ngày này, tại quầy bán thịt bò của chị NguyễnThị Lan, tiểu thương chợ Đồng Hới (TP. Đồng Hới) vắng hẳn khách tới mua. Chị Lan cho biết, nay đi đâu cũng nghe người dân nói chuyện về dịch bệnh VDNC đang bùng phát trong toàn tỉnh, khiến nhiều trâu, bò bị chết. “Không chỉ người dân mà ngay cả những tiểu thương bán thịt như chúng tôi cũng cảm thấy lo lắng. Tuy bò được bày bán ở đây đều là những con khỏe mạnh, đã qua kiểm dịch tại các lò mổ trên địa bàn, nhưng do tâm lý, nhiều người vẫn e ngại nên việc buôn bán luôn trong tình trạng ế ẩm. Trước khi có dịch bệnh VDNC, có thời điểm mỗi ngày tôi bán ra hơn 60kg thịt bò, chủ yếu là nhập cho các quán ăn. Một tháng trở lại đây, lượng thịt bán ra giảm hẳn, có khi chỉ tiêu thụ được 20kg/ngày”, chị Lan cho biết thêm.
 
Không chỉ chợ Ba Đồn, chợ Đồng Hới mà nhiều chợ truyền thống trên địa bàn toàn tỉnh đều chung tình trạng “ế” thịt trâu, bò do ảnh hưởng của dịch bệnh VDNC. Theo nhiều tiểu thương, dù thịt được lấy từ các nguồn hàng bảo đảm, có dấu kiểm dịch, có tem thú y rõ ràng nhưng người tiêu dùng vẫn không mấy mặn mà. Nhiều quầy hàng bán thịt bò tại một số chợ đã phải nghỉ bán do sức mua ít dẫn đến bị lỗ.
 
“Vì con gái rất thích ăn thịt bò nên thịt bò trở thành loại thực phẩm chính luôn có trong bữa ăn của gia đình, mấy tháng trở lại đây, cứ nghe nói đến dịch bệnh VDNC nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn mua thịt bò về ăn. Giờ nghe tin trên địa bàn huyện Bố Trạch dịch bệnh cũng đã xuất hiện tại nhiều địa phương nên để bảo đảm sức khỏe cho gia đình, tôi phải tạm thời cho cả nhà “kiêng” thịt bò một thời gian”, chị Phạm Thị Trang, tiểu khu 1, thị trấn Hoàn Lão (Bố Trạch) cho hay.
 
Tăng cường kiểm dịch, bảo đảm nguồn thịt an toàn
 
Đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh VDNC trên trâu, bò đã xảy ra tại 116 xã phường trong toàn tỉnh làm 5.677 con trâu, bò mắc bệnh; trong đó có 284 con chết (chủ yếu bê dưới 6 tuổi). Hiện có 1.335 con trâu, bò đã lành triệu chứng, còn 4.058 con đang được theo dõi, điều trị.
 
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, bệnh VDNC là bệnh truyền nhiễm do một loại vi-rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Ðường truyền chủ yếu là do côn trùng đốt, như: muỗi, ruồi, ve…; quá trình vận chuyển trâu bò mang mầm bệnh; sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn... Trâu, bò mắc bệnh thường có những biểu hiện lâm sàng: sốt cao, bỏ ăn, suy nhược, viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt, trên cơ thể nổi các u cục. Đây là loại dịch bệnh dễ lây lan nhưng không làm gia súc chết ngay lập tức như các loại dịch bệnh khác. Nếu người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng tránh và chăm sóc tốt đàn vật nuôi thì trâu, bò sẽ nhanh lành bệnh. Đặc biệt, virus thuộc họ Poxviridae không gây bệnh và lây lan sang người. Vì vậy, người tiêu dùng không nên hoang mang, tẩy chay thịt trâu, bò. 
Các địa phương đã tiêm đại trà vắc xin phòng bệnh VDNC trên trâu, bò.
Các địa phương đã tiêm đại trà vắc xin phòng bệnh VDNC trên trâu, bò.
Theo thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh có 6 cơ sở giết mổ tập trung và 652 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; trong đó có: 74 cơ sở giết mổ trâu bò, 516 cơ sở giết mổ lợn, 57 cơ sở giết mổ gia cầm, 5 cơ sở giết mổ hỗn hợp. Hiện việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc đang được ngành chuyên môn và các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Các con vật giết mổ đều đang khỏe mạnh và không có dấu hiệu mắc bệnh. Tất cả các lò mổ đều được ngành chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát thường xuyên; 100% trâu, bò bị bệnh đều được tiêu hủy theo quy định.
 
Ông Trần Công Tám cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiếp nhận và cung ứng 80.300 liều vắc xin phòng bệnh VDNC trên trâu, bò về các địa phương. Nhiều huyện đã tiến hành tiêm phòng đại trà cho trâu, bò, hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi. Người dân không nên hoang mang, lo lắng “quay lưng” với thịt trâu, bò. Để bảo đảm sức khỏe, người dân cần tìm mua thịt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đã được kiểm dịch; thực hiện ăn chín, uống sôi, tránh mua thịt tại các điểm kinh doanh hàng rong dọc đường và kiểm tra kỹ các dấu hiệu trên thịt…
 
Lan Chi-Thanh Hoa