Nông nghiệp công nghệ cao-nâng tầm giá trị nông sản

  • 08:36 | Thứ Ba, 16/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), phát triển công nghệ cao (CNC) trong sản xuất được xem là xu hướng tất yếu giúp nông nghiệp có những bước tiến vượt bậc. Để thay đổi bức tranh nông nghiệp của địa phương, những năm qua, Quảng Bình đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, như: dồn đổi, tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, áp dụng KHCN vào sản xuất; thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp CNC… Nhờ đó, nông nghiệp CNC của tỉnh đã từng bước hình thành, nhiều mô hình phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.
 
Tăng năng suất, giá trị sản phẩm
 
Ngược lên phía Tây Bắc TP. Đồng Hới, chúng tôi đến vườn rau thủy canh của Công ty CP thực phẩm xanh Đông Dương (thôn Thuận Hòa, xã Thuận Đức) và thực sự ngỡ ngàng bởi trên vùng đất cằn cỗi, sỏi đá lại tồn tại một vườn cây tươi tốt với nhiều loại rau xanh phong phú như vậy. Càng đi sâu vào trong các vườn nhà kính, chúng tôi càng bị cuốn hút bởi những hàng rau cải xanh mướt, mướp đắng trĩu quả…
 
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Lê Minh, quản lý Dự án trang trại nông nghiệp CNC (Công ty CP thực phẩm xanh Đông Dương) cho biết: “Dự án có quy mô 5,5ha. Ngay khi bắt tay vào triển khai, chúng tôi đã đưa ra tiêu chí, người tiêu dùng phải được sử dụng sản phẩm sạch thật sự. Để bảo đảm tiêu chí đó, các loại rau của công ty đều áp dụng công nghệ trồng thủy canh hồi lưu, thủy canh trong giá thể, khí canh. Nhờ đó, các loại rau không chỉ ngăn ngừa được sâu bệnh gây hại, dễ thu hoạch mà còn có chất lượng bảo đảm, năng suất cao”.
 
Trước yêu cầu của hội nhập, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, với nhận thức mới, kiến thức mới, ứng dụng CNC vào sản xuất để ít lệ thuộc và chịu tác động từ thời tiết bất thường. Những năm gầy đây, sản xuất nông nghiệp Quảng Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ thành các trang trại, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng sản xuất nông sản ứng dụng CNC, các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng…, như: mô hình trồng rau, quả VietGAP của Công ty TNHH MTV An Nông, Công ty TNHH TM Hiếu Hằng; sâm Bố Chính của Công ty TNHH nông nghiệp CNC Tuệ Lâm; trang trại cam VietGAP của ông Bế Văn Mai (huyện Bố Trạch)…
 
Ông Lê Xuân Tế, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM Hiếu Hằng chia sẻ: “Công ty chúng tôi triển khai mô hình trồng cây trong nhà kính đã được 4 năm với quy mô 3.000m2, mỗi năm trồng 3 vụ với các loại rau, quả có giá trị kinh tế cao, như: dưa leo, dưa lưới, cà chua, mướp đắng… Nhờ ứng dụng công nghệ tưới tự động, các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cây trồng trong nhà kính đã giảm bớt lao động so với canh tác truyền thống, mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Riêng vụ Tết, công ty trồng 2.500m2 dưa lưới, với giá bán từ 40.000 đồng-60.000 đồng/kg, công ty thu lãi gần 500 triệu đồng/vụ”. 
Toàn cảnh Công ty TNHH chăn nuôi Buntaphan Quảng Bình.
Toàn cảnh Công ty TNHH chăn nuôi Buntaphan Quảng Bình.
Không chỉ ứng dụng thành công trong lĩnh vực trồng trọt, mô hình nông nghiệp CNC cũng đã mang lại hiệu quả cao trong chăn nuôi. Điển hình là dự án Trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc CNC của Công ty TNHH chăn nuôi Buntaphan Quảng Bình (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh). Được triển khai từ năm 2017, đến nay, trang trại có 2.327 lợn nái, 10.817 lợn thịt, 3.911 lợn con theo mẹ và 87 lợn đực giống. Ngoài việc tổ chức sản xuất tại chỗ theo quy trình khép kín từ nuôi giữ lợn cụ kỵ, tạo ra lợn ông bà, đến lợn thịt thương phẩm cho thị trường, trang trại còn cung cấp con giống lợn ngoại có chất lượng cao cho các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.
 
Ông Somthad Buntaphan, Giám đốc Công ty TNHH chăn nuôi Buntaphan Quảng Bình cho biết, để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất, công ty đã áp dụng rất nhiều các tiến bộ KHCN trong chăn nuôi, như: sử dụng những lợn giống đầu dòng nhập về từ Pháp, Đan Mạch; xây dựng chuồng trại khép kín có hệ thống điều hòa nhiệt độ, theo dõi ẩm độ; tự động hóa trong việc cung cấp thức ăn, nước uống… Đặc biệt, công ty đã áp dụng CNC trong việc lai tạo giống, thụ tinh nhân tạo với những trang thiết bị hiện đại hàng đầu Việt Nam, sản xuất tinh lợn tự động theo công nghệ của Magapor-Tây Ban Nha…
 
Xu hướng phát triển tất yếu
 
Nông nghiệp CNC là một nền nông nghiệp ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến, có nhiều ưu việt vào sản xuất, nhằm tạo ra nông sản hàng hóa năng suất, chất lượng cao và bảo đảm an toàn thực phẩm. Đây là xu hướng tất yếu trong thời kỳ cách mạng 4.0, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
 
Do đó, thời gian qua, Quảng Bình đã thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất. Mặc dù chưa có bộ cơ chế, chính sách riêng về thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC song UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, các giải pháp, bố trí nguồn lực để triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương; tăng cường các nguồn lực của tỉnh hỗ trợ thực hiện nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. 
Rau cải trồng thủy canh của Công ty CP thực phẩm xanh Đông Dương.
Rau cải trồng thủy canh của Công ty CP thực phẩm xanh Đông Dương.
Theo ông Trần Đình Hiệp, Trưởng phòng KHCN, môi trường và hợp tác quốc tế, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (PTNT), đến nay, trên địa bàn tỉnh có 22 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng CNC, với tổng diện tích khoảng 100ha; 6 cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có ứng dụng CNC trên nhiều khâu sản xuất. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp CNC ở Quảng Bình vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như: số cơ sở sản xuất nông nghiệp CNC chưa nhiều, không theo quy hoạch; sản phẩm nông nghiệp CNC còn ít, chưa đa dạng về chủng loại; lao động tay nghề cao còn hạn chế…
 
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, để phát triển sản xuất nông nghiệp CNC mang lại hiệu quả, cần tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp cơ bản, như: phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; làm tốt công tác quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng; thực hiện tốt việc nghiên cứu, tuyển chọn, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Nhà nước về khuyến khích phát triển nông nghiệp CNC; làm tốt công tác thị trường và xúc tiến thương mại…
 
Lê Mai