Những quả "đấm thép tan chảy"...

  • 10:58 | Thứ Năm, 11/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vài năm trước đây, người dân xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch) hồ hởi khi dự án nhà máy luyện gang thép của Công ty TNHH Anh Trang (có địa chỉ tại TP. Đồng Hới) bắt đầu được hình thành trên mảnh đất thuần nông bao đời.
 
Người dân mường tượng khi nhà máy đi vào hoạt động, con em họ sẽ có việc làm ổn định, cơ hội đổi đời ngay trên quê hương mình. Cơ quan hoạch định chính sách kỳ vọng sẽ có cơ sở sản xuất công nghiệp hiện đại, còn các đơn vị kinh doanh tiền tệ thì có khách hàng tiềm năng với số vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng.
 
Vậy mà mọi dự định đều nằm trên giấy khi máy móc được công ty này nhập về nhưng dự án lại “đắp chiếu” không thể triển khai theo kế hoạch. Hơn 550 tỷ đồng tính cả gốc và lãi vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (thời điểm tháng 5-2018), có nguy cơ bị mất trắng do quả “đấm thép” này bắt đầu có dấu hiệu "tan chảy". Trong khi đó, tài sản thế chấp của công ty chỉ là 3 lô thiết bị máy móc chưa lắp ráp và một số tài sản trên 2 thửa đất có tổng diện tích trên 287.000m2 ở xã Quảng Phú, được định giá chỉ trên 23 tỷ đồng.
 
Sau 5 lần giảm giá, số tài sản kê biên của công ty đã bán cho người đấu giá thành với số tiền trên 14 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, như: cưỡng chế, kê biên, phí giám định và thẩm định giá, lệ phí bán đấu giá, án phí…, số tiền thanh toán cho phía ngân hàng (bên được thi hành án) là hơn 13,9 tỷ đồng.     
 
Dự án không thể triển khai do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cốt lõi là khi Bộ Công thương có chủ trương loại nhà máy này ra khỏi quy hoạch với lý do quy mô nhỏ, triển khai chậm, năng lực chủ đầu tư yếu…, dập tắt hoàn toàn hy vọng để tồn tại của chủ đầu tư.
 
Không chỉ riêng dự án nhà máy luyện gang thép nói trên, cơ quan chức năng đang tiếp tục xử lý một số trường hợp liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng có số tiền rất lớn, đó là: Công ty Cosevco 6 với số tiền gần 1.000 tỷ đồng, Công ty CP giấy Lệ Thủy gần 350 tỷ đồng…
 
Ngoài ra, hàng loạt công ty nổi đình nổi đám một thời cũng lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất, buộc các bên có liên quan phải ra tòa án phân xử để đấu giá tài sản thi hành án theo quy định hiện hành.
 
Có lẽ rồi đây để thu hồi toàn bộ số tiền mà doanh nghiệp đã vay vốn từ ngân hàng sẽ là câu chuyện dài, nhưng các dự án lớn không thể triển khai hoàn thành và một số doanh nghiệp thua lỗ do chủ quan đã làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, lãng phí tài nguyên của địa phương, trong khi người lao động không có việc làm để nâng cao đời sống và thu nhập.
 
Thiết nghĩ, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành khắp các châu lục khiến nền kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, các doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc đầu tư ngành nghề kinh doanh thiết thực; đồng thời cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát để hạn chế “bánh vẽ” dự án nhằm giảm thiểu rủi ro đối với nền kinh tế và những hệ lụy đối với lĩnh vực tín dụng tiền tệ.  
 
Trần Minh Văn