Phát triển chăn nuôi tập trung: Đánh thức tiềm năng, thế mạnh còn bỏ ngỏ

  • 14:24 | Thứ Tư, 24/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo mô hình gia trại, trang trại là một trong những xu hướng phát triển của ngành chăn nuôi hiện nay. Với tiềm năng, lợi thế có sẵn, giai đoạn 2020-2025, huyện Tuyên Hóa chủ trương khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung với quy mô lớn và xem đây là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
 
Mua xe hơi nhờ... nuôi lợn!
 
Trang trại của ông Đinh Trọng Lưỡng, ở thôn Bắc Sơn, xã Sơn Hóa là một trong những trang trại phát triển sớm và quy mô khá lớn trong không chỉ trên địa bàn xã Sơn Hóa, mà còn của huyện Tuyên Hóa. Từ năm 2007, nhận thấy tiềm năng và khả năng phát triển chăn nuôi lợn, gia đình ông Lưỡng đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại nuôi lợn.
 
Ông Lưỡng kể, trước năm 2007, cũng như bao gia đình khác, gia đình ông chỉ xem chăn nuôi lợn như là một nghề phụ bên cạnh các nghề nông nghiệp khác. Thời điểm đó, nhà ông chỉ nuôi vài ba con lợn để tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp từ 6 sào ruộng nhà làm được, chứ không nghĩ đến việc xây dựng chuồng trại để phát triển chăn nuôi tập trung.
 
Từ khi huyện có chủ trương ưu tiên phát triển chăn nuôi, ông mới nghĩ đến việc đầu tư phát triển chăn nuôi lợn. Ban đầu do kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi lợn chưa có, việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư còn gặp nhiều khó khăn, nên ông chưa dám “mạnh tay” đầu tư lớn cùng một lúc, mà chỉ tích lũy dần, rồi mở rộng, phát triển quy mô đàn qua từng năm.
 
Cứ như vậy, từ năm 2012 đến nay, tổng đàn lợn của trang trại ông Đinh Trọng Lưỡng luôn duy trì thường xuyên từ 700 đến 800 con lợn/năm. Ngoài ra, để chủ động nguồn lợn giống, gia đình ông đã nuôi 50 con lợn nái và 2 con lợn đực giống. Ông Lưỡng chia sẻ: “Những năm trở lại đây, mỗi năm, trang trại của tôi xuất chuồng khoảng 500 con lợn thịt, mang lại nguồn thu nhập 500 đến 700 triệu đồng/năm. Từ năm 2012, nuôi lợn đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. Ít ai nghĩ rằng, nuôi lợn lại cho thu nhập cao đến như vậy!”. 
Nhiều hộ gia đình ở Tuyên Hóa mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại chăn nuôi hiện đại.
Nhiều hộ gia đình ở Tuyên Hóa mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại chăn nuôi hiện đại.
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hóa Lê Anh Tuấn cho biết, trang trại lợn của gia đình ông Đinh Trọng Lưỡng là trang trại đầu tiên và quy mô lớn trên địa bàn xã Sơn Hóa. Đồng thời, ông Lưỡng cũng là hộ dân đầu tiên trên địa bàn xã mua được xe ô tô con nhờ nuôi lợn. Từ năm 2012, trang trại lợn của ông Lưỡng đã đạt tiêu chuẩn trang trại cấp huyện.
 
Hiện trên địa bàn xã Sơn Hóa có 2 trang trại đạt tiêu chuẩn. Chủ trương của chính quyền địa phương trong thời gian tới là khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Giai đoạn 2020-2025, xã Sơn Hóa phấn đấu xây dựng có thêm từ 1 đến 2 trang trại và từ 15 đến 20 gia trại.
 
Tạo điều kiện phát triển chăn nuôi
 
Nhận thấy lợi thế, tiềm năng của việc chăn nuôi tập trung, những năm gần đây, nhiều người dân trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã mạnh dạn chuyển hướng đầu tư phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung. Một số hộ dân đã đầu tư số tiền cả tỷ đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi.
 
Mặc dù lần đầu tiên phát triển chăn nuôi, song gia đình ông Lâm Thanh Hóa ở thôn Đồng Lê, xã Lê Hóa đã đầu tư hệ thống chuồng trại quy mô hiện đại với diện tích chuồng trại hơn 300m2, hệ thống cho ăn, nước uống tự động; hệ thống quạt gió, hút mùi, hầm biogas. Đặc biệt, ông Hóa còn đầu tư trang bị hệ thống camera kết nối với điện thoại thông minh để theo dõi, kiểm soát lợn và người lạ ra vào chuồng.
 
Ông Hóa cho biết, tổng số tiền đầu tư xây dựng chuồng trại, lợn giống lên đến gần 1,2 tỷ đồng. Hiện tại, lứa lợn đầu tiên với 220 con (hơn 3 tháng tuổi) của ông đang phát triển rất tốt, hứa hẹn mang đến nguồn thu nhập khá lớn cho gia đình. Sắp tới, gia đình ông sẽ tiếp tục đầu tư nuôi lợn nái, lợn đực giống để chủ động nguồn giống lợn.
 
Về lâu dài, gia đình ông mong muốn mở rộng quy mô chuồng trại để chăn nuôi. Tuy nhiên, do diện tích đất của gia đình hạn chế, lại ở trong khu vực dân cư nên khó có thể mở rộng thêm quy mô, vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh. Vì vậy, về lâu dài, chính quyền địa phương cần quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung để các gia đình phát triển chăn nuôi như ông có điều kiện để mở rộng quy mô chăn nuôi, ông Hóa chia sẻ thêm.
 
Ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa cho biết, Tuyên Hóa là huyện miền núi, có thế mạnh về các ngành kinh tế vườn, đồi, rừng để phát triển chăn nuôi. Nhưng, so với kinh tế rừng, ngành chăn nuôi vẫn chưa thực sự phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế có sẵn. Vì vậy, giai đoạn 2020-2025, huyện Tuyên Hóa chủ trương khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung với quy mô lớn và xem đây là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
 
Theo đó, huyện sẽ tạo điều kiện cho các hộ nông dân chuyển đổi diện tích đất trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng cỏ để phát triển chăn nuôi; khuyến khích người dân tập trung nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, từng bước áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến, công nghệ cao, phấn đấu đưa giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đến năm 2025 đạt 305 tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó, huyện sẽ tiến hành cơ cấu lại quy mô, hình thức tổ chức sản xuất, khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; phát triển các loại hình kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung có quy mô lớn.
 
Với các hộ nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về vốn vay, Tuyên Hóa sẽ quy hoạch các khu vực chăn nuôi tập trung, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, điện, đường, tạo điều kiện để nông dân phát triển chăn nuôi.
 
Dương Công Hợp