Khởi nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

  • 20:59 | Chủ Nhật, 14/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vài năm trở lại đây, “thích ứng với biến đổi khí hậu” trở thành một từ khóa “trending” (xu hướng) trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Không nằm ngoài quy luật của phát triển bền vững, không ít bạn trẻ khởi nghiệp của Quảng Bình-mảnh đất miền Trung nắng gió, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu đã mạnh dạn triển khai những kế hoạch, dự án “start-up” có sức bền, chạy đường dài trong “cuộc đua” với biến đổi khí hậu. Hiệu quả trước mắt chính là trong trận mưa lũ lịch sử vừa qua, các mô hình vẫn bền gan thử sức, tiếp tục phát triển.
 
Những ngày đầu năm mới, chàng trai Lê Văn Quang (SN 1988) tất bật với quán cà phê sinh thái mới khai trương trên diện tích hơn 400m2 tại thị trấn Quán Hàu (huyện Quảng Ninh). Mô hình quán cà phê kết hợp vườn ươm giống lan mới đi vào hoạt động vào cuối năm 2020, nhưng trên thực tế, vườn ươm giống lan đã được hình thành từ năm 2015. Bắt đầu chỉ là niềm đam mê và thú chơi đơn thuần, Quang đã nâng lên thành nghề “trồng ra tiền, đương đầu với nắng gió” theo như tâm sự của chính chủ nhân.
 
Do đặc điểm hoa lan ưa sự mát mẻ, ẩm ướt, trong khi khí hậu của Quảng Bình lại nắng gió, nhất là vào mùa hè, gió phơn Tây Nam sẵn sàng thiêu đốt từng cánh hoa mỏng manh, Quang đã phải trăn trở rất nhiều để có thể mạnh dạn theo đuổi mô hình khởi nghiệp nhiều rủi ro này. Học hỏi kinh nghiệm từ các anh em bạn bè cùng đam mê, từ internet, tài liệu khoa học, nhưng quan trọng hơn chính là bắt tay triển khai thực hiện. Không ít lần, Quang khóc thầm với từng giò lan đắt tiền khô héo dưới nắng nóng hay gió lạnh từng cơn. Công sức bỏ ra nhiều, quyết tâm lại càng lớn trong chàng trai trẻ. 
Mô hình trồng rau thủy canh tại vùng núi Trường Thủy mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, thích ứng biến đổi khí hậu cho Nguyễn Văn Giáp.
Mô hình trồng rau thủy canh tại vùng núi Trường Thủy mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, thích ứng biến đổi khí hậu cho Nguyễn Văn Giáp.
Giới thiệu say mê về giò lan phi điệp năm cánh trắng Nha Trang được trồng cách đây 3 tháng với dự kiến sẽ bán được với giá trị kinh tế rất cao, Quang tâm sự: “Giờ đây, tôi khá tự tin với hệ thống chống nóng của vườn ươm. Những giò lan giá trị đều được trồng ở nơi thoáng đãng, có hệ thống làm mát bằng nước chảy tự động phía dưới. Phía trên tôi bố trí hệ thống tưới nước hiện đại, hệ thống quạt mát, phun sương. Những ngày trời nóng, không được để hoa lan ở nhiệt độ cao, mà phải luôn duy trì ổn định nhiệt độ trung bình. Vào mùa đông, hệ thống mái che trong suốt bảo vệ hoa và vẫn cung cấp đủ ánh sáng, độ ẩm. Những ngày ngập lụt trong tháng 10 vừa qua, do chủ động lựa chọn vườn ươm ở vị trí cao nên toàn bộ các giò lan không bị ảnh hưởng”. Nhờ đó, Quang đã trồng thành công nhiều giống lan quý hiếm, đột biến, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trung bình mỗi ngày vườn ươm bán được 10 giò lan, thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng.
 
Chia sẻ về ý tưởng phát triển thêm quán cà phê sinh thái, Quang cho biết, là chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) khởi nghiệp của huyện Quảng Ninh, cũng như ban chủ nhiệm CLB, Quang rất mong muốn đây sẽ là ý tưởng ban đầu cho đề án xây dựng khu du lịch sinh thái khởi nghiệp cho thanh niên địa phương. Qua đó, sẽ hình thành khu du lịch sinh thái bao gồm nhiều hạng mục, tạo điều kiện cho các bạn trẻ triển khai ý tưởng, như: hồ sen, câu cá, chụp ảnh, ngắm hoa, ẩm thực đặc sản địa phương… Tuy nhiên, để ý tưởng này có thể đi vào thực tế sẽ cần rất nhiều nỗ lực của CLB, sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể…
 
Chung ý tưởng như nhiều bạn trẻ muốn đưa nông nghiệp sạch về vùng nông thôn, năm 2020, Nguyễn Văn Giáp (SN 1992, xã Trường Thủy, Lệ Thủy) sau một thời gian làm công nhân ở miền Nam đã quyết định về vùng gò đồi xây dựng nhà kín trồng rau theo lối thủy canh hồi lưu. Giáp kể, cơ duyên đến tình cờ sau một lần lướt mạng internet, bị hấp dẫn bởi những luống rau xanh sống tốt trong mọi điều kiện thời tiết, Giáp quyết định đầu tư 60 triệu đồng trồng thử nghiệm rau thủy canh hồi lưu trong nhà kín với diện tích 100m2. Một vài công nghệ mới cũng được Giáp sử dụng cho vườn, như: hệ thống phun sương tự động, làm mát… Sau vài tháng thử nghiệm với nhiều thất bại, hiện nay, rau của vườn đã được nhập cho 2 cơ sở nông sản sạch trên địa bàn huyện Lệ Thủy.
 
Giáp chia sẻ, thành công bước đầu là cơ sở để mạnh dạn mở rộng diện tích nhà kín thêm 300m2 và thử nghiệm với nhiều loại rau đa dạng hơn. Mong muốn của Giáp là được hỗ trợ thêm về kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và có cơ hội giao lưu, học hỏi, tìm hiểu về các mô hình nông nghiệp sạch khác. 
Các sản phẩm từ sen Quảng Phương đa dạng và chất lượng, được khách hàng yêu thích.
Các sản phẩm từ sen Quảng Phương đa dạng và chất lượng, được khách hàng yêu thích.
Gặp lại Phan Thanh Sơn (SN 1993, xã Quảng Phương, Quảng Trạch) sau hơn một năm trời miệt mài với các sản phẩm mới từ sen quê hương. Sơn chia sẻ, năm 2019, các sản phẩm từ sen của Sơn đã lọt vào vòng bán kết Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn. Sau cuộc thi, Sơn học hỏi được rất nhiều từ các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp với nông nghiệp sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu như mình, tham gia vào cộng đồng nông nghiệp sạch Việt Nam. Từ đó, Sơn xây dựng thêm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm sen sạch Quảng Phương, hướng tới những mục tiêu dài hơi hơn.
 
Nhớ lại thời điểm năm 2010, khi cây lúa trên đồng ruộng gia đình ngày một không thích ứng với chất đất và khí hậu khắc nghiệt, gia đình Sơn mạnh dạn chuyển đổi 2ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen. Với 1 năm/vụ, cây sen cho thu hoạch trong 4 tháng, từ tháng 5 đến tháng 8, sản lượng ổn định, hạt tươi đạt 1,5 tấn/ha; hạt khô 1 tấn/ha. Như vậy, trồng sen tránh được mùa lụt bão trong năm. Có sản phẩm rồi, Sơn mạnh dạn phát triển các sản phẩm từ sen theo công thức, mùa nào thức nấy, phù hợp khí hậu thời tiết. Chẳng hạn, mùa hoa nở, Sơn phát triển trà hoa sen, hạt sen tươi… và nhất là có thu nhập ổn định từ mở dịch vụ chụp ảnh cho du khách; mùa sen tàn, Sơn lại bán hạt sen khô, tim sen và mới đây là trà lá sen dạng khô, trà lá sen dạng túi lọc.
 
Thấy hiệu quả, các hộ gia đình khác cũng mạnh dạn chuyển đổi trồng sen, nhờ đó, Sơn bao tiêu thêm từ 7-8ha hồ sen, nâng cao sản lượng và mở rộng nguồn cung sản phẩm. Tổ hợp tác sản xuất sen thương phẩm Quảng Phương được thành lập góp phần chuyên nghiệp hóa các sản phẩm từ sen, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Về ý tưởng tương lai, Phan Thanh Sơn chia sẻ mong muốn đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ sen và tiến tới tham gia bình chọn sản phẩm OCOP (chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) cấp huyện, cấp tỉnh. Từ đó, đưa thương hiệu sen Quảng Phương vươn xa đến những thị trường tiềm năng ngoại tỉnh.
Anh Nguyễn Văn Sáu, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, trên địa bàn tỉnh, các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu còn khá ít ỏi, do đó, Tỉnh đoàn tích cực hỗ trợ các “start-up” về kết nối với các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp; tạo sân chơi để trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm thông qua các mô hình, CLB khởi nghiệp; tập huấn khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao; quảng bá giới thiệu sản phẩm.… Riêng về kênh vay vốn, Tỉnh đoàn đang hỗ trợ nguồn vốn vay giải quyết việc làm và vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội. Sắp tới, một số mô hình thích ứng biến đổi khí hậu sẽ được tạo nhiều điều kiện phát triển hơn nữa.
Mai Nhân