OCOP 4 sao - Chặng đường không "lấp lánh"

  • 08:41 | Chủ Nhật, 25/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Bình hiện có 57 sản phẩm được công nhận là đạt OCOP cấp tỉnh (từ 3 sao trở lên), tuy nhiên, chỉ 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Đó là sản phẩm trà nấm linh chi Tuấn Linh (từ năm 2019). Năm 2020, tỉnh không có sản phẩm nào đạt 4 sao. Nhìn qua các tỉnh bạn, như: Hà Tĩnh (7 sản phẩm 4 sao); Quảng Trị (7 sản phẩm 4 sao)…, cùng những tiềm năng, lợi thế tỉnh đang nắm giữ trong phát triển sản phẩm OCOP, rõ ràng đây là con số khiêm tốn.
 
Năm 2019, Quảng Bình có 24 sản phẩm được UBND tỉnh có quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó 23 sản phẩm 3 sao và 1 sản phẩm 4 sao (trà nấm linh chi Tuấn Linh). Ông Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (Sơn Lộc, Bố Trạch) chia sẻ, từ năm 2019 đến nay, HTX có 9 sản phẩm đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh, tuy nhiên, trong đó, chỉ có 1 sản phẩm đạt 4 sao.
 
Năm 2020, HTX không có sản phẩm đạt 4 sao mà chỉ có 7 sản phẩm đạt 3 sao. Từ khi các sản phẩm được công nhận OCOP, nhất là OCOP 4 sao, HTX có nhiều thuận lợi để tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước. Đáng chú ý, HTX đã đưa sản phẩm vào chuỗi hệ thống của các siêu thị lớn, như: Co.opmart... Sắp tới, HTX ấp ủ nhiều dự định để nâng cấp sao cho sản phẩm trà nấm linh chi Tuấn Linh, hướng tới các tiêu chuẩn cao hơn. 
Với nhiều nỗ lực, các sản phẩm OCOP của HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh đã có mặt tại hệ thống các siêu thị lớn trong cả nước.
Với nhiều nỗ lực, các sản phẩm OCOP của HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh đã có mặt tại hệ thống các siêu thị lớn trong cả nước.
Năm 2020, HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh cũng đã nỗ lực để nâng hạng sao cho sản phẩm trà rau má Tuấn Linh (đã đạt 3 sao năm 2019), tuy nhiên, do gặp phải một số khó khăn, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kế hoạch vẫn còn dang dở, đặc biệt trong khâu mở rộng thị trường, nâng cấp mẫu mã, bao bì, vùng nguyên liệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
 
Ông Nguyễn Quốc Hương cho biết, mong muốn của HTX là được hỗ trợ vay vốn để mở rộng dây chuyền sản xuất, vùng nguyên liệu... Đồng thời, trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP, nhất là OCOP 4 sao, các chủ thể rất cần được tập huấn nâng cao kiến thức để nâng hạng sao cũng như cập nhật thông tin, tiếp cận các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Một hạn chế của HTX là chưa phát huy hiệu quả thế mạnh của thương mại điện tử, trong đó có nguồn nhân lực, do đó, HTX rất kỳ vọng sẽ được hỗ trợ mạnh về mảng này để có hướng đi phù hợp trong tương lai.
 
Các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ trang trí của HTX mây tre đan Vân Sơn (Kim Hóa) là 1 trong 3 sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên của huyện miền núi Tuyên Hóa. Ông Lê Viết Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX mây tre đan Vân Sơn khẳng định, “thương hiệu” OCOP đã giúp HTX mở rộng thị trường, tiếp cận các khách hàng tiềm năng.
 
Hiện tại, sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ từ mây tre của HTX đã có mặt ở các tỉnh của nước bạn Thái Lan, Lào và rất được thị trường ưa chuộng. Khi được hỏi liệu HTX có ý định nâng sao cho sản phẩm của mình, ông Lê Viết Sơn chia sẻ, đó là mong muốn lớn của HTX, nhưng trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn. Để đạt được OCOP 4 sao, sẽ còn nhiều tiêu chí HTX phải hoàn thiện, trong khi các vấn đề về vốn để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường khâu quảng bá, giới thiệu, đáp ứng đa dạng hơn nhu cầu khách hàng... đang là “”vật cản” trước mắt.
 
Thời gian tới, HTX sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng tính đặc trưng, mang “thương hiệu” của sản phẩm HTX, qua đó, tạo điểm nhấn cho khách hàng, thu hút sự quan tâm của các thị trường tiềm năng, nhất là ở nước ngoài.
 
Ông Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020, đa số các chủ thể kinh tế ở nhóm sản phẩm 3 sao đã hiểu được nội dung trong triển khai chương trình OCOP, quan tâm đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, thực hiện các chứng nhận về chất lượng sản phẩm, như: kiểm nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn cơ sở.
 
Đồng thời, các chủ thể đã xây dựng kế hoạch, cam kết bảo vệ môi trường; xây dựng tài liệu giới thiệu về sản phẩm, thực hiện cải tiến bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch, đăng ký sở hữu nhãn hiệu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, xây dựng website cơ sở, liên kết đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang web có uy tín nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. 
Một số sản phẩm OCOP 3 sao của Quảng Bình nhiềm tiềm năng nâng hạng sao trong thời gian tới.
Một số sản phẩm OCOP 3 sao của Quảng Bình nhiềm tiềm năng nâng hạng sao trong thời gian tới.
Tuy nhiên, điểm hạn chế của các chủ thể đạt 3 sao là việc thực hiện liên kết chuỗi giá trị đang còn hạn chế, chỉ một số ít các cơ sở thực hiện liên kết chuỗi (thực hiện liên kết từ hai phía), còn lại các cơ sở đều thực hiện ký hợp đồng thu mua nguyên liệu (không phải là liên kết chuỗi).
 
Một số sản phẩm mới sản xuất nên quy mô, số lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Khả năng tiếp thị, quảng bá sản phẩm đang còn hạn chế, sản phẩm sản xuất ra đa số còn bán dưới dạng nhỏ lẻ, bán cho người dân, công tác kế toán chủ yếu theo thời vụ do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ. Bộ phận kinh doanh chủ yếu theo hình thức kiêm nhiệm, chưa có đội ngũ chuyên trách.
 
Chính vì vậy, năm 2020, Quảng Bình không có sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP cấp tỉnh. Ông Hoàng Tiến Cường cho biết thêm, để đạt “đẳng cấp” 4 sao, đòi hỏi sản phẩm phải trải qua quá trình chấm điểm khắt khe với nhiều tiêu chí được yêu cầu cao. Sắp tới đây, Quảng Bình sẽ triển khai khen thưởng cho các chủ thể đạt sản phẩm OCOP từ 3 sao cấp tỉnh trở lên, góp phần tạo động lực, hỗ trợ tích cực cho các chủ thể trong quá trình nâng hạng sao OCOP.
 
Để đạt mục tiêu đến năm 2025, Quảng Bình có từ 2-3 sản phẩm đạt 5 sao; 6-8 sản phẩm đạt 4 sao và 25-30 sản phẩm đạt 4 sao, ngay từ bây giờ, bên cạnh triển khai hiệu quả các kế hoạch, giải pháp đề ra đối với chương trình OCOP, tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ tích cực thông qua những chủ trương cụ thể, nhất là trong các khâu tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, quảng bá, phát triển thương mại điện tử, nhân lực chất lượng…, cho các chủ thể phát triển sản phẩm có khả năng đạt OCOP 4 sao trở lên.
 
Mai Nhân