Minh Hóa vào mùa mật ngọt

  • 08:19 | Thứ Bảy, 24/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng ba (âm lịch), trên khắp núi rừng Minh Hóa, khi hàng trăm loài hoa đua nhau bung nở, tỏa hương thơm ngát, cũng là lúc từng đàn ong nối nhau bay đi tìm mật. Và người nuôi ong Minh Hóa cũng sẵn sàng cho một mùa “thu hái” mật ngọt. 

Nuôi ong lấy mất

Nghề nuôi ong lấy mật đang phát triển tốt ở Minh Hóa

“Tháng ba - mùa con ong đi lấy mật”, từ rất lâu người nuôi ong ở Minh Hóa đã nắm rõ quy luật ấy nên khi tháng ba về, trên những cánh rừng, trong từng vườn nhà, hàng trăm loài hoa đua nhau khoe sắc, họ lại tất bật bước vào mùa chăm ong để thu mật ngọt.
 
Ông Đinh Long, Chủ tịch Hội Nuôi ong huyện Minh Hóa cho biết, nói là ong nuôi nhưng thực ra mật ong lấy được đều rất tự nhiên. Bởi lẽ, Minh Hóa là một huyện miền núi, phần lớn diện tích là rừng nên khí hậu rất trong lành, nguồn hoa rừng tự nhiên phong phú, nên mật ong nuôi ở đây rất thơm ngon, chất lượng không hề thua kém mật ong rừng.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm nuôi ong, ông Đinh Xuân Khách (thôn thôn Minh Xuân, xã Xuân Hóa), tháng 4 và tháng 5 (tháng ba và tháng tư âm lịch) là thời điểm đàn ong cho mật nhiều nhất.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm nuôi ong, ông Đinh Xuân Khách (thôn thôn Minh Xuân, xã Xuân Hóa) cho biết, tháng 4 và tháng 5 (tháng ba và tháng tư âm lịch) là thời điểm đàn ong cho mật nhiều nhất.

“Mật ong khai thác từ rừng là hoàn toàn tự nhiên, tuy nhiên, vì sản phẩm từ rừng do người dân đi khai thác, nên nhiều trường hợp bà con khai thác tổ ong chưa đủ độ chín nhất định hoặc chín già, khiến thủy phần trong mật ong thường rất cao (trên 30%), mật ong thường có vị chua và không giữ được lâu.

Những cầu mật của gia đình ông Khách nặng trĩu, hứa hẹn một mùa bội thu.

Những cầu mật của gia đình ông Khách nặng trĩu, hứa hẹn một mùa bội thu.

Đó là chưa kể, người mua thường gặp phải mật ong giả, mật ong pha chế có nhãn mác mật ong rừng của những kẻ buôn gian bán lận. Trong khi đó, ong nuôi ở Minh Hóa được chọn từ giống “ong nội”, sử dụng nguồn hoa rừng tự nhiên dồi dào, người nuôi biết được độ chín của mật để thu hoạch nên chất lượng mật ong luôn bảo đảm; đặc sánh, tỷ lệ thủy phần luôn ở mức dưới 20%, bảo quản được lâu và không bị hỏng”, ông Long chia sẻ.
 
Tuy nhiên, theo ông Long, để thu hoạch được mật bảo đảm chất lượng, người nuôi ong cũng phải nghiên cứu để hiểu, chăm sóc đàn ong của mình. Ong có đặc tính bầy đàn rất cao và nhạy cảm với các tác động của ngoại cảnh như thời tiết, ánh sáng và nhiệt độ. Người nuôi nếu muốn thành công, phải “hiểu” được ong; có các biện pháp thích hợp chống rét, chống nóng; thường xuyên vệ sinh thùng bảo đảm khô ráo và sạch sẽ. Có như vậy, đàn ong mới khỏe mạnh và cho năng suất mật cao.

Những chú ong cần mẫn, rời tổ đi tìm mật.

Những chú ong cần mẫn, rời tổ đi tìm mật.

Ông Đinh Xuân Khách (thôn Minh Xuân, xã Xuân Hóa), người có hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi ong cho biết: “Mùa thu mật ong chính thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, nhưng tháng 4 và tháng 5 (tháng ba và tháng tư âm lịch) vẫn là thời điểm đàn ong cho mật nhiều, chất lượng nhất. Gia đình tôi có 150 đàn ong, bình quân mỗi năm cho khoảng 2 tấn mật, thu về hơn 200 triệu đồng” .

Năm nay, thời tiết thuận lợi, các loài hoa bung nở nhiều nên ong tiết mật đều. Thời điểm này người nuôi ong ở Minh Hóa bắt đầu thu hoạch những lứa mật ong chính vụ đầu tiên trong năm. Hiện mật ong được bán với mức giá 120 nghìn đồng/1 chai 700ml. Đây là một mức giá rất hợp lý với cả người bán và người mua nên sản phẩm mật ong ở Minh Hóa thu vào đều được tiêu thụ hết. 

Mật ong nuôi Minh Hóa được bày bán tại Hội Rằm tháng ba Minh Hóa.

Mật ong nuôi Minh Hóa được bày bán tại Hội Rằm tháng ba Minh Hóa.

Nuôi ong không khó, lợi nhuận lại cao nên những năm qua, nghề nuôi ong đã không ngừng phát triển ở Minh Hóa. Theo thống kê của UBND huyện Minh Hóa, hiện nay, toàn huyện đã phát triển trên 3.000 đàn ong. Các địa phương, như: Xuân Hóa, Trung Hóa, Minh Hóa, Hóa Hợp, Hóa Phúc… có phong trào nuôi ong phát triển mạnh, bình quân mỗi mô hình cho thu nhập từ 50-120 triệu đồng/năm.

Ông Đinh Minh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, huyện đang định hướng phát triển nghề nuôi ong thành một sản phẩm chất lượng cao, gắn liền với sự phát triển du lịch của huyện. Những năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của các chương trình 135, MTQG giảm nghèo bền vững, huyện hỗ trợ người dân nhiều dự án nuôi ong nội lấy mật. Đặc biệt, tại 2 xã biên giới Dân Hóa và Trọng Hóa, được sự hỗ trợ của huyện, lần đầu tiên đồng bào Khùa, Mày nơi đây đã bắt đầu tiếp cận với nghề nuôi ong và thu được kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo nhanh và bền vững.
 
Thời tiết đang rất thuận lợi, hương sắc các loài hoa rừng, hoa nhà đang vào độ “chín”, những đàn ong chăm chỉ cũng đang cần mẫn đi tìm mật ngọt. Người nuôi ong cũng vậy,  họ cũng đang cần mẫn chăm sóc đàn ong, kỳ vọng một mùa bội thu mật ngọt…
 
Phan Phương