Tập trung phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng

  • 10:29 | Thứ Ba, 02/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn biến phức tạp là môi trường thuận lợi để các loại sâu bệnh hại cây trồng phát triển. Để bảo vệ diện tích cây trồng vụ đông-xuân phát triển tốt, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tăng cường điều tra, dự báo tình hình sâu bệnh, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ hiệu quả.
 
Vụ đông-xuân 2020-2021, toàn tỉnh gieo trồng 29.440ha lúa, 3.717ha ngô, 3.361ha lạc, 1.678ha khoai lang, 2.299ha rau màu các loại, 4.004ha sắn… Đến thời điểm hiện tại, các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Đối với cây lúa, diện tích lúa trà sớm đang trong giai đoạn đẻ nhánh, trà chính vụ 4-5 lá.
 
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, do thời tiết âm u, thời điểm sáng và tối có sương mù, mưa phùn, độ ẩm cao đã làm cho nhiều loại sâu bệnh phát sinh, phát triển gây hại, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của các loại cây trồng, nhất là trên cây lúa và cây ngô.
Người dân xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa.
Người dân xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa.
Tại huyện Bố Trạch, thời điểm hiện tại, hơn 200ha lúa đông-xuân đã xuất hiện rệp muội, bọ trĩ... Để bảo vệ cây trồng, UBND huyện Bố Trạch đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân bám sát đồng ruộng, theo dõi tình hình các loại sâu bệnh trên cơ sở khuyến cáo của các phòng, ban chuyên môn để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
 
Ông Nguyễn Cẩm Long, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (PTNT) huyện Bố Trạch cho biết, công tác phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng đã được huyện xây dựng kế hoạch ngay từ đầu vụ. Theo đó, huyện đã dự báo được những loại sâu bệnh có thể phát sinh, phát triển theo từng thời điểm cụ thể. Do vậy, công tác phòng trừ sâu bệnh tại các xã, thị trấn đều được chủ động. Thời điểm hiện tại, trên một số diện tích lúa đông-xuân đã xuất hiện sâu bệnh gây hại, tuy nhiên, mật độ ở mức thấp. Vì vậy, huyện đang chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, đôn đốc bà con thực hiện các biện pháp phòng trừ hiệu quả; đồng thời khuyến cáo nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học để phun trừ sâu bệnh.
 
Trên cánh đồng xã Duy Ninh (Quảng Ninh), người dân đang tích cực làm cỏ và chăm sóc cây lúa vụ đông-xuân. Bà Nguyễn Thị Âu, thôn Hiển Vinh, xã Duy Ninh cho biết: “Vụ đông-xuân năm nay, gia đình tôi làm 3 mảnh ruộng với diện tích hơn 10.000m2. Hiện tại, cây lúa sinh trưởng tốt nhưng có hiện tượng xuất hiện rệp muội và ốc bươu vàng. Tôi đang tiến hành bắt và thu gom ốc bươu vàng bằng tay, nếu ốc tiếp tục sinh trưởng và phát triển sẽ sử dụng thuốc để phòng trừ theo khuyến cáo của cán bộ nông nghiệp huyện”.
 
Ông Nguyễn Xuân Kỷ, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Ninh cho biết, toàn huyện đã gieo cấy hơn 5.000ha lúa vụ đông-xuân. Lúa trà sớm đang trong giai đoạn bắt đầu đẻ nhánh, trà chính vụ giai đoạn mạ mũi chông. Thời điểm lúa bắt đầu đẻ nhánh đã xuất hiện bọ trĩ, rệp muội hại lúa. Do đó, huyện đã cử cán bộ chuyên môn kiểm tra, theo dõi tình hình sâu bệnh; đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân bám sát đồng ruộng, theo dõi diễn biến của sâu bệnh để thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời. Hiện tại, trên diện tích lúa đang tiếp tục xuất hiện một số loại sâu bệnh phổ biến, như: rệp muội, ốc bươu vàng, tuyến trùng… Trên một số diện tích trồng ngô xuất hiện sâu keo mùa thu, sâu xám đang gây hại và dự báo sẽ tiếp tục phát triển. Vì thế, cùng với việc cử cán bộ trực, bám sát, theo dõi đồng ruộng để đưa ra khuyến cáo phòng trừ phù hợp, huyện đang tập trung chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn tăng cường thực hiện công tác chỉ đạo, tuyên truyền các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh phù hợp.
 
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp-PTNT, thời điểm hiện tại đã có nhiều loại sâu bệnh gây hại trên cây trồng vụ đông-xuân. Trên cây lúa: có 276ha nhiễm bệnh rệp muội (Quảng Ninh 120ha, Bố Trạch 100ha, Minh Hóa 27ha…), 207ha nhiễm bệnh bọ trĩ (Bố Trạch 100ha, Lệ Thủy 46ha, Quảng Trạch 30ha…), 154ha bị chuột phá hoại (Lệ Thủy 65ha, Bố Trạch 35ha, Quảng Trạch 20ha…)... Ngoài ra, còn có 81ha bị nhiễm tuyến trùng, 45ha nhiễm bệnh đốm nâu, 35ha nhiễm bệnh đạo ôn lá…
 
Trên cây ngô xuất hiện sâu keo mùa thu với diện tích 51ha, 45ha bị bệnh đốm lá và 20ha nhiễm bệnh sâu xám. Sâu ăn lá trên cây rau, mật độ sâu phổ biến 3-5 con/m2. Ngoài ra, bệnh vàng lá chết chậm cũng gây hại nhẹ, rải rác trên cây hồ tiêu tại huyện Quảng Trạch và Lệ Thủy.
Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Ninh hướng dẫn người dân chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây rau.
Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Ninh hướng dẫn người dân chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây rau.
Ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, dự báo thời gian tới sâu bệnh sẽ tiếp tục phát sinh gây hại trên lúa trà sớm, trà chính vụ và các loại cây trồng khác. Để bảo vệ các loại cây trồng vụ đông-xuân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương chỉ đạo cán bộ chuyên môn và bà con nông dân tập trung, nỗ lực thực hiện có hiệu quả các biện pháp, như: thường xuyên theo dõi, bám sát đồng ruộng để phát hiện sớm các loại sâu, bệnh phát sinh, từ đó có biện pháp phòng trừ kịp thời, phù hợp. Khi sâu bệnh đến ngưỡng cần phải thực hiện phun trừ, khuyến cáo bà con nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
 
Theo dự báo, từ nay đến cuối vụ, bệnh rệp muội, bọ trĩ, ốc bươu vàng, tuyến trùng, chuột, bệnh đạo ôn lá...tiếp tục phát sinh gây hại trên lúa trà sớm, trà chính vụ. Bệnh sâu keo mùa thu, sâu xám, đốm nâu sẽ có chiều hướng gia tăng tại một số địa phương. Sâu ăn lá tiếp tục phát sinh gây hại trên cây rau...Do đó, Chi cục khuyến cáo bà con nông dân cần chủ động và tăng cường kiểm tra đồng ruộng; đồng thời, tập trung phòng trừ các loại sâu bệnh và chuột hại theo hướng dẫn của cơ quan, cán bộ chuyên môn nhằm bảo đảm hiệu quả cao nhất.
                                                                                                                                                 Lan Chi