Ngành công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp nỗ lực vượt khó

  • 08:41 | Thứ Sáu, 26/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 và thiên tai ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Nhờ sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó, tìm kiếm thị trường, kịp thời điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh…
 
Nhờ đó, năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,6%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 13.052 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2019, trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 6,1%, chế biến, chế tạo tăng 6,8%, sản xuất phân phối điện tăng 3,8% và cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5%.
Năm 2020, sản phẩm ván ép phủ phim đạt sản lượng 64.682 m3, tăng 473,2% so với năm 2019.
Năm 2020, sản phẩm ván ép phủ phim đạt sản lượng 64.682 m3, tăng 473,2% so với năm 2019.
TTCN tiếp tục phát triển ổn định, các làng nghề, ngành nghề thủ công được quan tâm khôi phục và phát triển, góp phần gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống của địa phương, mang lại việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn, tạo ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu của địa phương, phục vụ du lịch và xuất khẩu. Nhiều cơ sở đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, điển hình là các ngành nghề, như: mộc mỹ nghệ, sản xuất tinh bột nghệ… 
 
Ông Hồ Nhật Bình, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương cho biết, mặc dù dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ của một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nhưng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì và tăng trưởng.
 
Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số lĩnh vực giảm mạnh, như: bia đóng chai, tinh bột sắn, áo sơ mi người lớn, dăm gỗ... Một số cơ sở công nghiệp vẫn đang dừng sản xuất, như: Nhà máy xi măng Thanh Trường, Nhà máy xi măng Áng Sơn 1... Một số dự án công nghiệp hoàn thành đưa vào hoạt động nhưng chưa phát huy hiệu quả, thiếu lao động và việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn.
 
Thiếu vỏ container nên Công ty cổ phần gỗ Quảng Phát không thể xuất hàng sang các nước như kế hoạch.
Thiếu vỏ container nên Công ty cổ phần gỗ Quảng Phát không thể xuất hàng sang các nước như kế hoạch.
Công ty cổ phần gỗ Quảng Phát là công ty chế biến gỗ, ván ép, ván ghép thanh với hệ thống máy móc thiết bị công nghệ cao, sản phẩm được sản xuất đạt các tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng quốc tế, chinh phục được các thị trường khó tính, như: Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu. Thế nhưng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thời gian gần đây, công ty gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, sản xuất đình trệ.
 
Ông Ngô Xuân Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần gỗ Quảng Phát cho biết: "Năm 2020, công ty phải tạm dừng hoạt động của nhà máy từ tháng 3 đến tháng 6-2020 để phòng, chống dịch Covid-19 khiến doanh thu giảm mạnh. Hiện công ty rất khó khăn trong việc xuất hàng sang các nước vì phải cạnh tranh thuê container rỗng với mức giá tăng cao. Dù giá tăng cao, nhưng doanh nghiệp cũng không dễ dàng để thuê được vỏ container để xuất hàng nên hàng hóa tồn kho rất lớn. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào cao, thiếu nhân công lao động cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của công ty, hiện công suất hoạt động của công ty chỉ mới chỉ đạt 50%".
 
Nhà máy Chế biến tinh bột sắn của Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh cũng lâm vào tình trạng tương tự. Hiện công ty cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ sản phẩm rất hạn chế do phải lệ thuộc vào thị trường chủ yếu là Trung Quốc, sản phẩm chịu ảnh hưởng của tính thời vụ nên hoạt động sản xuất hàng năm không ổn định. Đặc biệt, năm 2020, do ảnh hưởng của đợt lũ lịch sử nên các vùng nguyên liệu sắn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giảm sản lượng, ảnh hưởng đến hàm lượng tinh bột và chất lượng sản phẩm.
 
Theo ông Lê Văn Thơ, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh, hiện công ty đang cố gắng nỗ lực vượt khó để duy trì hoạt động sản xuất chế biến, bảo đảm bao tiêu nguyên liệu cho người dân; đồng thời, tranh thủ mọi nguồn lực để tháo gỡ khó khăn cũng như tìm cách bổ sung nguồn vốn phục vụ sản xuất, cố gắng tiết kiệm nhằm giảm thiểu chi phí giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển chế biến sâu, tăng sức cạnh tranh và phát triển tốt hơn về thị trường tiêu thụ.
 
Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Sở Công thương đã tập trung phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm đã hoàn thành năm 2020 đi vào sản xuất năm 2021; đẩy nhanh tiến độ các dự án, như: Viên nén năng lượng Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa và Công ty TNHH Trung Chính, dự án Thủy điện La Trọng…
 
Bên cạnh đó, sở tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công về chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, sở tiếp tục sử dụng hiệu quả các nguồn vốn khuyến công của Trung ương và địa phương hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh để khuyến khích phát triển sản xuất.
 
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo cùng các giải pháp đồng bộ của tỉnh, sự nỗ lực của các ngành chức năng, các doanh nghiệp và người lao động, kỳ vọng năm 2021, sản xuất công nghiệp-TTCN của tỉnh sẽ tiếp tục giành được nhiều thành quả cao hơn, bền vững hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
 
 Thanh Hoa