Hoạt động khai thác khoáng sản tại huyện Tuyên Hóa: Tiềm ẩn nguy cơ thất thu thuế

  • 08:34 | Thứ Tư, 07/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2020, huyện Tuyên Hóa được UBND tỉnh giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 59,2 tỷ đồng; riêng số thu từ khai thác khoáng sản (như: thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và tiền thuê đất) là 14,6 tỷ đồng. Điều này cho thấy nguồn thu thuế từ lĩnh vực tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Tuyên Hóa chiếm tỷ trọng khá cao.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng quản lý thuế trên địa bàn, tình trạng thất thu thuế trong khai thác khai thác khoáng sản là không hề nhỏ. Cá biệt có một số doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản chây ỳ, nợ đọng thuế kéo dài.
 
Báo cáo của Chi cục Thuế khu vực Tuyên Hóa-Minh Hóa cho biết, các hành vi chủ yếu dẫn đến thất thu thuế trong khai thác khoáng sản là DN kê khai không đúng khối lượng khai thác bán ra, một số DN khai thác cát vượt quá công suất cho phép nhưng không xuất hóa đơn theo khối lượng khai thác thực tế hoặc sản lượng khi nhập kho kê khai ít hơn thực tế khai thác và số lượng đã xuất bán. 
Kiểm tra tại bàn hồ sơ khai thuế các doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại Chi cục Thuế khu vực Tuyên Hóa-Minh Hóa.
Kiểm tra tại bàn hồ sơ khai thuế các doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại Chi cục Thuế khu vực Tuyên Hóa-Minh Hóa.
Ông Hoàng Thế Cương, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thuế khu vực Tuyên Hóa-Minh Hóa cho biết, thời gian qua, đơn vị đã triển khai mạnh mẽ các biện pháp để quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác khoáng sản, như: tăng cường kiểm tra hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế (kiểm tra tại bàn), thường xuyên theo dõi việc kê khai nộp thuế của các tổ chức, doanh nghiệp khai thác tài nguyên để so sánh với trữ lượng, công suất đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Mặt khác, đơn vị tiến hành kiểm tra tại trụ sở các DN về việc kê khai nộp thuế khai thác tài nguyên khoáng sản; so sánh sản lượng kê khai thuế với trữ lượng, công suất đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trong khai thác tài nguyên, khoáng sản; xử lý hành vi khai sai, khai thiếu sản lượng đã khai thác nhằm mục đích trốn thuế, né thuế làm thất thu ngân sách; tích cực tham mưu và cử cán bộ tham gia phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành chống thất thu trên địa bàn, nhất là trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.
 
Riêng năm 2020, qua kiểm tra tại trụ sở các DN, người nộp thuế, Chi cục Thuế khu vực Tuyên Hóa-Minh Hóa đã phát hiện và truy thu thuế, xử phạt đối với 5 đơn vị khai thác khoáng sản; trong đó, truy thu thuế tài nguyên số tiền hơn 41,3 triệu đồng, phí bảo vệ môi trường hơn 36,5 triệu đồng, thuế giá trị gia tăng hơn 10,6 triệu đồng, thuế thu nhập DN 87,6 triệu đồng, giảm khấu trừ gần 17,5 triệu đồng và xử phạt 55,3 triệu đồng.
 
Những con số này cho thấy tình trạng thất thu thuế trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Tuyên Hóa thời gian qua là khá lớn.
 
Theo chân các cán bộ Chi cục Thuế khu vực Tuyên Hóa-Minh Hóa, chúng tôi đã có dịp tiếp cận một mỏ khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng tại lèn Thanh Thủy, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa. Theo quan sát, đơn vị khai thác chưa lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác và chưa lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan theo quy định (Nghị định số 158/2016/NĐ-CP, ngày 29-11-2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản năm 2010-PV). DN này được cấp phép khai thác trữ lượng hơn 28.500m3/năm.
 
Tuy nhiên, theo số liệu kê khai thuế của đơn vị, cả năm 2020 chỉ khai thác được hơn 11.000m3. Giải thích về việc sản lượng khai thác không đạt trữ lượng cho phép khai thác, đại diện đơn vị cho biết, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên sản lượng tiêu thụ giảm, đơn vị không khai thác hết công suất thiết kế.
 
Tương tự, 2 mỏ khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường của 2 DN tại lèn Thông Lĩnh, xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa cũng chưa lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; chưa lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan theo quy định; có 1 DN chưa khai thác hết trữ lượng cho phép trong năm. Trong số các đơn vị kể trên có 2 DN đang nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
 
Quan điểm chung của các chủ DN khai thác tài nguyên khoáng sản mà chúng tôi có dịp tiếp xúc là đề xuất cơ quan chức năng tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ thiết thực cho DN về vốn, thời gian gia hạn nộp thuế dài hơn; đồng thời, giảm các loại thuế, tiền thuê đất với tỷ lệ cao hơn trước đây để giúp DN vượt khó. 
Một mỏ khai thác đá ở xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa.
Một mỏ khai thác đá ở xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa.
Cũng theo ông Hoàng Thế Cương, thời gian qua, Chi cục Thuế khu vực Tuyên Hóa-Minh Hóa đã yêu cầu các DN hoạt động khai thác khoáng sản phải hoàn thành việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát theo quy định. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn nhiều DN chưa thực hiện việc lắp đặt hoặc đã lắp đặt nhưng không hoạt động và không lưu trữ thông tin, số liệu liên quan.
 
Chi cục đã báo cáo, đề xuất các cấp, ngành chức năng nhưng việc kiểm tra thực hiện chưa quyết liệt; sự phối hợp quản lý giữa các ban, ngành chức năng chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ dẫn đến khó khăn cho cơ quan Thuế trong việc kiểm tra, giám sát sản lượng khai thác, gây thất thu thuế cho ngân sách.
 
Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản, ông Cương cho rằng: "Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thuế; có nhiều hình thức hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế kê khai, nộp thuế; UBND các cấp cần chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong việc quản lý hoạt động khai thác khoáng sản để cơ quan thuế nắm được khối lượng, chủng loại khoáng sản có liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của DN".
 
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết hiện tại việc tính phí bảo vệ môi trường của cơ quan thuế còn nhiều vướng mắc liên quan đến việc xác định sản lượng các loại đá thành phẩm khi quy đổi ra số lượng khoáng sản nguyên khai để làm căn cứ tính phí bảo vệ môi trường. Nghị định số 12/2016/NĐ-CP, ngày 19-2-2016 của Chính phủ quy định: “Trường hợp khoáng sản khai thác phải qua sàng, tuyển, phân loại, làm giàu trước khi bán ra và các trường hợp khác mà cần thiết phải quy đổi, căn cứ điều kiện thực tế khai thác và công nghệ chế biến khoáng sản trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cục thuế địa phương để trình UBND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ tính phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương”.
 
Tuy nhiên, hiện UBND tỉnh chưa ban hành quyết định quy định tỷ lệ quy đổi nên việc xác định sản lượng khai thác khoáng sản để tính phí bảo vệ môi trường các loại đá sau khi chế biến còn chưa thống nhất.
 
Nguyễn Hoàng-Hữu Nghị