Các làng nghề truyền thống sản xuất nước mắm: Gian nan hành trình vươn xa

  • 07:50 | Thứ Bảy, 20/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, trong đó có nghề sản xuất nước mắm đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng nghìn lao động nông thôn hiện nay. Tuy nhiên, các làng nghề này đang gặp không ít khó khăn, như: thiếu nguyên liệu, đầu ra chưa ổn định, thiếu sự liên kết sản xuất...
 
Thiếu nguyên liệu
 
Cá cơm, cá nục lâu nay là nguyên liệu chính phục vụ sản xuất của các làng nghề chế biến nước mắm truyền thống ở tỉnh ta. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn nguyên liệu bắt đầu khan hiếm, giá cao nên các cơ sở chế biến sản xuất cầm chừng. Các làng nghề sản xuất nước mắm đang mong chờ vụ cá năm nay bội thu để cơ sở hoạt động đủ công suất, giảm giá thành nguyên liệu đầu vào.
 
Làng nghề chế biến, sản xuất thủy sản thôn Xuân Hòa, xã Quảng Xuân (Quảng Trạch) có nghề truyền thống chế biến nước mắm từ lâu đời. Sản xuất nước mắm ở đây chủ yếu bằng phương pháp thủ công, được truyền từ đời này sang đời khác, hương vị nước mắm nguyên chất đậm đà, thơm ngon, không dùng các hóa chất phụ gia trong chế biến. Nhờ vậy, sản phẩm nước mắm của địa phương được người tiêu dùng tín nhiệm, đánh giá cao về chất lượng.
 
Năm 2007, người dân nơi đây đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã (HTX) chế biến, sản xuất thủy sản Hòa Vang nhằm thu mua nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm cho người dân địa phương. Nhờ có nguồn nguyên liệu dồi dào, hàng năm, HTX thu mua khoảng 80 tấn cá của bà con để làm nước mắm, 50 tấn ruốc tươi để chế biến mắm ruốc. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn nguyên liệu để làm nước mắm ngày càng khan hiếm, HTX hiện sản xuất cầm chừng để giữ nghề, mỗi năm, HTX chỉ thu mua được khoảng 20 tấn cá tươi để sản xuất. Do nguồn nguyên liệu khan hiếm nên không thể mở rộng sản xuất, sản phẩm không có để xuất bán thị trường ngoại tỉnh. 
Nguyên liệu sản xuất hạn chế nên các cơ sở nước mắm trên địa bàn tỉnh sản xuất cầm chừng, không đủ công suất.
Nguyên liệu sản xuất hạn chế nên các cơ sở nước mắm trên địa bàn tỉnh sản xuất cầm chừng, không đủ công suất.
Theo bà Nguyễn Thị Phiếu, Giám đốc HTX chế biến thủy sản Hòa Vang, từ bao đời nay, HTX luôn sử dụng cá cơm tươi ngon kết hợp với muối trắng cất 3 năm cùng với các bí quyết ướp, chượp…mới làm ra được thương hiệu nước mắm Hòa Vang như ngày nay. Thời gian qua, dù thiếu nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp mời chào mua sản phẩm cá đông lạnh để làm nhưng HTX không muốn đánh mất thương hiệu nên chỉ sản xuất cầm chừng khoảng 20 tấn cá/năm. Mong vụ mùa năm nay cá sẽ bội thu, HTX không còn lo thiếu nguyên liệu.
 
Tình trạng khan hiếm nguyên liệu không chỉ xảy ra ở làng nghề thôn Xuân Hòa mà còn ở hầu hết các làng nghề chế biến thủy hải sản truyền thống trên địa bàn toàn tỉnh. Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch (Bố Trạch) cho biết: "Những năm gần đây, sản lượng thai thác hải sản ở Nhân Trạch cũng giảm mạnh, nếu như năm 2016, sản lượng khai thác thủy sản luôn đạt trên 3.500 tấn thì nay giảm còn 3.000 tấn. Đặc biệt, nguyên liệu để sản xuất nước mắm, như: cá cơm, cá nục, ngày càng khan hiếm, giá thành tăng cao nên người dân làm nước mắm truyền thống chỉ sản xuất cầm chừng, không đủ nguyên liệu để mở rộng mô hình".
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do khan hiếm, nên giá cá cơm nguyên liệu hiện nay tại các làng nghề sản xuất nước mắm tăng cao hơn nhiều so với trước, từ dưới 10.000/kg tăng lên 15.000-18.000/kg. Trong khi đó, giá nước mắm truyền thống bán ra thị trường lại không tăng khiến việc sản xuất, kinh doanh ở các làng nghề càng khó khăn hơn.
 
Đánh mất cơ hội mở rộng thị trường
 
Không chỉ gặp khó khăn về nguyên liệu, các làng nghề sản xuất nước mắm trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, như: đầu ra chưa ổn định, thiếu sự liên kết trong sản xuất, chưa xây dựng được nhãn hiệu đủ mạnh để vươn ra các thị trường tiềm năng…
 
Thực tế nhiều năm trước đây, các làng nghề sản xuất nước mắm trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công các nhãn hiệu nước mắm cho riêng mình và được nhiều người biết đến, như: nước mắm Quy Đức, nước mắm Nhân Nam…Tuy nhiên, hiện nay, các làng nghề sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, không còn sử dụng và duy trì được nhãn hiệu nên đã tự mình đánh mất cơ hội xuất hiện ở các thị trường lớn tiềm năng. Đầu ra của làng nghề nước mắm truyền thống hiện nay chủ yếu là người địa phương, thân quen, số ít là khách du lịch được truyền miệng về chất lượng sản phẩm nên tìm đến đặt mua.
 
Nhân Nam là nhãn hiệu nước mắm của làng nghề sản xuất và chế biến hải sản của xã Nhân Trạch (Bố Trạch). Năm 2010, làng nghề được được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể và lấy tên là Nhân Nam. Tuy nhiên, trong hơn 500 hộ dân làm nghề nước mắm truyền thống chỉ còn 2 hộ đăng ký sử dụng nhãn hiệu “nước mắm Nhân Nam”. Con số hiếm hoi đó cho thấy, người dân nơi đây vẫn chưa mặn mà với nhãn hiệu sản phẩm đã được bảo hộ. Nhiều hộ dân cho rằng, việc đăng ký sử dụng nhãn hiệu khá nhiều thủ tục, khiến họ ngại thực hiện. Bên cạnh đó, hầu hết hộ làm nghề nước mắm truyền thống ở Nhân Trạch đều có “bạn hàng riêng”, bán không hết mùa này thì mùa sau bán tiếp nên họ không nghĩ đến việc phát triển thêm thương hiệu, mở rộng sản xuất.
Thiếu nhãn mác được bảo hộ, không nhiều sản phẩm nước mắm của Quảng Bình có cơ hội vươn ra các thị trường tiềm năng.
Thiếu nhãn mác được bảo hộ, không nhiều sản phẩm nước mắm của Quảng Bình có cơ hội vươn ra các thị trường tiềm năng.
Rõ ràng, bảo hộ nhãn hiệu tạo cơ hội cho sản phẩm đặc trưng địa phương, sản phẩm làng nghề phát triển, nâng hiệu quả kinh tế, thế nhưng, không chỉ làng nghề sản xuất nước mắm Nhân Nam mà làng nghề nước mắm Quy Đức, xã Đức Trạch (Bố Trạch) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Năm 2001, nước mắm Đức Trạch được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể và lấy tên là Quy Đức nhưng năm 2015, nhãn hiệu hết hạn bảo hộ, địa phương đã không làm thủ tục gia hạn nhãn hiệu.
 
Theo ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch, khi làng nghề có nhãn hiệu chung sẽ tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc sản xuất nước mắm của địa phương vẫn còn mang nặng tính truyền thống, theo quy trình "gia truyền" của từng cơ sở, từng hộ gia đình, vì thế rất khó bảo đảm được độ đồng đều của sản phẩm nên việc sử dụng nhãn hiệu chung của làng nghề khó khăn. Hiện ở Đức Trạch, các hộ sản xuất tự xây dựng nhãn hiệu cho riêng mình, có nhiều nhiều hộ sản xuất lớn và đã đăng ký nhãn hiệu riêng, được nhiều người tiêu dùng biết đến như: nước mắm Bà Vinh, nước mắm Em Liễu, nước mắm Chị Mẹo…
 
Để sản phẩm làng nghề thực sự đến tay người tiêu dùng một cách bền vững và rộng rãi trong điều kiện hiện nay, các làng nghề cần có sự liên kết thành lập các đơn vị kinh tế, như: HTX, doanh nghiệp, đăng ký nhãn hiệu đến "nuôi dưỡng" thương hiệu. Bên cạnh đó, cần có sự trợ giúp của các cấp, ngành và các doanh nghiệp lớn trong xây dựng và hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, khi đó nước mắm truyền thống mới có điều kiện vươn ra những thị trường rộng lớn và ổn định. 
 
Thanh Hoa