Thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021: Nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định

  • 07:46 | Thứ Hai, 22/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sôi động với các loại hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại mẫu mã, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh. 
 
Theo đó, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm ưu thế, ước tính khoảng 80% hàng hóa lưu thông trên thị trường là hàng Việt Nam. Các mặt hàng bánh kẹo, mứt, rượu, bia, nước giải khát…rất phong phú, bảo đảm chất lượng, mẫu mã đẹp. Ngoài ra, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh lớn trên địa bàn tỉnh còn bày bán thêm nhiều sản phẩm có xuất xứ từ các nước, như: Thái Lan, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản..., tuy nhiên, giá cả khá cao so với hàng sản xuất trong nước.
 
Theo báo cáo của Sở Công thương, Tết Nguyên đán năm nay, giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, như: lương thực, thực phẩm cơ bản ổn định, không tăng so với năm trước. Riêng giá các loại thực phẩm tươi sống tăng hơn so với ngày thường, như: cá thu tăng từ 30-40% (loại 7-10kg/con), cá bớp tăng từ 20-30% (loại 5-7kg/con), thịt gà, thịt lợn, thịt bò tăng từ 10-15%, giá tôm đất tăng từ 20-30%...
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, giá các mặt hàng hoa và cây cảnh ổn định hơn so với Tết năm trước.
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, giá các mặt hàng hoa và cây cảnh ổn định hơn so với Tết năm trước.
Đối với mặt hàng hoa và cây cảnh trang trí trong dịp Tết, như: quất, mai, đào, cúc…, nhìn chung, giá cả ổn định so với Tết các năm trước. Nhưng, nguồn cung giảm từ 20-30%. Đến chiều 30 Tết, các điểm bán không còn tồn nhiều hàng. Các loại trái cây khá phong phú về chủng loại và dồi dào về số lượng, tại thời điểm giáp Tết, giá cả tăng khoảng 25-35% do sức mua của người dân tăng cao. Giá các loại củ, quả tương đối ổn định do lượng hàng cung ứng dồi dào. Giá các mặt hàng, như: quần áo may sẵn, giày dép, đồ dùng gia đình…giảm do các cơ sở kinh doanh áp dụng các chương trình giảm giá nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của người dân.
 
Đặc biệt, tại các trung tâm thương mại và siêu thị, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được áp dụng theo chỉ đạo của các cơ quan chức năng để bảo đảm an toàn cho khách hàng và người bán hàng, giá hàng hóa giữ ổn định, lượng hàng đa dạng cùng với nhiều chương trình khuyến mại được áp dụng nên thu hút tương đối lớn lượng khách hàng đến mua sắm.
 
Ông Dương Thảo, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Quảng Bình cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, sức mua và nhu cầu tiêu dùng của người dân bị ảnh hưởng bởi những khó khăn do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, doanh thu bán hàng Tết của siêu thị tương đương năm ngoái bởi siêu thị đã có nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, giá cả ổn định hơn so với các chợ truyền thống nên vẫn thu hút lượng khách hàng đến mua sắm.
 
Tại các chợ truyền thống, mặc dù hàng hóa được cung ứng khá dồi dào, đa dạng nhưng sức mua giảm hơn so các năm trước từ 5-10%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng thực phẩm tăng giá, như: tôm đất, thịt bò, nên người dân không mua nhiều để dự trữ như những năm trước đây. Theo bà Phạm Thị Hải, chủ đại lý tạp hóa chợ Bắc Lý cho biết, dịp Tết, lượng hàng mà cửa hàng chuẩn bị tăng khoảng 30% so với ngày thường nhưng sức mua năm nay giảm nhiều so với năm trước, sau Tết các mặt hàng, như: bánh, kẹo, đồ uống vẫn còn tồn kho rất nhiều.
 
Từ ngày mùng 3 Tết, trên địa bàn tỉnh một số hoạt động kinh doanh tại các chợ truyền thống và một số cửa hàng tạp hóa, trung tâm thương mại, các dịch vụ ăn uống, cà phê đã bắt đầu mở cửa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các mặt hàng được bày bán chủ yếu là rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống, trái cây, hoa tươi… để phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu và đi lễ, cúng đầu năm của người dân. Giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, như: lương thực, gạo, gas ổn định; giá các loại thực phẩm tươi, như: tôm, cá, thịt gà, thịt bò vẫn giữ như những ngày giáp Tết. Tuy nhiên, sức mua của người dân chưa nhiều do thói quen tích trữ thực phẩm trong Tết và  ảnh hưởng của dịch Covid-19.
 
Theo ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra hiện tượng hàng hóa bị khan hiếm hoặc hiện tượng đầu cơ, tích trữ hàng hóa, tăng giá bán bất hợp lý đối với các loại hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán, như: lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh và các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác. Hiện thị trường hàng hóa có xu hướng ổn định trở lại, cân đối cung-cầu hàng hóa, nhu cầu tiêu dùng đối với nhiều mặt hàng sau Tết không cao, giá nhiều mặt hàng, cước vận tải đã cơ bản ổn định so với thời điểm trước Tết.
 
Thanh Hoa