Doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa

  • 10:38 | Thứ Năm, 22/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, đặc biệt là các doanh nghiệp phụ thuộc thị trường đầu ra ở nước ngoài.
 
Mặt hàng xuất khẩu của tỉnh hiện nay chủ yếu là gỗ ván ép, dăm gỗ, thủy sản, tinh bột sắn, cao su, hàng may mặc... Trong lĩnh vực may xuất khẩu, hiện toàn tỉnh có 35 doanh nghiệp, tập trung tại các địa bàn TP. Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Ninh, Quảng Trạch và Lệ Thủy. Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong những năm qua (giai đoạn 2015-2019 tăng bình quân 12,5%/năm) và giải quyết việc làm nhiều nhất trong lao động sản xuất công nghiệp trên địa bàn (gần 5.000 lao động). Tuy  nhiên, năm 2020 và các tháng đầu năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên sản phẩm áo sơ mi các loại sản xuất giảm so với cùng kỳ.
 
Ông Võ Xuân Trung, Giám đốc Xí nghiệp may Hà Quảng cho biết, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường tiêu dùng trên thế giới và trong nước sụt giảm nghiêm trọng, số lượng các đơn hàng sơ mi truyền thống giảm gần 40% (quý II-2020 sụt giảm gần 70%). Tình hình nguyên phụ liệu các đơn hàng thường xuyên bị gián đoạn hoặc về không kịp thời gian dự kiến do các nước đóng cửa biên giới ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Đặc biệt, năm 2020, doanh thu của công ty chỉ đạt 77% so với cùng kỳ 2019.
 
Ngành ván ép và dăm gỗ xuất khẩu cũng gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Từ cuối năm 2020, các doanh nghiệp phần lớn đều bị cắt giảm đơn hàng hoặc nhập khẩu với giá tương đối thấp nên lượng hàng tồn kho khá lớn. Bên cạnh đó, vùng nguyên liệu ở tỉnh chưa được quy hoạch tốt, giá nguyên liệu tại địa phương cao hơn các tỉnh lân cận, đặc biệt, rừng trồng tại tỉnh Quảng Bình chưa có Chứng chỉ FSC nên khó khăn khi nhập khẩu vào thị trường EU, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất của các doanh nghiệp. 
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ của ngành dệt may.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ của ngành dệt may.
Chế biến cao su xuất khẩu là một trong những thế mạnh của Quảng Bình từ trước đến nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc. Những năm qua, do giá giảm mạnh và thiếu ổn định, thu nhập từ trồng cao su không có lãi, nhiều người dân đã phá bỏ chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Mặt khác, do ảnh hưởng của đại dịch mà các đơn hàng bị cắt giảm, giảm giá thành nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất. Hiện toàn tỉnh có 7 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nhưng trong quý I-2021, sản lượng cao su tổng hợp và cao su tự nhiên chỉ đạt 96 tấn, giảm 33,8% sovới cùng kỳ năm 2020. Ngành chế biến thủy sản xuất khẩu cũng tương tự, do hoạt động xuất khẩu khó khăn nên từ giữa năm 2020, các doanh nghiệp đã chuyển hướng thị trường tiêu thụ tại nội địa, vì vậy, tăng trưởng không cao.
 
Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp của tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thiếu vốn, khả năng tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại còn hạn chế. Năng lực cạnh tranh hàng hóa, ngành hàng còn kém, giá thành cao, chất lượng sản phẩm thấp so với chuẩn quốc tế. Trên địa bàn tỉnh chưa có các trung tâm logistics quy mô được quy hoạch ở các đầu mối để kết nối các loại phương tiện vận tải trên địa bàn, các điểm logistics chưa được đầu tư xây dựng trên các tuyến quốc lộ (1A, đường Hồ Chí Minh) và tại các cảng biển của tỉnh nên chi phí vận chuyển tương đối cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa.
 
Ngoài ra, cảng biển Hòn La có luồng vào cảng còn cạn, tàu có trọng tải lớn khó cập cảng để vận chuyển hàng hóa. Hoạt động vận chuyển hàng hóa từ tàu tới cảng thực hiện hoàn toàn thủ công, chi phí cao, nâng giá thành sản phẩm. Việc xuất khẩu và mở tờ khai hải quan tại cảng Hòn La hạn chế, chỉ mới chiếm 15-20%, phần lớn các doanh nghiệp đều mở tờ khai hải quan tại cảng Hải Phòng, chiếm gần 60%, nên gây áp lực về thời gian và tiến độ giao hàng của các doanh nghiệp. Đặc biệt, hiện nay, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang gặp khó khăn trong việc thuê container rỗng (trên phạm vi toàn quốc), đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến giá thành, hàng hóa xuất khẩu bị tồn kho mà không xuất đi được.
 
Để tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ hàng hóa, hiện các doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và tổ chức tiêu thụ một số mặt hàng tại thị trường nội địa, như: thủy sản, dệt may, ván gỗ ép... Riêng ngành dệt may, ngoài sản xuất áo quần các loại xuất khẩu, thời gian qua, các doanh nghiệp đã sản xuất thêm các mặt hàng khác, như: khẩu trang vải, áo phông… và có kế hoạch chuyển hướng sản xuất các sản phẩm khác để tiêu thụ tại thị trường nội địa nhằm tạo việc làm, duy trì thu nhập cho người lao động.
 
Ông Hồ Nhật Bình, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) cho biết, thời gian qua, Sở Công thương cũng đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn. Trong đó, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, nâng cao tay nghề đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các ngành hàng xuất khẩu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các thị trường mới, thị trường có tiềm năng... Bên cạnh đó, Sở cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần nắm bắt kịp thời các chính sách của Nhà nước để sớm tiếp cận với chính sách mới, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; chủ động tổ chức lại sản xuất, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ… qua đó, vượt qua khó khăn sau mùa dịch, bảo đảm sản xuất kinh doanh ổn định.
 
T. Hoa