Mầm xanh trên luống đất cằn...

  • 15:14 | Chủ Nhật, 04/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vùng gò đồi xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch) vốn đất đai không màu mỡ, cuối năm 2020, lũ lụt lại vùi lấp nhiều diện tích đất sản xuất… Nhưng với bàn tay lao động cần cù của người nông dân, đất đã không phụ công người. Trên những luống đất bị phủ một màu trắng bạc, cằn cỗi ấy giờ đây đã hiện lên một cánh đồng rau trĩu quả, mướt xanh của lá, sắc vàng của hoa...
 
Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch Lê Ngọc Sơn nhớ lại, khi trận lũ lịch sử cuối năm 2020 đi qua, ngoài thiệt hại nhiều về tài sản, vật nuôi, còn có trên 26ha đất sản xuất của người dân bị bồi lấp. Khó lại chồng chất khó, bà con trên địa bàn xã đang loay hoay chưa biết phải xoay xở thế nào thì nhận được sự trợ giúp phù hợp, kịp thời của các bộ, ngành Trung ương và các cấp địa phương để bước vào khôi phục sản xuất, nhất là về giống, giá giống. 
Người dân thôn Khương Hà 3 cần mẫn chăm sóc loại cây trồng mới.
Người dân thôn Khương Hà 3 cần mẫn chăm sóc loại cây trồng mới.
Người dân vùng lũ Hưng Trạch như được hồi sinh, bắt tay vào vụ mới với nhiều hy vọng. Vụ đông-xuân 2020-2021, toàn xã Hưng Trạch sản xuất 265ha lúa, 10ha ngô, 10ha lạc và các loại đậu đỗ, ớt, rau. Trong đó, bà con trên địa bàn xã được hỗ trợ trên 1 tấn giống lúa; 0,8 tấn ngô...
 
Tuy nhiên, điều lo lắng, trăn trở nhất của chính quyền địa phương là số diện tích đất sản xuất bị vùi lấp; trong đó nặng nhất là diện tích đất của thôn Khương Hà 3. Ngay sau đó, Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã nghiên cứu, khảo sát thực địa và giao Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh thực hiện mô hình trồng thí điểm các loại bí ngô trên đất sét bị vùi lấp do mưa lũ tại thôn Khương Hà 3.
 
Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn và động viên của chính quyền địa phương, người dân thôn Khương Hà 3 đã mạnh dạn chuyển đổi “cải tạo” đất, khẩn trương tiến hành gieo giống cây trồng mới.
 
Mô hình thí điểm trồng các loại bí ngô trên đất sản xuất bị lũ lụt vùi lấp có diện tích 1ha, trồng trên 770 gốc bí đủ các loại khác nhau, như: bí siêu đọt, bí hồ lô, bí ruột đỏ, bí xanh. Hình thức sản xuất theo tập thể, có 12 hộ dân ở thôn Khương Hà 3 cùng tham gia. Đến nay, sau 3 hơn tháng thực hiện gieo trồng, mô hình đã cho kết quả hơn mong đợi.
 
Đi giữa ruộng bí xanh mơn mởn, ông Lê Xuân Uyển, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Khương Hà 3-“vị thủ lĩnh” của 12 hộ tham gia mô hình, cho biết: “Dưới sự trợ giúp, kết nối và hướng dẫn tận tình của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, mọi công đoạn từ hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp đến việc chuyển giao kỹ thuật và thu hoạch... diễn ra khá thuận lợi, bà con yên tâm sản xuất, mở ra hướng đi mới với nhiều triển vọng.”
 
Vừa thu hoạch lứa thứ hai các loại bí để cung cấp cho các khách hàng ở TP. Đồng Hới, bà Hoàng Thị Riền (một thành viên cao tuổi) chia sẻ: “Được sự giúp đỡ của xã, huyện, tỉnh, Trung ương, 12 hộ thành viên luôn đoàn kết, nhắc nhở nhau tích cực chăm sóc ruộng bí ngô đúng phương pháp, cố gắng vì một vụ mùa bội thu. Bà con ai cũng mong ước “trời yên, bể lặng” để kết thúc tốt đẹp vụ này còn lấy đà tiếp tục sản xuất vụ sau.”
 
Theo ông Lê Xuân Uyển,  các loại bí ngô mỗi năm trồng được 2 vụ: đông-xuân và hè-thu; đến sau tháng 9 mưa lũ là khó sản xuất được. Mỗi vụ thu hoạch nhiều lứa cả bí quả và bí đọt. Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên bí sai quả, hoa nhiều, đọt bí đồng đều. Tính sơ bộ ban đầu, vụ này sản lượng đạt khoảng 7 tấn bí quả, chưa kể đọt bí; so với lúa, bí ngô sẽ cho hiệu quả gấp 2 đến 3 lần. Sắp tới, theo nhu cầu thị trường tiêu thụ nên bà con có thể mở rộng thêm diện tích trồng bí siêu đọt và thu hoạch thêm hoa bí. 
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư tỉnh nỗ lực kêu gọi các công đoàn trong ngành và một số nhà hàng, đơn vị trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm sạch từ bí ngô.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư tỉnh nỗ lực kêu gọi các công đoàn trong ngành và một số nhà hàng, đơn vị trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm sạch từ bí ngô.
So với các loại cây trồng, bí dễ trồng, có khả năng phù hợp thời tiết quanh năm, nhưng hợp nhất là vụ đông- xuân, nếu trồng trái vụ thì chắc giá thành có thể cao hơn. Tin mừng là sắp tới bà con vẫn tiếp tục được hỗ trợ giống để sản xuất...
 
“Thực ra, sẽ còn 4 đến 5 lứa thu hoạch của vụ này, thu nhập chưa biết được bao nhiêu, nhưng có việc làm và được “mùa quả ngọt” thế này, tinh thần của bà con phấn khởi là thành công lắm”, ông Lê Xuân Uyển chia sẻ thêm.
 
Được biết, hiện Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư tỉnh đang tích cực kêu gọi các công đoàn trong ngành và một số nhà hàng, đơn vị trên địa bàn tiêu thụ các sản phẩm từ mô hình thí điểm này để bước đầu hỗ trợ tạo thương hiệu cho bà con. Sau này, khi có khách hàng ổn định, bà con mới tự tìm thêm các đầu mối để tiêu thụ.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch cho biết: “Các loại bí, nhất là bí hồ lô hiện được thị trường ưa chuộng vì đây là thực phẩm được các nhà khoa học đánh giá nhiều dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin A, chất béo, bột, đường, khi nấu ăn có vị thơm và dẻo. Đây cũng là giống bí cho năng suất cao, bảo quản được lâu ngày. Sau hơn 3 tháng thực hiện, mô hình thí điểm trồng bí trên đất bị vùi lấp do mưa lũ tại xã Hưng Trạch được đánh giá đạt hiệu quả, năng suất cao, tiêu thụ thuận lợi, người dân rất phấn khởi.
 
Thời gian tới, huyện cũng có kế hoạch tuyên truyền để sản phẩm nông sản của bà con được tiêu thụ thuận lợi hơn. Từ mô hình này, Bố Trạch sẽ phát huy hiệu quả kinh tế, tận dụng diện tích đất gò đồi, đất trống để nhân rộng mô hình, mang lại thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn”.
 
                                                                                                Hương Trà